Hậu họa từ đề tài nhảm trên mạng

Mới đây, câu chuyện Youtuber khiến người khuyết tật khốn khổ đang khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
youtube-video800x450_nhda

Đó là chuyện về anh Phạm Hữu Thọ, người khuyết tật tay chân sống ở TP HCM. Anh Thọ làm nghề bán hàng qua mạng, từ mạng xã hội có quen biết, yêu thương chị Hoa. Thế nhưng, chuyện của họ khi lọt vào tay các Youtuber đã bị “thêm mắm dặm muối” thành một câu chuyện khác, đặc biệt khi các kênh này mổ xẻ chuyện anh Thọ bỏ nhà đi và dán cho anh cái mác “bất hiếu với cha mẹ”.

Những video về chuyện anh Thọ được phát tán trên mạng nhận hàng ngàn chia sẻ, bình luận, trong đó rất nhiều bình luận xuôi theo chiều hướng giật gân mà người sản xuất video đưa ra. Có không ít lời “ném đá”, xúc phạm. Nhiều Youtuber tìm đến tận nhà làm phiền đời sống của anh, tìm đến tận nhà cha mẹ anh để phỏng vấn, ghi hình bất chấp sự phản đối của “khổ chủ”. Họ còn lên tiếng hăm dọa, đòi tụ tập đến “bắt” anh trả về cho cha mẹ. Họ làm cho anh Thọ, chị Hoa, gia đình anh phải khổ sở, sống như đi trên dây trước búa rìu dư luận.

Những trường hợp Youtuber can thiệp, làm rối loạn đời sống người dân như trên không phải là hiếm. Như vụ việc bịa đặt, quấy rối gia đình nam ca sĩ quá cố Vân Quang Long mới đây. Hay cách đây ít lâu, một cụ bà bán cua ở quận trung tâm TP HCM, dù đã bán vài chục năm, nhưng khi bị quay phim, bình luận trên các kênh Youtube đã bị một lượng người xem “ném đá” vì cho rằng giá cao, không cần biết thực tế chất lượng sản phẩm thế nào, có xứng với giá tiền không.

Vì “đói” đề tài trong khi video vẫn phải sản xuất liên tục để giữ chân người xem, kiếm tiền trên số view, các Youtuber săn đuổi mọi sự việc có tính chất mới lạ trong đời sống. Những câu chuyện đáng ra hết sức nhân văn giữa đời thường lại bị các Youtuber “bóp méo, thổi phồng”, khiến “người trong cuộc” bối rối, khổ sở, nhiều khi phải chấm dứt những hành động hữu ích.

Ở khía cạnh khác, vì nhận tiền để tung hô, nhiều Youtuber đã “ăn không nói có”, khen ngợi quá mức những dịch vụ chất lượng kém, khiến nhiều người xem tin tưởng để rồi bị lừa đảo. Còn người được quảng bá và Youtuber thì thu tiền bỏ túi.

Cơn “đói khát” đề tài còn khiến nhiều kênh Youtube đi sâu khai thác những khía cạnh xấu xí, “méo mó” của cuộc sống, góp phần dẫn đến những lệch lạc trong nhận thức của giới trẻ, kéo thấp thị hiếu công chúng.

Tình trạng này kéo dài đã lâu và gây nhiều hệ quả tai hại. Cần có sự mạnh tay và triệt để xử lý những kênh nhảm nhí, “câu view”, bịa đặt, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và trị an xã hội như thế.

 

Theo Đông Phương (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hau-hoa-tu-de-tai-nham-tren-mang-d153707.html