Bác sỹ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn-Hà Nội), một trong những “bác sỹ quốc dân”, một facebooker luôn đưa ra những khuyến cáo bảo vệ sức khỏe đến với người dân và những góc nhìn phản biện, đa chiều đã có những chia sẻ tích cực về những vấn đề nóng này…
Chuyện từ một… “đám cưới ở Hải Dương”
So với năm đợt bùng phát dịch trước, đợt bùng phát dịch thứ sáu này có tâm dịch ở Hải Dương với đặc điểm nổi bật là hiện tượng lây lan ở các vùng nông thôn, chiếm 40% số bệnh nhân. Hiện tượng lây lan này xảy ra ngay cả ở những làng xã đang bị cách ly. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho số ca mắc trong đợt dịch này nhanh chóng áp đảo, với 679 ca, chiếm 50% ca lây nhiễm trong nước kể từ đầu đợt bùng phát dịch.
Đợt bùng phát dịch thứ sáu này, có hai thành phố lớn với mật độ dân số đông nhất cả nước là TP HCM và Hà Nội. Tính đến ngày 16/2, tại TP HCM có tổng số 35 ca nhiễm, đều liên quan đến nhân viên của một công ty thuộc sân bay Tân Sơn Nhất.
Hà Nội có tổng số 36 ca, nhưng mới chỉ ghi nhận 27 ca lây nhiễm liên quan đến ổ dịch khu trú từ một nhà máy ở vùng ngoại ô, còn lại 7 ca liên quan trực tiếp đến tâm dịch Hải Dương và 2 người đàn ông Nhật Bản mới phát hiện, chưa rõ nguồn lây.
Bác sỹ Trần Văn Phúc phân tích: Rõ ràng có một nghịch lí, dịch bệnh Covid-19 lây qua đường hô hấp, về nguyên tắc sẽ bùng phát mạnh mẽ ở các thành phố có mật độ dân số đông đúc, ít xảy ra ở nông thôn thưa thớt. Bằng chứng là diễn biến dịch Covid-19 trên toàn thế giới đều tuân theo quy luật này. Nhưng đợt dịch thứ sáu ở Việt Nam đã ngược lại, TP HCM vẫn đang an toàn, Hà Nội cũng đang trong tầm kiểm soát, trong khi Hải Dương chỉ kiểm soát được ổ dịch thành phố Chí Linh, còn lại các làng xã dù đã cách ly nhưng đang diễn biến vô cùng phức tạp.
Nghịch lí này theo tôi có 2 điểm nổi bật. Điểm nổi bật đầu tiên, đó là các hoạt động tụ tập đông người, có liên quan đến văn hóa và lối sống, đặc biệt là những thói quen không phù hợp với quy tắc phòng chống nhiễm khuẩn của người dân. Là người theo vết các ca bệnh cẩn thận, tôi thấy “đám cưới ở Hải Dương” là một trong số những từ khóa xuất hiện nhiều nhất trong các bản tin truy vết F1, thậm chí thời điểm đầu bùng phát dịch, tôi liên tục thấy từ khóa này.
Người Việt, nhất là ở nông thôn, đám cưới thường được tổ chức vào dịp cuối năm. Theo phong tục tập quán ở quê thường làm cỗ nhiều ngày. Khách mời cả làng, thậm chí cả xã, mời hết bạn bè từ nơi rất xa, quy mô đám cưới tính bằng đơn vị hàng trăm mâm cỗ, số lượng mâm cỗ thể hiện vị thế và uy tín của gia chủ. Sự hiểu biết phòng chống dịch bệnh, đặc điểm tính cách người dân Hà Nội là việc góp phần hạn chế lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Khi sự “xa nhau” thành… ưu điểm?
Ngày 13/2, một cuộc kiểm tra khám nghiệm tử thi sơ bộ người đàn ông quốc tịch Nhật Bản chết ở khách sạn tại Hà Nội, kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Truy vết sau đó phát hiện 2 người Nhật Bản cũng dương tính với SARS-CoV-2. Cả 3 trường hợp đều có tải lượng virus rất cao, đặc biệt với người đàn ông đã tử vong là chuyên gia nên có lịch trình tiếp xúc rất phức tạp.
