Nguyên mẫu đời thực của cậu bé không bao giờ lớn Peter Pan: Số phận bất hạnh, khác biệt hoàn toàn với nhân vật truyện tranh, hoạt hình

Peter Pan trong truyện hay phim đều sống cuộc đời vui tươi, vô lo vô nghĩ nhưng nguyên bản đời thực của nhân vật này lại có số phận vô cùng bi kịch.

Nhắc đến Peter Pan, chắc hẳn mọi người sẽ nhớ ngay đến cậu bé đến từ thế giới thần thoại không bao giờ lớn, tính tình tinh nghịch, tinh quái nhưng lại vô cùng đáng yêu. Bước ra từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Scotland J.M. Barrie, Peter Pan càng được mọi người biết đến nhiều hơn nhờ loạt hoạt hình của đài Disney. Peter Pan trong truyện hay phim đều sống cuộc đời vui tươi, vô lo vô nghĩ nhưng nguyên bản đời thực của nhân vật này lại có số phận vô cùng bi kịch.

Tác giả Barrie và cuốn tiểu thuyết “để đời” về Peter Pan.

Năm 1897, trong lúc dắt chó đi dạo ở thành phố London thì tác giả Barrie tình cờ gặp được 2 anh em George và John Llewelyn Davies. Nhận thấy 2 đứa trẻ đặc biệt đáng yêu, ông Barrie đến làm quen và dần dần trở thành người bạn thân thiết với gia đình Llewelyn Davies. Ngoài George và John, ông bà Llewelyn Davies còn có 3 người con khác là Peter, Michael và Nico.

Cuộc đời Barrie trải qua 2 cuộc hôn nhân nhưng không có con. Có lẽ vì vậy nên ông dành tất cả tình thương cho những đứa trẻ nhà Llewelyn Davies, người gọi vị tác giả bằng cái tên thân mật “chú Jim”. Ông Barrie từng chia sẻ, Peter Pan hội đủ những tính cách của 5 anh em nhà Llewelyn Davies. Ông thậm chí còn lấy tên 1 trong những đứa trẻ ấy để đặt cho nhân vật của mình.

Nguyên mẫu đời thực của cậu bé không bao giờ lớn Peter Pan: Số phận bất hạnh, khác biệt hoàn toàn với nhân vật truyện tranh, hoạt hình - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, nhiều giả thiết cho rằng nguồn cảm hứng sáng tạo ra Peter Pan một phần đến từ trải nghiệm tuổi thơ không mấy vui vẻ của chính Barrie. Theo đó, việc anh trai của Barrie qua đời khi người này chỉ mới 13 tuổi, đã để lại trong lòng ông một nỗi ám ảnh khó quên về đứa trẻ không bao giờ lớn.

Điều bất hạnh không chỉ dừng ở đó. Năm 1907, ông Llewelyn Davies qua đời vì bệnh ung thư xương. Vợ ông cũng trút hơi thở cuối cùng 3 năm sau đó. Thời gian ấy, Barrie luôn ở bên cạnh những đứa trẻ và trở thành người bảo hộ, chăm sóc cho chúng.

Michael trong trang phục của Peter Pan.

Năm 1902, Barrie giới thiệu nhân vật đứa trẻ không bao giờ lớn trong cuốn tiểu thuyết The Little White Bird trước khi chính thức xuất bản một tác phẩm dành riêng cho Peter Pan mang tên Peter and Wendy vào năm 1911. Peter Pan nhận được sự yêu mến của mọi người khắp thế giới và như một lời nguyền, cuộc đời của nguyên bản của nhân vật này gặp không ít sóng gió sau khi bố mẹ chúng qua đời.

Nguyên mẫu đời thực của cậu bé không bao giờ lớn Peter Pan: Số phận bất hạnh, khác biệt hoàn toàn với nhân vật truyện tranh, hoạt hình - Ảnh 4.

Đứa trẻ lớn nhất George đăng ký làm sĩ quan tình nguyện cho quân đội Anh chiến đấu trong Thế chiến I và tử nạn trên chiến trường vào năm 1915, khi chỉ mới 21 tuổi. Năm 1921, Michael khi đó đang là sinh viên của trường đại học Oxford danh giá thì đột ngột chết đuối trên sông Thames cùng 2 người bạn khác. Được biết, Michael được miêu tả là một thiếu niên tài giỏi, thông minh và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình Barrie xây dựng Peter Pan. Michael cực kỳ thân thiết với ông Barrie, đến nỗi vị tác giả này miêu tả cái chết của anh như một sự kết thúc đối với cuộc đời ông.

Không giống như George và Michael, John không dành nhiều thiện cảm cho “chú Jim” nếu không muốn nói là ghét bỏ. Con trai thứ 2 nhà Llewelyn Davies cho rằng ông Barrie muốn thế chỗ bố cậu. Người này qua đời năm 65 tuổi vì bệnh viêm phổi.

Trùng tên với Peter Pan nhưng Peter luôn cho rằng mình là đứa trẻ bị ông Barrie bỏ rơi trong quá trình viết nên nhân vật này. Những năm tháng cuối đời, Peter bị nghiện rượu nặng và gieo mình xuống đường ray tàu điện ngầm sau khi vợ con qua đời.

(Nguồn: Vintage)