Lắng nghe câu chuyện của người mẹ kiên cường này, ta mới chợt hiểu ra rằng: “Trên đời này ung thư không đáng sợ, chỉ sợ lòng người không vững vàng trước sóng gió cuộc đời”!
Gặp cô Nguyễn Thị Hợp trong một buổi chiều đầy nắng, nhìn từ xa ít ai nhận ra rằng cô đang mắc phải căn bệnh tử thần, bởi nụ cười luôn trường trực trên gương mặt của người mẹ đang ngồi chờ đứa con làm bài thi vào lớp 10. Cô Hợp kể trước đây chưa từng nhận lời phỏng vấn từ bất kì ai, bởi cô giấu chuyện này với người mẹ chồng 80 tuổi đang sống ở một vùng quê của tỉnh Thanh Hóa, nhưng sau hôm nay có lẽ mọi thứ sẽ khác.
“Đây là lần đầu tiên cô nhận lời phỏng vấn đấy nhé!”, cô Hợp vừa nói vừa cười. “Cô bị ung thư tuyến hạch, cô vừa đi truyền hóa chất 3 ngày trước nhưng nay em Hà thi nên vẫn cố đến để động viên. Đợi từ sáng đến giờ cũng hơi mệt, may là có bác bán nước ở đây cho hai mẹ con ngủ nhờ nên cũng đỡ. Con gái cô Hợp tên là Bùi Thanh Hà, theo học tại trường THCS Dịch Vọng, kì thi năm nay nguyện vọng 1 của Hà là chuyên Hóa trường THPT Chu Văn An“, cô Hợp mở đầu câu chuyện.
Cô Hợp đang đứng đợi bé Hà trước cổng trường.
Nụ cười tươi nở trên môi hai mẹ con cô.
Biết mình bị bệnh nặng, cô Hợp bỏ đi một tháng để tránh mặt gia đình
Cô Hợp cho biết mình mắc bệnh vào năm 2018, ban đầu vì không có dấu hiệu gì bất thường hay đau đớn nên cô không hề hay biết. “Trong một lần có khám định kỳ thì cô phát hiện ra nó, nói chung cô thấy bình thường vì bệnh ung thư giờ cũng không phải là ít, nó phát triển quá nhanh rồi. Phụ nữ qua độ tuổi 40 như cô ở trong bệnh viện cô thấy chiếm quá nhiều, lên đến độ 60%”, cô Hợp nói với giọng điệu vô cùng lạc quan.
Biết mình bị bệnh, cô Hợp bỏ đi một tháng để tránh mặt gia đình.
“Đợt đấy cô đi khám mà một tháng sau mới có kết quả ung thư, ban đầu thì chỉ là máu loãng 19% thôi. Cô cũng được biết trước là những người máu kém rất dễ bị mắc bệnh, nên cũng đã chuẩn bị tâm lý. Đến khi cô nhận được kết quả chính thức thì cũng không có gì áp lực lắm, những ngày tháng cô bị ung thư cô còn đi một tháng trời khỏi Hà Nội, xa các con, cô đi chơi và cứ suy nghĩ là mình sẽ không mổ bởi vì mổ sẽ phải truyền hóa chất. Ban đầu cô dùng thuốc Nam nhưng cảm thấy nó lan nhanh hơn nên đã đến viện ngay, rồi chỉ hai ngày sau đã ký giấy mổ sớm”, cô Hợp kể.
Đối mặt với căn bệnh tử thần ấy thế mà cô Hợp vẫn luôn lạc quan, không hề sợ hãi. Cô kể rằng lúc mọi người biết chuyện ai nấy cũng đều stress, con trai nhà cô thì giảm mấy cân liền nhưng mà qua biến cố này cũng thấy hai đứa con trưởng thành hơn. “Con trai cả của cô nó xin đi làm thêm ca đêm, ban ngày thì đi học, thỉnh thoảng cũng biếu mẹ vài đồng thấy cũng người lớn hơn trước nhiều. Còn bé Hà thì đi học về phải tự nấu cơm, nấu ăn thay mẹ vậy“, cô Hợp nói với ánh mắt tự hào.
Đôi tay đầy sẹo sau những lần phẫu thuật.
Kể cả học ở trường dân lập thì cô cũng sẽ cố gắng cho em nó học hành tử tế
9 năm trời đi học, Thanh Hà lúc nào cũng là một học sinh gương mẫu và đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc. Nhắc đến cô con gái, mắt cô Hợp sáng lên đầy tự hào: “Cái Hà bình thường nó bướng bỉnh lắm, giống như cô ngày xưa vậy khá là cứng đầu. Bình thường bị bố mẹ mắng cái gì không bao giờ cãi, nếu đúng ý nó thì Hà sẽ làm theo còn không thì sẽ làm theo cách của em nó. Nhìn em nó cô thấy hình ảnh của mình ngày xưa đó (cười)“.
