Lễ bế giảng cuối cùng của nữ sinh “xương thuỷ tinh” với thân hình nhỏ bé nhưng nghị lực phi thường

“Em muốn sống như loài cỏ dại, muốn mạnh mẽ vượt qua tất cả chứ không như những bông hoa rực rỡ nhưng chóng tàn…” – Nguyễn Cẩm Vân, cô gái lớp 12 mắc chứng xương thủy tinh chia sẻ.

Với mỗi người, lễ bế giảng năm lớp 12 – lễ tốt nghiệp cuối cùng khép lại thời học sinh đều mang một ý nghĩa thiêng liêng và cảm xúc rất riêng. Đây là mốc đánh dấu khép lại cả một hành trình cố gắng để mở ra một trang mới… mà trong đó, ngọt ngào có, đắng cay cũng có!

Lễ bế giảng vừa qua của cô bạn có cái tên Nguyễn Cẩm Vân (sinh năm 1998 tại Thanh Hóa) còn đặc biệt hơn rất nhiều. Hình ảnh cô gái nhỏ bé mắc bệnh xương thủy tinh, khoác lên mình chiếc áo đồng phục trắng ngồi giữa sân trường do chính em đăng tải đã khiến bao người không khỏi xúc động. Em dành những lời trân trọng nhất cho khoảnh khắc này:

“Mới ngày nào cùng mẹ bước vào lớp 1, mang theo là bao cảm xúc: sợ sệt, bẽn lẽn, bỡ ngỡ, rụt rè… thế mà bây giờ nhìn lại cũng đã 12 năm. Đi học đối với mình là một việc rất khó khăn, bởi vì mình không may mắn như các bạn cùng trang lứa. Vất vả có, khổ sở có, mệt mỏi có,,, đôi khi mình đã có ý định từ bỏ. Nhưng nhìn niềm vui của mẹ khi thấy mình đạt điểm cao, hay những niềm tự hào của bố khi thấy mình không thua kém những đứa trẻ khác… một sự quyết tâm lớn lao lại trỗi dậy trong mình, khiến mình chỉ muốn nỗ lực hết sức có thể.

Được đi học, được kết bạn, chơi với bạn bè, được chấp nhận… đó là niềm vui rất lớn. Cuối cùng cũng đi hết quãng đời học sinh. 12 năm cùng bao vất vả, khó khăn cũng qua rồi. Kể từ giờ phút này, con đường phía trước tự mình chọn, tự mình bước đi.

Em xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến thầy, cô. Những người cha, người mẹ thứ hai đã luôn bên cạnh động viên, an ủi, tiếp thêm cho em động lực để em có thể đi hết chặng đường này. Cảm ơn những người bạn, những người mà mình không thể nào quên. Nếu thiếu các cậu, tớ nghĩ tớ sẽ không có được những hồi ức đáng quý. Tớ hi vọng rằng, các cậu sẽ thành công trong con đường phía trước. Và mỗi khi nhớ về tuổi 18, chúng ta sẽ còn thấy hình ảnh của nhau.

Tuy con đường để đến với ước mơ còn rất dài, mình sẽ luôn cố gắng, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm và không từ bỏ.”

Lễ bế giảng cuối cùng của nữ sinh xương thuỷ tinh với thân hình nhỏ bé nhưng nghị lực phi thường - Ảnh 1.

Hình ảnh đầy xúc động của Vân trong vòng tay mẹ tại sân trường buổi lễ bế giảng lớp 12 trường THPT Đào Duy Từ (ảnh: NCV)

Lễ bế giảng cuối cùng của nữ sinh xương thuỷ tinh với thân hình nhỏ bé nhưng nghị lực phi thường - Ảnh 2.

Là cô gái tuy có ngoại hình khác thường, nhưng ẩn bên trong là một nỗ lực phi thường…

Vân mắc chứng xương thủy tinh từ lúc lên 3 tuổi, đây là căn bệnh nguy hiểm và gây ra rất nhiều mệt mỏi cho em. Bởi vì, cảm tưởng chỉ cần ngã hay va chạm xương vào đâu đó thôi là có thể gãy ngay lập tức. Sau đó chỗ xương ấy bị biến dạng dần khiến cơ thể Vân không thể phát triển và chân cũng không đi lại được. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của em, từ cái ăn, đến giấc ngủ, hay cả vệ sinh cá nhân, Vân đều cần có cha mẹ bên cạnh giúp đỡ phục vụ. 

