Ấn Độ cũng đang phải vật lộn với cuộc chiến ngày càng căng thẳng với ô nhiễm khi quốc gia Nam Á là nơi có 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Bên ngoài thủ đô của Ấn Độ, New Delhi, Kusum Malik Tomar đã phải trả một cái giá đắt cho việc hít thở bầu không khí độc hại nhất thế giới. Ở tuổi 29, cô đã được chuẩn đoán ung thư phổi với nguyên do được cho là từ ô nhiễm không khí. Cô chưa bao giờ hút thuốc. Chồng của cô, Vivek đã phải bán đất để trả tiền cho việc điều trị của cô. Họ cũng phải vay tiền từ gia đình. Tiền tiết kiệm của họ đang dần cạn.
Tomar nói: “Chính phủ đang tính toán về sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhưng người dân đang chết dần chết mòn vì bệnh tật. “Làm sao bạn có thể phát triển kinh tế lớn mạnh, trong khi tại quốc gia của bạn, công dân của bạn đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí?”
Ấn Độ từ lâu đã phải vật lộn để áp dụng các phương pháp từng giúp Trung Quốc giảm thiểu ô nhiễm. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hiện đang thúc đẩy các sáng kiến mới mà họ cho rằng là bước đầu để cắt giảm ô nhiễm không khí. Nhưng bất kỳ sáng kiến nào cũng sẽ bị mờ nhạt bởi các khía cạnh khác của sự tăng trưởng vượt kiểm soát tại Ấn Độ, với những hạt bụi từ hàng nghìn công trường xây dựng mới thải ra mỗi ngày.
Trong những tuần tới, các chính sách kiểm soát ô nhiễm của chính phủ Modi sẽ được đưa vào thử nghiệm khi mùa đông đến với vùng đồng bằng bụi bặm ở phía bắc Ấn Độ. Cây trồng bị đốt cháy trong mùa này và hàng triệu cây pháo hoa sẽ được sử dụng trong lễ hội Diwali, thường gây ô nhiễm không khí đến mức nguy hiểm.
Nếu các chính sách nghiêm ngặt để chiến đấu chống khói bụi được thực hiện thành công, công dân và chính phủ Ấn Độ sẽ tiêt kiệm được một khoản tiền khổng lồ. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, chi phí chăm sóc sức khỏe và tổn thất năng suất từ chi phí ô nhiễm Ấn Độ chiếm đến 8,5 % GDP. Với quy mô hiện tại là 2,6 nghìn tỷ USD, tức là khoảng 221 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới, nền kinh tế 12,2 nghìn tỷ USD của Trung Quốc lớn hơn gấp năm lần. Quốc gia Nam Á này vẫn đang cố gắng hết sức để thúc đẩy sản xuất cơ bản, điều này có thể khiến ô nhiễm trầm trọng hơn, Raghbendra Jha, một giáo sư kinh tế của Đại học Quốc gia Úc cho biết.
Khi Arvind Kumar của Bệnh viện Sir Ganga Ram ở New Delhi bắt đầu công việc bác sĩ phẫu thuật ngực vào năm 1988, 90% bệnh nhân ung thư phổi của ông là những người hút thuốc ở độ tuổi trung niên. Bây giờ, ông nói, 60% các trường hợp bệnh nhân của ông là người không hút thuốc, trong đó một nửa là phụ nữ. Các hạt nhỏ trong không khí là căn nguyên của các bệnh từ bệnh hen suyễn đến bệnh tim và ung thư phổi, góp phần vào cái chết của hơn 1,1 triệu người Ấn Độ vào năm 2015, theo Viện Y tế phi lợi nhuận.
Trong khi đó, sau hai thập kỷ mở rộng đã định hình lại nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đang phải tiến hành một sự thay đổi đối với các dịch vụ và hoạt động sản xuất ít gây ô nhiễm. Vì vậy, trong khi các thành phố của nó vẫn nhìn thấy những ngày mờ mịt khói, họ cũng đã thấy những cải tiến nhất định. Tại Bắc Kinh, số ngày có chỉ số ô nhiêm không khí cao giảm từ 43 ngày xuống còn 20 ngày.
Đối với chính phủ Ấn Độ, họ cho biết một số nghiên cứu quốc tế về mối liên quan giữa ô nhiễm không khí với tỷ lệ tử vong “có thể không thực tế” và “số ca tử vong do ô nhiễm không khí cần được nghiên cứu và hỗ trợ thêm bởi các nghiên cứu bản địa”.
Bộ môi trường của đất nước nói rằng họ cũng đang tiến hành giảm lượng không khí ô nhiễm. Bộ đã giới thiệu một hệ thống cảnh báo sớm để giúp chính phủ có hành động ưu tiên trước khi các chỉ số ô nhiễm trầm trọng hơn và nó đã lên kế hoạch các biện pháp khác như triển khai thêm nhiều máy quét đường.
Chính phủ của Modi cũng đã thúc đẩy năng lượng mặt trời, cải thiện các tiêu chuẩn khí thải và trao hàng triệu bình gas để giảm sử dụng những nhiên liệu đốt gây ô nhiễm. Các quan chức cũng đã cố gắng cấm nông dân đốt cây trồng. Nhưng các nhà môi trường vẫn đang chờ đợi các mục tiêu cụ thể hơn từ một kế hoạch không khí sạch quốc gia chưa được chính thức ra mắt.
theo Bloomberg