Chợ đá quý “độc nhất vô nhị” chỉ có ở Lục Yên

Vùng đất Lục Yên được thiên nhiên ưu ái với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, trong đó các loại đá quý được tìm thấy và khai thác từ thập kỷ 90 cho đến nay. Từ nhu cầu của thị trường, tại đây đã dần hình thành nên một chợ đá quý “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.

Du khách nước ngoài lựa chọn đá quý tại Chợ đá quý Lục Yên.

Du khách nước ngoài lựa chọn đá quý tại Chợ đá quý Lục Yên.

>> Độc đáo phiên chợ đá quý Lục Yên

Khi nhắc đến thị trấn Yên Thế, Lục Yên, người ta liên tưởng ngay đến địa phương có khu chợ kinh doanh mặt hàng độc đáo, duy nhất ở Việt Nam – nơi có hoạt động mua, bán các sản phẩm có nguyên liệu từ đá quý và đá bán quý.

Từ những năm 1989, vùng đất Lục Yên nổi lên khắp cả nước bởi nghề đào đá quý, hàng ngàn người khắp nơi đổ về tìm kiếm cơ hội đổi đời. Cùng với việc khai thác đá tự do của người dân còn có sự tham gia của 2 công ty liên doanh khai thác đá quý Việt – Nga và Việt – Thái, chủ yếu khai thác tại khu vực dãy núi Nước Ngập (khu vực xã An Phú, Minh Tiến).

Thời gian này, nhân dân Lục Yên và người dân từ các địa phương khác đã đổ về đào đãi đá ở các khu vực lân cận với địa phận khai thác của hai công ty nói trên, tạo thành những bãi khai thác có tên gọi gắn với địa danh, đặc điểm như: Bãi Chuối, Bãi Hà Nội, Bãi Hải Phòng, Bãi Cạn…

Và theo quy luật của dòng chảy thị trường có cung ắt có cầu, từ đó đã hình thành hoạt động trao đổi, mua bán mặt hàng đặc biệt này. Lúc đầu, người dân không hiểu rõ về các loại đá quý nên mặc nhiên chỉ công nhận đá có màu hồng, màu đỏ mới có giá trị kinh tế; về giá cả cũng tùy hứng của người mua và bán, lấy tiêu chí độ trong, màu sắc… làm căn cứ để định giá. Khi đó, cũng chỉ có vài người đào đãi được đá quý mang xuống bán tại những quán nước khu vực xung quanh bờ hồ Lục Yên (nay thuộc tổ dân phố 6, thị trấn Yên Thế).

Người bán và người mua thỏa thuận giá cả, thuận mua – vừa bán. Sau này, người mua đã biết tìm đến các bãi khai thác để mua hàng với các hình thức trao đổi, mua bán linh hoạt, phong phú như: bằng tiền mặt, bằng thực phẩm (gạo, muối, cá khô, mì tôm, bánh kẹo, rượu bia, bằng thuốc lào, thuốc lá…). Người mua được hàng lại mang hàng xuống núi “sang tay” cho người mua khác, khi đó chủ yếu là các thương nhân đến từ các thành phố lớn buôn bán kinh doanh vàng bạc, đá quý và một số ít thương nhân địa phương.

Các nghệ nhân trình diễn quy trình làm tranh đá quý tại Hội chợ Đá quý Lục Yên năm 2023.

Ông Trần Mạnh Tú – Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Lục Yên cho biết: “Do số lượng người tham gia hoạt động mua – bán ngày càng đông nên một số người đã tập hợp nhau lại để thực hiện việc mua – bán đá quý tập trung tại địa điểm trước cửa của cửa hàng tổng hợp cũ (nay thuộc tổ dân phố 7, thị trấn Yên Thế) và lấy tên là Chợ đá quý. Chợ phát triển nhất vào những năm 1991, 1992, khi đó chợ đá Lục Yên có hàng trăm gian hàng lớn, nhỏ. Người tứ phương, thậm chí ở các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore… cũng tìm đến mua”.

Hoạt động mua – bán đá quý tại chợ đá quý dần dần phát triển và đi vào nề nếp. Bên cạnh việc mua – bán sản phẩm thô, các thương nhân, thợ thủ công đã tìm tòi, học hỏi và phát triển tạo ra những sản phẩm đã qua chế tác để làm mặt nhẫn, dây chuyền, hoa tai đem lại giá trị kinh tế cao hơn, có thị trường tiêu thụ đa dạng hơn. Một số sản phẩm kích thước nhỏ và một số loại đá bán quý đã được các nghệ nhân đất ngọc dùng làm nguyên liệu để chế tác thành những bức tranh chữ, tranh phong thủy, tranh phong cảnh…, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Năm 2020, Công ty TNHH Sơn Tùng phối hợp với Hội Đá quý Lục Yên xây dựng chợ đá quý mới với gần 200 gian hàng, tại trung tâm thị trấn Yên Thế, thuận tiện cho việc mua bán, trao đổi hàng hoá, nhất là tiện lợi cho khách đến thăm quan, tìm hiểu, mua sắm khi xung quanh chợ là khu vực gian hàng của các gia đình tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ nguyên liệu đá quý, đá bán quý.

