Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình cung ứng điện tại Quảng Ninh

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, kiểm tra đột xuất một số nhà máy nhiệt điện và công ty than về tình hình cung ứng điện tại Quảng Ninh.

Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Đặng Quốc Khánh, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, kiểm tra hoạt động sản xuất tại Công ty Nhiệt điện Mông Dương, Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty Cổ phần than Hà Tu và làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết Quảng Ninh là trung tâm nhiệt điện của miền Bắc, trong bối cảnh thiếu trầm trọng nguồn cung điện, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị ngành than đảm bảo cung cấp đủ than phục vụ hoạt động sản xuất điện.

444

Thủ tướng Chính Phủ kiểm tra công tác hoạt động tại Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.

Nhà máy nhiệt điện tăng cường giải pháp vận hành, hạn chế tối đa việc dừng sửa chữa, bảo dưỡng, trừ trường hợp sự cố bất khả kháng; khẩn trương khắc phục sự cố, vận hành tối đa công suất cung cấp lên lưới điện quốc gia. Quảng Ninh đã tạo điều kiện tối đa để ngành điện triển khai các công tác sản xuất, điều phối và vận hành lưới điện…

Cùng với đó, địa phương này đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện hiệu quả sử dụng tiết kiệm năng lượng trên nguyên tắc thực hiện phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Mục tiêu quan trọng nhất là tìm ra các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bắt buộc phải cắt điện luân phiên. Tiết giảm điện nhưng vẫn giữ được ổn định đời sống nhân dân, ổn định sản xuất và các mục tiêu tăng trưởng.

Quảng Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành quan tâm chỉ đạo hỗ trợ Quảng Ninh trong triển khai ổn định phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và ưu tiên phát triển du lịch, đóng góp ổn định nền kinh tế để có ưu tiên phù hợp; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình duyệt quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050, làm cơ sở để ngành than triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu, tiến độ, hiệu quả.

Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm xem xét, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành than, nhất là vướng mắc trong hồ sơ về đề nghị cấp giấy phép thăm dò, gia hạn, khai thác khoáng sản than, qua đó góp phần ổn định, phát triển bền vững ngành than, ngành điện.

6666

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, thăm hỏi các cán bộ công nhân tại mỏ than Hà Tu.

Sau khi trực tiếp kiểm tra tình hình sản xuất, cung ứng điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, công tác sản xuất than phục vụ cho các nhà máy điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo cung cấp điện cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt nhân dân.

Các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát các quy định, quyết định, có cơ chế chính sách, hướng dẫn cụ thể, thiết kế công cụ kiểm tra giám sát để cân đối, bổ sung, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tế phát triển, tháo gỡ khó khăn. Văn phòng Chính phủ đôn đốc việc thực hiện.

Ngành điện, than cần phát huy tốt vai trò ngành chủ lực trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo vận hành bộ máy sản xuất hiệu quả, ổn định; động viên, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân để tăng năng suất lao động, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu, nhiên liệu phục vụ các ngành sản xuất. Quảng Ninh sẽ là địa phương đi đầu, thí điểm về chăm lo, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng công nhân lao động; sớm đưa nhà ở công nhân, nhà ở xã hội vào sử dụng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp thu, hỗ trợ giải quyết trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt trong đó, triển khai hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, tập trung nghiên cứu, điều chỉnh quy định về khoáng sản và vật liệu san lấp để địa phương có căn cứ thực hiện; giải quyết khó khăn, vướng mắc của ngành than và sử dụng đất đá thải mỏ làm sản phẩm san lấp, đáp ứng tiến độ đầu tư các công trình giao thông, đô thị.