“Có thể có nhiều người cho rằng em không may mắn, nhưng thật ra có một điều em thấy mình may mắn hơn tất cả mọi người….

Đó là em được làm con của mẹ em.

Mẹ em là điều quý giá nhất trong cuộc đời này!

Không có mẹ, không có Vân mạnh mẽ như ngày hôm nay!”

Lễ bế giảng cuối cùng của nữ sinh xương thuỷ tinh với thân hình nhỏ bé nhưng nghị lực phi thường - Ảnh 3.

Vân cùng với em trai và mẹ của mình

Việc đến trường với một cô gái gặp khó khăn ngay cả trong cuộc sống sinh hoạt thì lại càng khó gấp bội lần. Để mà nói, đã rất nhiều lần Vân muốn buông xuôi, em chia sẻ:” Lần mà em cảm thấy bế tắc nhất là vào đầu năm lớp 12. Đó là khi gia đình em có một số chuyện không vui xảy ra, trên lớp thì em không tìm được tiếng nói chung với bạn bè. Từ đó em thấy mình lạc lõng, bơ vơ, không còn mục tiêu và mục đích để phấn đấu nữa. Em đã quyết định từ bỏ, em chẳng quan tâm đến bài vở trong vòng hơn 1 tháng. Sau đó học lực của em thực sự ở mức báo động, lúc đó em đã thực sự bế tắc…”. Không ai có thể chọn cho mình số phận khi sinh ra, nhưng thay đổi số phận đó, thì có thể! Vân đã nhanh chóng tìm lại mục tiêu sống, tìm lại động lực, vì em biết chỉ có cách đó Vân mới quyết định được tương lai cúa chính mình.

May mắn cho Vân, “trong cuộc đời này, em không hề đơn độc. Em luôn có cha mẹ, và em trai, có thầy cô và những người bạn thật tốt luôn hết lòng giúp đỡ mình, khiến em không còn tự ti nữa.”

Lễ bế giảng cuối cùng của nữ sinh xương thuỷ tinh với thân hình nhỏ bé nhưng nghị lực phi thường - Ảnh 4.

“Người đã truyền tình yêu với môn Địa lí đến với em, em sẽ luôn trân trọng những ngày tháng được học những bài học của cô, những lời giảng làm em yêu môn Địa. Con người ta không biết trước được điều gì, vì thế cô hãy cứ kiên cường lên cô nhé!” – Lời cám ơn và bày tỏ niềm kính yêu của Vân với cô giáo dạy Địa lý Tào Thị Thảo

“Kỉ niệm đáng nhớ với các bạn trong lớp nhất đó chính là lần ba em bị tai nạn, phải nằm viện một tuần. Lúc đấy mẹ phải chăm ba trong viện suốt, may có bạn bè thay nhau đưa em đi học, đó là khoảng thời gian khó khăn nhưng cũng giúp em nhận ra nhiều điều về tình người ấm áp trong cuộc sống tưởng chừng như vội vã này…”

Lễ bế giảng cuối cùng của nữ sinh xương thuỷ tinh với thân hình nhỏ bé nhưng nghị lực phi thường - Ảnh 5.

“Dõi theo hành trình của nhóm nhạc Big Bang, em rất ấn tượng với câu nói và lẽ sống Chúng tôi muốn sống như cỏ dại, muốn mạnh mẽ vượt qua tất cả chứ không như những bông hoa rực rỡ nhưng chóng tàn… Em cũng sẽ như vậy, dù là cỏ dại chứ nhất định không gục ngã trước những sóng gió cuộc đời!”

Vân chia sẻ thêm:”Ngoài ra em còn rất thích học Văn, đặc biệt là Văn học Việt Nam. Ước mơ của em chính là được sống trong đam mê viết lách rồi sáng tác, làm một nhà văn để truyền tải những thông điệp tốt đẹp đến với mọi người. Em hy vọng mình sẽ thi đỗ Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bởi đó là cái nôi chắp cánh cho mơ ước của em sau này!”

Dù cuộc đời phía trước còn rất nhiều thử thách chông gai, nhưng chúc cho Vân sẽ mãi luôn giữ vững được sự mạnh mẽ đúng chất “cỏ dại” trong mình!