Kiến ba khoang “tấn công” Hà Nội

Những ngày qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tục phát hiện kiến ba khoang vào nhà người dân, nhất là buổi tối khiến nhiều người phải tìm đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Thậm chí theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương, hai tuần gần đây mỗi ngày BV này tiếp nhận gần 100 bệnh nhân đến khám do tiếp xúc với kiến ba khoang.

Anh102.

Kiến ba khoang chứa độc tố Pederin, độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang.

Bệnh nhân nhập viện tăng

Hai tuần nay, nhiều cư dân khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết có nhiều kiến ba khoang vào nhà, nhất là buổi tối số lượng kiến tăng lên do bị thu hút bởi ánh đèn điện.

Tại BV Da liễu Trung ương, bệnh nhân L.V.A. (ở Hà Nội) cho biết, sau khi ngủ dậy, 2 chân xuất hiện nhiều vết đỏ, loét, đau rát. Nghi ngờ do kiến khoang đốt, bệnh nhân hiệu thuốc mua thuốc mỡ để bôi nhưng các vết loét không đỡ, thậm chí còn phồng rộp.

Khi đến bệnh viện, bác sĩ cho biết do bệnh nhân còn chà xát, cào gãi rất nhiều nên ngoài vị trí tổn thương ban đầu xuất hiện thêm các tổn thương dạng vệt ở xung quanh. Hiện tại, bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tại BV.

Trường hợp của chị L.V.A  là một trong số hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV Da liễu Trung ương thời gian gần đây. Có những trường hợp bệnh nhân đến khám sau khi đã tự điều trị mà không đỡ lúc này các tổn thương đã lan rộng, chảy nước, đau nhức, đau rát… Thậm chí có trường hợp bệnh nhân nhầm lẫn với zona thần kinh nên sử dụng các loại lá để đắp lên vết thương, dẫn đến tổn thương nặng hơn và lan ra các vị trí khác.

Bác sĩ Bích Diệp – Trưởng Phòng Công tác xã hội, BV Da liễu Trung ương thông tin đến báo chí: “Trung bình thời điểm này, số lượng bệnh nhân kiến ba khoang phải tăng lên gấp 2, 3 lần so với bình thường. Thời tiết hè, thu nhiều mưa thì tỉ lệ bệnh nhân đến khám tăng lên rõ rệt.

Thường thì bệnh nhân buổi sáng sau khi thức dậy thấy da bắt đầu phồng rộp đau rát, rất khó chịu… nhiều bệnh nhân cũng tự điều trị, họ ra các quầy thuốc để mua thuốc. Sau khi miêu tả việc phỏng rát, khó chịu, dược sĩ thường chẩn đoán là zona thần kinh kê thuốc cho bệnh nhân dẫn đến bệnh tình không thuyên giảm, thậm chí gây kích ứng khó chịu hơn nhiều”.

Bác sĩ Diệp cho biết thêm: “Bệnh nhân thường có tiền sử tiếp xúc với kiến ba khoang. Bệnh nhân có thể phát hiện đã tiếp xúc kiến ba khoang hoặc không (tiếp xúc khi bệnh nhân ngủ). Tại vùng da tiếp xúc sẽ xuất hiện tổn thương, cảm giác châm chích, bỏng rát, khó chịu… Sau đó có thể xuất hiện ban đỏ, thậm chí những tổn thương xuất hiện mọng nước và hoại tử…”.

Độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang

Theo các chuyên gia, kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes, do có thân hình giống kiến và màu sắc phân bố xen kẽ cam – đen nên dân gian thường gọi là kiến ba khoang.

Bản chất kiến ba khoang là con vật hiền lành, không cắn hoặc đốt chích người. Kiến ba khoang rất có ích cho nhà nông, chúng là thiên địch của các loài sâu rầy phá hoại mùa màng. Chúng thường sống ở ven ruộng, trong đống rơm rạ ngoài đồng, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, trong những nơi đang xây dựng dở dang.

Loài này thường ẩn náu và sinh sản trong các đống thực vật mục nát có nhiều chất mùn như rơm rạ, cỏ mục, cành cây. Do cơ chế phòng thủ sinh học để chống lại các kẻ thù khác mà bên trong cơ thể kiến có chứa chất Pederin, một loại chất độc gây rộp, phỏng da.

Theo đó, trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang. Pederin có trong máu con vật thậm chí khi con vật đã chết khô 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. Pederin còn có tính xuyên thấm qua da.

Do đó, khi ta giết chết kiến ba khoang trên vùng da mình, thì Pederin tiếp xúc với da làm viêm da nặng. Nếu không rửa tay ngay thì vô tình ta sẽ làm dính Pederin vào vùng khác, như dính vào mắt sẽ gây viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.

Dính độc kiến ba khoang, người bệnh cảm giác râm ran, 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, rát đỏ. Từ 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình. Sau 3 ngày thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại vết thâm lâu mất. Nếu không giữ gìn cẩn thận, vết thương có thể bị loét, làm rỉ dịch. Một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.

Theo các bác sĩ, khi bị kiến ba khoang đốt, đầu tiên cần ngay lập tức lấy nước sạch, mát để rửa sạch lại khu vực dính nọc của kiến. Sau đó rửa lại với xà phòng. Lưu ý, khi rửa vết thương cần nhẹ nhàng, không được chà xát mạnh khiến vết thương bị trầy xước.

Nếu có cồn hãy dùng cồn 70 độ rửa sạch vùng da bị tổn thương rồi đến BV để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra. Bác sĩ da liễu cũng đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua thuốc bôi ngoài hay uống mà không có chỉ định của bác sĩ vì trong những loại thuốc này có chứa một lượng Corticoid có hại nếu sử dụng không đúng cách.

Tránh dùng đèn huỳnh quang để không thu hút kiến vào nhà

Nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.

Ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách: Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào; Nên ngủ trong màn; Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này.

Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng. Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.

 

Theo Tuấn Anh (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/kien-ba-khoang-tan-cong-ha-noi-d136981.html