Hà đang dò lại đáp án sau khi thi.
Trước khi bước vào kì thi tại trường THPT Chu Văn An, Hà đã từng thi tại hai ngôi trường khác là THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên và THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. “Cô không quan trọng con cô học trường nào, mà quan trọng nó sẽ học được gì ở nơi ấy. Kể cả học ở trường dân lập thì cô cũng sẽ cố gắng cho em nó học hành tử tế“, cô Hợp cho hay.
Trầm tư một hồi lâu, cô bắt đầu kể về ngày mà cái Hà biết tin dữ. “Cái Hà ban đầu nó suy sụp lắm, không kể với mẹ nhưng cô cũng biết là nó buồn, học hành đôi khi có hơi chểnh mảng nhưng được một thời gian nó quen và chấp nhận thì biết cố gắng hơn. Ngoài giờ học em nó còn làm đồ handmade để bán nữa, chẳng biết lời lãi là bao nhưng nhìn thấy em nó thích thì cô cũng ủng hộ“, cô Hợp trải lòng.
Cô Hợp cũng tiết lộ rằng Hà đi học trước tuổi: “Cô thấy em nó học tốt nên cô đổi giấy khai sinh cho em. Ngày bé tầm 4,5 tuổi Hà nó đã đọc được báo giấy rồi, đi học mầm non cũng đã có sự khác biệt với các bé khác rồi. Còn lên cấp 2, nó được cô giáo quý lắm, còn được các thầy cô mời đi học miễn phí nữa cơ”.
“Cái Hà ban đầu nó suy sụp lắm, không kể với mẹ nhưng cô cũng biết là nó buồn”.
Thương con vì con phải trưởng thành quá sớm
Lạc quan là thế nhưng ít ai biết được rằng sau khi biết mình bị bệnh nặng, cô Hợp đã bỏ đi hơn một tháng trời để tránh mặt mọi người trong gia đình. Người mẹ trải lòng rằng mình không muốn phẫu thuật hay xạ trị gì cả, thế nhưng vì thương hai đứa con nên cô đã trở về nhà: “Có những lúc từ bệnh viện về nhà cơ thể chẳng còn là cơ thể mình nữa, nhiều lúc nghĩ như thế ại muốn buông xuôi. Các cháu cứ tưởng tượng rằng một đêm đi vệ sinh 2-3 lần là đã khó chịu như thế nào rồi, đằng này cô một đêm đi vệ sinh đến 20 lần, còn chưa kể cô nôn bao nhiêu lần thì không đếm được“.
Cô Hợp tiếp lời: “Cô sợ lắm, sợ cái cảm giác đi truyền hóa chất, có nhiều người đàn ông họ còn không chịu đựng được chỉ chuyền đến mũi thứ hai họ đã tử vong rồi. Ở bệnh viện có nhiều người lắm, người này vào người kia ra, khi mà thấy một người không còn đến bệnh viện nữa thì lúc đó ai cũng hiểu rằng họ đã mất rồi”.
Bức tranh mà bé Hà vẽ mẹ hồi cô Hợp còn tóc dài.
Cô Hợp kể bình thường bé Hà thường kể chuyện với bố nhiều hơn, còn mẹ hầu hết bị “ra rìa” trong mọi câu chuyện. Cô kể “bé Hà nhà cô” bình thường nó nói những câu làm cho mẹ rất thoải mái, cái hôm thi Chuyên Khoa học Tự nhiên thì cô Hợp có theo em được, còn cái hôm thi vào Chuyên Sư phạm thì cô nằm bệt giường không thể đến: “Một mình Hà đi đi về về không ai đón cũng chẳng ai đưa, nó bảo là: “Còn duyên thì kẻ đón người đưa, hết duyên thì đi sớm về trưa có một mình”. Nó cứ lẩm bẩm rồi tự hào mình đã lớn. Cô cứ trêu là: “Chỉ có đứa trẻ con mới đi theo mẹ suốt đời thôi”, nhưng mà nói ra lòng cô nó đau lắm”.
Trước mặt hai đứa con, chị Hợp luôn là một người mẹ kiên cường.
Bé Hà kể rằng nếu một ngày mẹ mình không còn sống, bố sẽ đi lấy người khác thì lúc về chung nhà nó sẽ trở thành Tấm còn người con riêng của dì sẽ trở thành Cám. “Thì cô bảo là chắc không có chuyện đấy đâu, bố nuôi con ăn học chắc phải đến khi con học xong lấy chồng cơ. Hà nó đáp lại là: “Gớm, lúc ý bố cũng già rồi ai mà lấy, mẹ nghĩ gì, con chỉ trêu vậy thôi chứ con biết bố con là người mẫu mực mà”. Hà nó hiểu nhiều thứ lắm, nhưng nó không nói với người khác thôi, nó kiểu dạng như già trước tuổi”, cô Hợp nói.