Vụ việc xảy ra đúng thời điểm Tết Nguyên đán cộng với đó là thêm gần 20.000 người từ Hải Dương trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết khiến dư luận và trên mạng xã hội nhiều người bày tỏ sự lo lắng cực độ, rất có thể Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình huống tồi tệ nhất. Sự lo lắng của nhiều người hoàn toàn có lý. Nhưng tôi không nghĩ Hà Nội sẽ bung và toang!
Chưa kể, Hà Nội có dân số đứng thứ 2 trong số các thành phố, cả về số lượng và mật độ nên thường xuyên đối mặt với các dịch bệnh truyền nhiễm. Bác sỹ Trần Văn Phúc chia sẻ: Tháng 6/2015, khi dịch MESR-CoV gieo rắc chết chóc đến mức bất cứ ai biết về căn bệnh này cũng phải kinh hãi, cứ 10 người mắc sẽ có khoảng 4 người chết, Hà Nội được giao nhiệm vụ diễn tập mẫu phòng chống dịch.
Thời điểm đó, tôi có tham gia viết kịch bản, kiêm cả một phần đạo diễn; vì thế mà tôi cũng phần nào hiểu được năng lực của Hà Nội. Làn sóng dịch tháng 4 và tháng 7/2020, Hà Nội phát hiện, truy vết tiếp xúc, xét nghiệm thần tốc hàng trăm ngàn người, nhanh chóng làm chủ tình hình, đó chính là ví dụ minh chứng rõ ràng về năng lực của Thủ đô.
Là một bác sĩ, tôi cố gắng quan sát tỉ mỉ bệnh nhân của mình, điều đó sẽ giúp được cho bệnh nhân và công việc của tôi. Hơn 20 năm chỉ làm công tác chuyên môn khám chữa bệnh tôi nhận thấy, dân nội thành Hà Nội có sức khỏe tốt hơn hẳn, vùng nông thôn ngoại thành sẽ có nhiều bệnh tật hơn, người dân các tỉnh khác về càng không tốt bằng.
Cùng với đó, trong đại dịch Covid-19, một số nhà khoa học thế giới đưa ra giả thuyết rằng những lần tiêm chủng và phơi nhiễm một số bệnh truyền nhiễm ở tuổi ấu thơ có thể giúp cơ thể giảm lây nhiễm bệnh Covid-19. Ví dụ vaccine BCG phòng bệnh lao có thể kích thích chức năng miễn dịch bẩm sinh của con người.
Hiện tại, các nhà khoa học đã tiến hành một số thử nghiệm lâm sàng về vaccine này để kiểm tra xem nó có tác dụng bảo vệ đối với loại Coronavirus mới hay không. Thực tế biến thể virus ở Anh có tỉ lệ lây nhiễm mà nước Anh đã trở tay không kịp, tỉ lệ tử vong cũng rất cao.
Theo bác sỹ Phúc, Hà Nội khá chật chội, nhưng khoảng cách không gian lại vời vợi làm cho con người ta có vẻ bên ngoài trở nên hờ hững, không quan tâm, can thiệp đến chuyện riêng của người khác, không giao tiếp với hàng xóm láng giềng. Khu phố càng hiện đại thì con người càng rất xa nhau.
Nếu như ở nông thôn ngoài tình làng nghĩa xóm hàng ngày, hàng giờ ấm nước, điếu thuốc, tối lửa tắt đèn có nhau, trong một gia đình tứ đại đồng đường quây quần bên nhau thì ở Hà Nội, ông bà riêng một nhà, bố mẹ, con cái mỗi người một phòng, thời gian giao tiếp chung với nhau cũng không nhiều. Trong đại dịch Covid-19, lối sống cách biệt này lại trở thành ưu điểm, làm cho những ca bệnh rất khó lây nhiễm thành những ổ dịch lớn.
Do đó, bác sỹ Phúc cho rằng chính quyền và nhân dân Hải Dương đã chống dịch rất tốt, bởi virus biến thể của nước Anh lây lan cực nhanh, mô hình chống dịch cả ở nông thôn vẫn còn nhiều bất ngờ nên rất khó, Hải Dương giữ được mức độ lây nhiễm như vậy là một thành quả đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều.
