Sự gia tăng chóng mặt của lượng người dùng mạng xã hội (MXH) đã và đang tạo ra một “xã hội ảo” tồn tại song song với xã hội thực. Tuy vậy, cùng với những tiện ích mang lại, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực, khó kiểm soát từ MXH…
Người dùng cần nâng cao cảnh giác trước những “vi-rút” tẩy não trên không gian mạng của tổ chức khủng bố Việt Tân. (Ảnh chụp từ internet).
MXH được ví như một “nồi lẩu thập cẩm” với những món ăn hỗn tạp, mà phổ biến nhất hiện nay là trào lưu livestream quảng cáo bán hàng online. Dường như thứ gì cũng có thể bán qua mạng nhưng chất lượng thì không được kiểm soát. Sẽ không quá khó để tìm hoặc xem những video phát sóng trực tiếp với những hình ảnh vừa bán hàng nhái, hàng kém chất lượng vừa khoe thân hình nóng bỏng ví như một số trang như “Kem trộn nguyễn ngọc tuyền”; “Hà Kiều Anh Shop”… Còn khi vào những nền tảng livestream chuyên biệt, những hội, nhóm chat kín thì có những cô gái sẵn sàng cởi đồ, làm những hình ảnh gợi cảm để kích thích người xem. Thậm chí, có những người livestream trong những nền tảng chuyên biệt còn dụ người xem vào chơi những trò cá cược hay bài bạc bất hợp pháp. Trên nền tảng của facebook, tiktok thì liên tục bắt gặp các livestream của các giang hồ mạng khoe mẻ bản thân, giảng dạy đạo lý làm người kèm những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa trên không gian mạng…
Hay thường xuyên tiếp xúc internet, nhất là các trang MXH, có lẽ chúng ta cũng không xa lạ với những tin, bài có nội dung đề cập đến vấn đề tiêu cực, nhất là những vụ việc sai phạm, những vụ án tham nhũng của các cán bộ, lãnh đạo luôn là đề tài nóng được cả xã hội quan tâm. Đơn cử như vừa qua, sau hàng loạt vụ việc cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước từ chức; một số khác thì bị bắt về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhận hối lộ liên quan đến các vụ “đại án”… Lợi dụng sự quan tâm của đông đảo người dân trong và ngoài nước, các đối tượng cơ hội, phần tử phản động đã tập trung đăng tải trên các nền tảng MXH của một số hội, nhóm phản động và một số cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền. Đặc biệt, để lôi kéo người dân tin tưởng vào các luận điệu xuyên tạc, các đối tượng này đã cố tình suy diễn, quy chụp và thổi phồng cho đó là một “tình trạng đang phổ biến”, là hệ quả của chế độ XHCN, là “căn bệnh” do một Đảng lãnh đạo… Và đi đôi với những luận điệu xuyên tạc chúng cũng bộc lộ bản chất “phản động”, “phá hoại” Đảng, Nhà nước, hô hào, xúi giục Nhân dân gây rối trật tự.
Tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật cũng được ví như một loại “vi-rút” tẩy não được các phần tử phản động, thế lực thù địch triệt để lợi dụng như một chiêu bài để chống phá Đảng, Nhà nước. Ví như đối tượng Lisa Phạm, tức Phạm Thị Anh Đào, thường xuyên làm các video clip xuyên tạc sự thật về công tác phòng, chống dịch; Lê Văn Sơn – đối tượng hoạt động tích cực cho các báo, đài phản động trong và ngoài nước, thường xuyên đăng tải các bài viết thể hiện quan điểm “đa nguyên, đa đảng”… Qua theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông, các video clip có nội dung phản động, xấu độc, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong số hơn 100.000 kênh do youtube trực tiếp quản lý. Trong đó, đáng chú ý có khoảng hơn 100 kênh phản động chuyên nghiệp, thường xuyên đăng tải thông tin, tuyên truyền chống phá Nhà nước như Việt Tân, Tiếng Dân, Đệ tam Cộng Hòa, Chân trời mới…
Trước những vấn nạn và thách thức mà thông tin xấu, độc đã và đang đặt ra hiện nay, tại hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện, phòng, chống thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội vừa được tổ chức tại Thanh Hóa, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đây cũng đang là “vấn nạn toàn cầu và việc quản lý hiệu quả MXH, ngăn chặn những mặt trái của nó là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam”.
Trao đổi về vấn đề này, chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ lý luận trẻ tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Sức hút của các trang MXH đang chiếm phần lớn thời gian của người sử dụng internet, nhất là giới trẻ. Những câu chuyện mang tính đời tư, hình ảnh bạo lực, thiếu văn hóa, nhất là các thông tin xấu, độc lại càng dễ dẫn dắt và lôi kéo người dùng. Nếu không biết chọn lọc kỹ càng, ứng xử trước các thông tin xấu, độc sẽ dễ dẫn đến hành vi lệch chuẩn”.
Trước tình hình trên, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ Nhân dân; bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc… Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân.
Bám sát thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, các đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên MXH, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh, qua rà soát, cơ quan chức năng đã phát hiện, theo dõi một số tài khoản facebook, hội, nhóm trên MXH thường xuyên đăng tải, chia sẻ, bình luận nội dung thông tin nhạy cảm, trái chiều liên quan đến chính quyền, lực lượng công an… Trong năm đã phát hiện 170 trường hợp lợi dụng MXH đăng tải thông tin có nội dung xấu, độc; đấu tranh, gỡ bỏ tin bài có nội dung xấu, độc và xử phạt hành chính gần 40 trường hợp.
Không gian mạng vốn được ví như “con dao hai lưỡi”. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu, độc cùng số lượng lớn các video clip tự phát tán tràn lan trên MXH đã và đang tấn công nhằm tẩy não, “ăn mòn” nhận thức của người dân, làm giảm niềm tin của Nhân dân, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Theo đó, ngoài việc cảnh báo người dùng thì cũng cần sự quyết tâm cứng rắn từ phía Nhà nước, các nhà quản lý mạng, có như vậy mới mong sớm dẹp được vấn nạn “rác” trên không gian mạng cũng như những nguy hại từ “vi-rút” tẩy não…