Đà Nẵng vừa trải qua trận ngập lịch sử
Lãnh đạo Đà Nẵng cho biết, ở các cống xả tràn ngập rác và vật dụng gia đình như chăn, màn, chiếu, gối… Điều này chứng tỏ nhận thức của người dân trong thu gom rác vẫn chưa cao.
Ngày 18/12, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX tiếp tục kỳ họp thứ 9 với phiên chất vấn tại nghị trường. Các đại biểu đã tập trung về vấn đề thoát nước, xử lý nước thải sau khi TP trải qua trận ngập lịch sử từ 9 – 11/12.
Đại biểu Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng hệ thống thoát nước đã lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của đô thị nên không phát huy tác dụng dù đã đầu tư kinh phí hơn 5.200 tỷ từ năm 1998 đến nay.
Ngoài ra, ông Tiến nhận định trận ngập lịch sử vừa qua có một phần lỗi do chưa dự báo hết diễn biến cực đoan của thời tiết.
Trưởng ban Đô thị HĐND Đà Nẵng đặc biệt lưu ý quá trình đô thị hóa khiến số lượng ao hồ trong tự nhiên giảm đi. Cụ thể Đà Nẵng chỉ còn 30 hồ điều tiết trong khi trước đó có 42 cái.
Theo ông Tiến, Đà Nẵng cũng chưa thực hiện công tác duy tu, nạo vét trong thời gian dài, chưa kiểm soát xả thải nước ngầm lẫn bùn đất ở các công trình thi công ra cống gây tắc cục bộ, chưa có biện pháp hạn chế xả thải của các dự án lớn gây quá tải công trình thoát nước.
Đại biểu Nguyễn Thành Tiến
Ông Tô Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng, cho biết trận ngập lịch sử vừa qua gây thiệt hại rất lớn. Theo ông, ngoài những nguyên nhân mà đại biểu Tiến nêu ra thì còn có một nguyên nhân khác là ý thức người dân.
“Đó là nhận thức chưa đầy đủ. Người dân luôn cho rằng vấn đề giải quyết lĩnh vực môi trường là thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan chức năng.
Đợt ngập vừa qua ở các cống xả tràn ngập rác từ vật dụng gia đình như chăn, màn, chiếu, gối… tuôn ra biển. Chứng tỏ nhận thức của người dân trong thu gom rác vẫn còn chưa được quan tâm”, ông Hùng nói.
Rác thải sinh hoạt trôi nổi la liệt trong trận ngập lịch sử ở Đà Nẵng
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng lượng mưa hai ngày 9 và 10 vừa qua với 60mm kéo dài thì không có cống rãnh đô thị nào chịu nổi.
Tuy nhiên, ông Trung khẳng định việc quy hoạch, bố trí hệ thống thoát nước chưa hợp lý, đồng bộ.
“Chỗ có máy bơm thì không ngập mà chỗ ngập thì lại không có máy bơm. Ngày nắng thì chúng ta làm cho có ‘thủ tục’, mưa mang ra thi công. Mấy chỗ đang thi công dễ chết người vì rơi xuống cống nhất là trong đợt nhập vừa ra. Ý thức của người dân cũng thay đổi, không phải cứ thấy có muỗi là đem ra bịt cống”, ông Trung nói.