Theo bác sỹ Phúc, những thói quen sinh hoạt hàng ngày mới đáng lo, đơn giản như hầu hết các bà và các mẹ ở quê cho trẻ ăn, thường thổi thức ăn cho nguội và đút thức ăn vào miệng mình trước để thử. Trong đại dịch Covid-19, vấn đề lây truyền bệnh qua những phương thức nhấm nháp thức ăn, gắp chung đũa càng phải nghiêm túc xem xét.
Một thói quen ăn sâu vào gốc rễ của làng quê Việt, mà theo tôi đó có thể là nguyên nhân chính lây truyền dịch bệnh, đó là thói quen ngồi lê đôi mách. Nông thôn Bắc Bộ những tháng ngày mùa đông cuối năm đúng dịp nông nhàn, lại có nhiều hoạt động liên quan đến cỗ bàn, có thời gian tụ tập ăn uống, hát karaoke, nên chuyện tụ tập từng nhóm người bàn tán là không tránh khỏi. Chỉ cần một người mắc thì gia đình, những người hàng xóm gần xa sẽ đều mắc thành chùm ca bệnh.
Bác sỹ Phúc nhấn mạnh: Để phòng chống dịch hiệu quả cần có thế chân kiềng vững chắc, đó là chính quyền, y tế, cùng với người dân hợp nhau thành khối sức mạnh. Đã đến lúc Việt Nam nên chuyển sang chống dịch bằng sự hiểu biết tích cực, chống dịch bằng trí tuệ chứ không phải là nỗi sợ hãi để tìm cách xua đuổi virus bằng mọi cách.
Đại dịch Covid-19 là thách thức mang tính toàn cầu, nên chúng ta dù lạc quan đến mấy cũng không được phép chủ quan để không bị trả giá. Và bác sỹ Phúc tin, Hà Nội và Hải Dương sẽ khống chế xong dịch vào một ngày không xa…
Bốn khó khăn trong cuộc chiến Covid- 19 ở Hải Dương
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, ông Phạm Xuân Thăng, ngày 27/1, ngay khi nắm được thông tin một cô gái 32 tuổi ở TP Chí Linh (Hải Dương) dương tính với SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm ở sân bay của Nhật Bản, tỉnh này đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần khẩn trương.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có lệnh phong tỏa toàn bộ TP Chí Linh theo hình thức cách ly xã hội đã quy định trong hạn 21 ngày, từ 12h ngày 28/1/2021. Ông Thăng đánh giá, tỉnh Hải Dương đã vào cuộc rất quyết liệt khi nắm được thông tin dịch ở TP Chí Linh.
Tuy nhiên, theo ông Thăng, trong “cuộc chiến” với dịch Covid-19, tỉnh Hải Dương gặp những khó khăn quan trọng, cụ thể:
Chủng virus SARS-CoV-2 mà cô gái nói trên bị nhiễm sau khi giải mã gen là chủng virus biến thể của Anh. Theo các chuyên gia y tế đánh giá, chủng virus này có tốc độ lây lan rất nhanh hơn so với chủng virus SARS-CoV-2 trước đó. Chính vì vậy, công tác chống dịch của Hải Dương gặp vô vàn khó khăn.
Khó khăn tiếp theo, ông Thăng phân tích, dịch bệnh bùng phát tại Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam (chi nhánh ở TP Chí Linh, Hải Dương) có số lượng công nhân rất lớn. Số ca mắc Covid-19 tại Công ty POYUN ngay từ đầu là rất lớn, thời gian ủ bệnh đã lâu, chỉ được phát hiện khi có thông tin cô gái mắc Covid-19 ở sân bay Nhật Bản nói trên.
Một khó khăn nữa, ông Thăng phân tích tiếp, theo đánh giá của các chuyên gia y tế, không giống như chủng virus cũ, chủng mới này khi người mắc thì 80% không có biểu hiện. Chính điều này gây khó khăn cho công tác khám sàng lọc, cách ly những người có nguy cơ.
Theo Nguyễn Mỹ (Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tai-sao-lang-xa-khong-con-an-toan-truoc-dich-covid-19-d149711.html