Thủ đoạn chiếm dụng tiền khi vay tổ chức tín dụng và các App: Chiêu thức tinh vi và bài bản

Các tổ chức tín dụng thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị gian lận, thậm chí lừa đảo để chiếm tiền thông qua các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Từ lâu, loại hình hoạt động tại các tổ chức tín dụng, dịch vụ cầm đồ và mô hình mới hiện nay cho vay tiêu dùng qua các app được đánh giá là mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận. Song đây cũng tiềm tàng nguy cơ rủi ro cao để các đối tượng tội phạm lừa đảo “nhòm ngó” tìm phương thức chiếm đoạt tiền, thu lời bất chính.

Các tổ chức tín dụng, với bản chất hoạt động là kinh doanh tiền tệ nên thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị gian lận, thậm chí lừa đảo để chiếm tiền thông qua các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nhiều vụ việc, khách hàng có chủ đích lừa đảo tổ chức tín dụng, các công ty tài chính ngay khi cung cấp thông tin hồ sơ cá nhân thẩm định để rồi chiếm đoạt.

Group dạy cách bùng tiền

Hiện nay trên mạng xã hội (facebook) có rất nhiều nhóm (group), diễn đàn dạy chiêu thức quỵt tiền, chiếm dụng tiền của các tổ chức tín dụng và các App cho vay. Ví dụ như “Hội Bùng App web vay tiền online – Tín dụng đen – Giúp ACE đối phó bùng nợ” và “Cách bùng tiền App vay tiền online Trốn nợ tín dụng đen thành công 100%” với thành viên lên tới 5,324 người tham gia. Trong các nhóm (group) này, tập hợp những cá nhân khách hàng có mục đích vay tiền và chiếm dụng tiền.

Cụ thể, sau khi được phê duyệt vào nhóm, phóng viên được mục sở thị vô vàn chiêu thức tinh vi để chiếm đoạt tiền như: hướng dẫn điền thông tin giả, cung cấp số điện thoại sim rác, dùng chứng minh thư của người khác. Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là lên kế hoạch, phương án chi tiết, bài bản và tinh vi, vay cùng lúc nhiều tổ chức tín dụng hoặc hàng loạt app vay, thậm chí có những khách hàng vay chuyên nghiệp từ 5 – 50 App để chiếm đoạt tiền số tiền lên tới hàng trăm, hàng tỷ đồng.

Ảnh chụp các thành viên trong nhóm chia sẻ cách thức vay tiền và quỵt tiền

Sau khi nhận được khoản tiền vay, các cá nhân và nhóm này thực hiện bước tiếp theo trong kế hoạch là cố tình không trả, gây ức chế để gài bẫy các nhân viên thu hồi nợ khiến họ mất kiểm soát trong quá trình phát ngôn khi đòi nợ hòng ghi âm lấy bằng chứng.

Tiếp theo, các cá nhân và nhóm đối tượng chiến dụng tiền sẽ gửi đơn thư tố cáo hàng loạt đến các cơ quan báo chí và cơ quan Công an trong danh sách đã lên trước đó. Dựa theo đơn thư tố cáo, khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra các tổ chức tín dụng, đánh sập App thì nhóm đối tượng này đạt được mục đích chiếm dụng tiền theo kế hoạch có sẵn từ trước khi vay.

Đây là thủ đoạn mới và có thể là xu hướng tội phạm trong thời gian tới, để chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính tại Việt Nam. Các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn ngày càng tinh vi này của các đối tượng lừa đảo.

 

 

 

Theo Nhật Phương (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/thu-doan-chiem-dung-tien-khi-vay-to-chuc-tin-dung-va-cac-app-chieu-thuc-tinh-vi-va-bai-ban-d126798.html