Với sự phát triển mạnh của các sản phẩm từ đá quý và từ giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, từ năm 2021, Hội Đá quý Lục Yên đã quan tâm nhiều hơn đến công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm từ đá quý, đá phong thủy.

Ông Nguyễn Văn Dư – Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế cho biết: “Năm 2023 là năm thứ 2 thị trấn Yên Thế tổ chức Khai xuân Chợ đá quý. Với việc tổ chức các cuộc thi trình diễn quy trình làm tranh đá quý, giới thiệu nguồn gốc các loại đá phong thủy, đá quý, qua đó quảng bá sản phẩm, thu hút du khách, kích cầu tiêu thụ.

Hiện nay, UBND thị trấn tích cực phối hợp với Hiệp hội Đá quý Lục Yên xây dựng làng nghề tranh đá quý, từ đó duy trì và phát triển tốt hơn các sản phẩm từ đá quý”. Trong ngày Khai xuân Chợ đá quý (11/2/2023), hàng trăm du khách khắp nơi trong nước và quốc tế đã đến Chợ đá quý Lục Yên thăm quan, tìm hiểu, mua – bán các sản phẩm đá quý.

Ông Trần Mạnh Tú – Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Lục Yên cho biết: “Để đảm bảo uy tín cho khách hàng mua –  bán tại chợ, chúng tôi yêu cầu các hội viên tuân thủ quy định chỉ bán hàng xuất xứ tại Lục Yên, đá tự nhiên, không bán hàng nước ngoài, các loại đá nhân tạo”. Điều đặc biệt ở Chợ đá quý Lục Yên là người bán đều là phụ nữ, giao tiếp với du khách nhẹ nhàng, khéo léo. Du khách có thể thoải mái lựa chọn, thuận mua vừa bán.

Chị Vũ Thị Hằng – chủ quầy hàng tại Chợ đá quý Lục Yên cho biết: “Khách đến thăm quan và mua đá cũng rất đa dạng. Thông thường, họ là những người buôn bán chuyên nghiệp đến từ khắp nơi trên cả nước và có cả những người khách quốc tế. Khách nước ngoại thường chọn những mặt hàng tiêu chuẩn: độ trong cao và lành, khối đầy, những loại đá dòng sitilen, rubi”.

Ông Nguyễn Duy Ánh – du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi đến đây vừa đi du lịch cùng gia đình, vừa muốn mua một viên đá thật đẹp để làm mặt nhẫn. Được người bán hàng tư vấn tỉ mỉ, tôi đã chọn được một viên ưng ý nhất, giá tiền cũng vừa phải”.

Anh Vadim Cherepanov – du khách người Nga hào hứng cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Chợ đá quý Lục Yên, đá quý ở đây rất đẹp, chị em bán hàng thân thiện, dễ mến. Tôi biết mảnh đất này thông qua bạn bè. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng, bởi nhiều loại đá quý đa dạng, phong phú, mầu sắc rất đẹp. Tôi cũng đã chọn mua cho mình những viên đá mang về làm quà tặng cho những người thân của tôi. Hy vọng, lần sau tôi sẽ có dịp trở lại và khám phá vùng đất này”.

Ông Trần Công Lập – Phó Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Đá quý thành phố Hà Nội cho biết: “Trên thế giới có 2 loại đá quý được ưa chuộng và công nhận là ở Mianma và Lục Yên của Việt Nam. Chất lượng đá tốt, mầu đẹp, bền, thuộc các dòng đá rubi, saphia, stilen, trong đó đá rubi có chất lượng, giá trị chỉ sau kim cương”.

Năm 2022, sản phẩm tranh đá quý Lục Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp Chứng nhận nhãn hiệu tranh đá quý Lục Yên cho sản phẩm “Tranh đá quý Lục Yên”. Đây là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu mạnh hơn cho các sản phẩm tranh đá quý của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Việc quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ về mặt pháp lý để duy trì, phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ đá quý, đá bán quý đã được cấp ủy Đảng, chính quyền thị trấn coi trọng, luôn tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia hội chợ thương mại do trung ương và các tỉnh tổ chức.

Việc tổ chức chương trình khai xuân chợ đá quý – đá mỹ nghệ hàng năm đã và đang là một trong những hoạt động nhằm kích cầu, quảng bá sản phẩm của địa phương.

Anh Dũng

Nguồn Báo Yên Bái: http://baoyenbai.com.vn/215/260022/Cho-da-quy-doc-nhat-vo-nhi-chi-co-o-Luc-Yen.aspx