Bên cạnh bác sĩ điều trị, các điều dưỡng viên mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít như người ngoài hành tinh là một trong những lực lượng trong tuyến đầu chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm virus Corona.
Tính đến ngày 6/2/2020, tại Việt Nam đã có 12 trường hợp dương tính virus Corona (nCoV), trong đó Tp Hồ Chí Minh có 5 bệnh nhân trong đó 1 người được xuất viện ngày 4/2, Thanh Hoá có duy nhất 1 trường hợp và cũng đã ra viện ngày 3/2. Riêng khu vực Hà Nội đang cách ly điều trị 4 người.
Tổng số điều dưỡng tại Khoa Cấp Cứu ( Bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương, Đông Anh, Hà Nội) là 19 người, chia làm 3 ca sáng, chiều và đêm, 4 tua luân phiên nhau. Mỗi ca trực 3 điều dưỡng cùng một bác sĩ.
Ngô Đình Tú là một trong những điều dưỡng trực tại viện dài ngày nhất trong đợt dịch nCoV. Như chia sẻ, anh đã làm việc liên tục từ “năm ngoái” tới giờ và ở nội trú trong viện, chưa về thăm nhà lần nào kể cả dịp Tết. Lần đầu tiên tham gia một đợt dịch lớn, chàng thanh niên 31 tuổi cũng có phần lo lắng, tuy nhiên người nhà gọi điện hỏi thăm, động viên thường xuyên nên cũng có phần vững tin hơn.
Công việc chính của điều dưỡng tại đây là phát thuốc phát cơm, đo mạch nhiệt độ cùng huyết áp, hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh cá nhân trong phòng cách ly.
Trước mỗi lần tiếp xúc trực tiếp, các điều dưỡng trực bắt buộc phải mặc đồ bảo hộ đặc biệt để tránh lây nhiễm. Sau mỗi lần sử dụng tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân, nhân viên phải thay huỷ vì đồ bảo hộ chỉ sử dụng một lần.
Người nhà bệnh nhân không được phép vào thăm hỏi chăm sóc nên các nhân viên điều dưỡng chính là người thân thiết nhất, hay tiếp xúc nhất của họ trong quãng thời gian cách ly và điều trị này.
Công việc đưa cơm phát thuốc tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế lại vô cùng nguy hiểm. Họ phải trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tại cả 3 khoa là Cấp Cứu (tiếp nhận sàng lọc ca dương tính), Khoa Virus – Nhiễm Trùng và Khoa Nội (cách ly nghi ngờ).
Hiện tại Khoa Cấp Cứu đang cách ly và điều trị 4 bệnh nhân dương tính nCoV trong khu cách ly đặc biệt có môi trường áp lực âm.
Trong số đó có 3 trường hợp là người Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán trở về. Một người còn lại là người nhà lây nhiễm từ một trong ba bệnh nhân dương tính nCoV trên.
Theo thông tin của bệnh viện, xét nghiệm đợt một hồi đầu tuần đã có 2 bệnh nhân có kết quả âm tính. Trong cuối tuần này sẽ tiếp tục xét nghiệm đợt 2. Nếu một bệnh nhân có 2 lần kết quả âm tính sẽ được cho ra viện.
Tham gia trực chiến muộn hơn đồng nghiệp nam, Nguyễn Thị Dung bắt đầu công việc từ sau dịp Tết tới nay. Mọi người đều ở nội trú trong khu trọ của bệnh viện, hạn chế ra ngoài.
“Khi nào hết đợt dịch thì chúng mình lại chơi với nhau, tạm thời đợt dịch này thì không chơi với nhau nữa. Chúng em đang đứng giữa tâm dịch chống chọi lại, nghe những câu đấy tủi thân chạnh lòng vô cùng”, nữ điều dưỡng sinh năm 1993 chia sẻ khi bạn bè xa lánh có phần e sợ, xa lánh mình.
Tổn thương nhất có lẽ là cô gái có vóc dáng nhỏ bé Bùi Thị Lan Anh. Người dân xung quanh khu vực nữ điều dưỡng ở trọ ( khu Yên Nghĩa, Hà Đông) đồn nhau rằng cô tiếp xúc bệnh nhân, đã bị nhiễm, dương tính virus rồi, chỉ cần cô về là họ đuổi luôn không cho ở đấy nữa. Ngay cả tổ dân phố cũng họp và dứt khoát không cho Lan Anh về. Quần áo đồ đạc cá nhân không kịp mang đi, cứ có gì thì dùng nấy ở phòng nghỉ của bệnh viện từ ngày bắt đầu trực chiến tới nay.
“Mọi người hãy nắm bắt thông tin đúng, đừng để thông tin lệch lạc trên mạng xã hội làm lung lay và cứ suy nghĩ là những nhân viên y tế như bọn em chăm sóc bệnh nhân là sẽ bị nhiễm. Bọn em làm ở đây là có những phương pháp bảo hộ, nên em mong là dân xung quanh họ hiểu và thông cảm cho bọn em chứ đừng kỳ thị cách ly bọn em. Rất là buồn tại vì mình làm công việc nguy hiểm cứu cho mọi người chứ có phải gì đâu mà cứ nghĩ mình bị bệnh rồi lây cho họ. Rất may còn có người thân, gia đình bạn bè, đồng nghiệp cũng thông cảm, động viên. Đó là nguồn động lực to lớn cho chúng em tiếp tục làm việc”, Lan Anh tâm sự.
Tiến Tuấn , theo Trí Thức Trẻ