Nhà cao hay nhà rộng không quan trọng, mình ở căn nhà nhỏ nhưng vui và hạnh phúc là được!
Trò chuyện một lúc lâu, tiếng trống báo hiệu thời gian làm bài vang lên, Hà xuất hiện với gương mặt tươi thay cho lời nói làm được bài với mẹ. Đợi đến khi bố đến đón hai mẹ con, chúng tôi quyết định đến thăm căn nhà nhỏ nên gia đình chị Hợp đang sinh sống.
Về căn nhà gia đình nơi cô sinh sống, cô Hợp cho biết đã thuê được hơn 10 năm nay kể từ khi vợ chồng cô xuống Hà Nội lập nghiệp. Giá thuê nhà mỗi tháng là hơn 5 triệu đồng tính cả tiền điện, tiền nước, nhà chỉ rộng khoảng 20 mét vuông, thiếu ánh sáng và khá bí bách. Vào những ngày trời mưa, tuy ở tầng một nhưng tường nhà nhiều nơi bị thấm nước và hoen ố. Cô chia sẻ: “Vì công việc của cô và chú cũng đi sớm về khuya, giờ giấc thất thường, nhà này không chung chủ nên cũng được thoải mái, mua sự tự do cho mình bằng tiền. Tài sản của cả nhà chỉ có một chiếc giường đôi, một chiếc tủ lạnh và máy tính để bàn, tất cả đều do 2 vợ chồng cô tích góp, sắm sửa“.
Cô Hợp ghé cửa hàng tạp hóa mua đồ để chuẩn bị ăn tối trên đường về.
Dẫu cuộc sống có nhiều khó khăn, phải chiến đấu với bệnh tật mỗi ngày, cô vẫn lạc quan: “Nhà to, nhà cao hay nhà rộng, hay ăn uống đồ ngon, đồ đắt tiền,… những điều đó không quan trọng. Quan trọng là mình ở căn nhà nhỏ nhưng ở đấy mình có niềm vui và hạnh phúc thì vẫn cảm thấy thoải mái. Cô thích ăn gì, chú sẵn sàng đi mua cho cô. Trước khi đi làm về, chú cũng thường gọi điện về hỏi cô xem thích ăn gì. Như hôm nay chú đưa cô và em đi thi, xong đi về rồi chú lại lo lắng, quay lại mang cho cô 2 quả dừa sợ cô ở đấy không đi mua được, cô chỉ cần thế thôi”.
Căn nhà nhỏ của gia đình cô Hợp.
Hỏi về chuyện tương lai, cô Hợp kể rằng đang có dự định chạy Grab: “Cô đang suy nghĩ là sau khi truyền xong hóa chất thì cô sẽ gom tiền mua chiếc ô tô con trả góp để chạy Grab, cô sẽ làm ca thôi, lúc nào mệt thì cô nghỉ còn lúc nào khỏe thì cô chạy. Người ta bảo nghề lái xe vất vả nhưng thực sự cô cảm thấy thoải mái, bởi cô thông thuộc đường Hà Nội rồi nên không có ngại.
Cô Hợp vẫn canh cánh ước mơ mua một chiếc căn chung cư nhỏ cho hai đứa con: “Bản thân cô lúc già có thể cô sẽ về quê rồi nhưng mà các con cô khó về nơi ấy lắm. Thậm chí, em đi thi nó ăn mặc tềnh toàng lắm, 4 năm qua chưa mua bộ đồ mới toàn mặc đồng phục của nhà trường. Hôm qua cô có bảo là hay hai mẹ con mình đi mua bộ quần áo mới đi, nhưng mà nó bảo là không cần, mặc áo mới thi đen lắm”.
Đang nói chuyện, bỗng cô Hợp quay sang hỏi trêu Hà về “chuyện tương lai”, cô Hợp nói: “Khi mẹ mất sẽ thiêu mẹ ở Vân Điển, cho mẹ về chùa ở dưới Hà Tây khoảng độ một tháng rồi con sẽ mang mẹ ra sông Hồng để thả mẹ. Con không cần phải lo đến chuyện bốc mộ rồi hương khói hằng ngày, con cứ lo cho cuộc sống của con miễn trong tâm con có mẹ là được“. Hà đáp: “Mẹ cứ nói gở, làm gì có chuyện đó”.
Chiều dần chuyển tối, chúng tôi phải nói lời tạm biệt gia đình cô Hợp. Vẫn như ấn tượng về lần đầu tiên gặp mặt, người mẹ ấy vẫn cười tươi và vẫy tay chào…