GS Hồ Ngọc Đại: ‘Trang đầu tiên trong sách tiếng Việt 1-CNGD trông đơn giản nhưng tôi đã mất 50 năm’

GS Hồ Ngọc Đại.

Theo GS Hồ Ngọc Đại, quan điểm của ông khi dạy học đều muốn trẻ em lớp 1 biết cái gì cần thực chất và nắm được cái gì phải cụ thể, rõ ràng.

Môn quan trọng nhất với lớp 1 là tiếng Việt

Những ngày qua, dư luận đang có những ý kiến trái chiều về cách đọc theo “ô vuông, tam giác” trong sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, trước hết cần phải hiểu rõ cách đánh vần theo sách Công nghệ giáo dục được thực hiện theo nguyên tắc cơ bản nhất khi học tiếng Việt, là ngay từ đầu cần phân biệt là Âm/Chữ – Vật thật/Vật thay thế.

“Vật thật là tiếng nói còn vật thay thế sẽ là chữ, có sau, cần phải học. Để trẻ em lớp 1 cảm nhận được vật thật sẽ có nhiều vật thay thế thì trước hết thay thế bằng những thứ cầm, nắm được, ví dụ các khối nhựa…

Khi cô giáo cầm các khối nhựa là vật thay thế cho các chữ rồi đưa lên, đặt xuống sẽ giúp các em học sinh hiểu về tiếng trước khi nhận mặt chữ. Bởi về mặt bản chất, tiếng hay âm thanh chúng ta phát ra có trước, chữ viết chỉ là các ký hiệu được quy ước dành cho tiếng”, GS Đại nói.

Hình ảnh giáo sư Hồ Ngọc Đại.

GS Hồ Ngọc Đại.

GS Đại cho hay, các ô vuông, hình tròn này chỉ được dạy trong một vài buổi đầu để học sinh làm quen với khái niệm tiếng, sau đó sẽ được áp dụng vào bảng chữ như bình thường, để hỗ trợ cho cách đánh vần.

“Với trẻ con, việc dùng tay là số 1 nên việc học chữ, học tiếng bằng tay như thế là một phát minh của thế kỷ 20 và tôi là người sử dụng”, GS Đại nêu và cho biết thêm, trang đầu tiên trong sách tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục trông đơn giản nhưng có được cách làm, triển khai như vậy, ông đã phải mất 50 năm chứ không đơn giản.

Theo GS Đại, quan điểm của ông khi dạy học đều muốn trẻ em biết cái gì cần biết thực chất, nắm được cái gì phải cụ thể, rõ ràng.

“Cho nên phân biệt quan trọng nhất trong phương pháp của tôi là lúc đầu học sinh vào lớp 1 phải phát âm chuẩn. Bằng phát âm chuẩn học sinh sẽ phát hiện đâu là nguyên âm, phụ âm…”, ông nêu.

Ông nói thêm, cốt lõi của giáo dục gồm 2 vấn đề lý thuyết và cách thực hiện. Giáo dục là vấn đề liên quan đến đời sống xã hội, đến nhân dân nên dù ở bất cứ hoàn cảnh thời đại nào, giáo dục phải lành mạnh.

“Với tôi, chúng ta cần tập trung tinh lực xử lý lớp 1, và bậc tiểu học cho thật tốt. Vì tiểu học như móng nhà, ta xây vững chắc thì sau đó có để xây nhà cấp 4 hay 100 tầng cũng đủ sức và trong lớp 1 môn quan trọng nhất chính là tiếng Việt”, ông khẳng định.

Vị GS bày tỏ, quan trọng nhất trong ngôn ngữ là tiếng nói và tiếng là lần phát âm trọn vẹn. Qua đó, trẻ hiểu được nguyên tắc, tìm chữ thay cho âm, có luật chính tả. Cái gốc trong ngôn ngữ là ngữ âm của tiếng, nếu trẻ không học được âm sẽ là học vẹt, không thực chất.

Ông nhấn mạnh, phương pháp của mình khác với phương pháp truyền thống, khi xuất phát từ âm, sau đó tìm chữ thay cho âm và cần có nguyên tắc chính tả.

Khi học xong bằng phương pháp này ở lớp 1, học sinh lên các lớp lớn hơn hoàn toàn có thể học tốt theo chương trình học hiện tại. Bởi học sinh học xong lớp 1 có thể đọc thông, viết thạo, đúng chính tả và không thể tái mù. Ngoài ra, học sinh có thể phân biệt rất rõ ràng âm và chữ cũng như các loại vần.

Trước các ý kiến trái chiều của dư luận trong thời gian qua, GS. Hồ Ngọc Đại cho rằng, ông phân những người trong số đó thành 2 loại. Một loại là họ tốt bụng thật, nghĩ gì họ nói nấy, còn loại kia là kẻ xỏ lá thì ông sẽ không chấp vì họ chỉ muốn làm ông tức.

“Quan trọng nhất là người ta nói thật và đó là quyền, chúng ta nên hoan nghênh, trừ những người xỏ lá, làm cho mình tức sẽ không được. Nhưng với bất cứ ai tôi không can thiệp và kệ họ, việc họ họ làm còn tôi vẫn làm việc của mình.

Tôi cần đất nước này, không cần ai hết, bởi tôi phải vì đất nước này vài chục năm nữa!”, ông khẳng định.

“Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà ngôn ngữ học về chương trình công nghệ giáo dục, tôi chỉ lắng nghe những gì có ích và đúng cho việc của mình. Từ đó, tôi có thể điều chỉnh sao cho phù hợp”, GS Đại nói thêm.

“Không thể có chuyện thầy Đại mang học sinh ra thí nghiệm”

Trước đó, trao đổi với PV, anh Nguyễn Khương Trang (nguyên học sinh khóa 1 trường Thực nghiệm, hiện đang công tác tại Bộ Ngoại giao) cho biết, thời kỳ của anh đã được học đánh vần theo những ô vuông, tam giác, hình tròn và cách này mang lại nhiều ích lợi.

“Cách học này mang lại quy chuẩn về ngữ âm, đánh vần và giúp tôi nhiều trong quá trình học về ngôn ngữ sau này”, anh Trang nói.

GS Hồ Ngọc Đại: Trang đầu tiên ở sách tiếng Việt 1 trông đơn giản nhưng tôi đã mất 50 năm - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Khương Trang.

Về những phản ứng của cộng đồng mạng, anh mong mọi người tìm hiểu kỹ, đặt mình vào đứa bé mới đi học, chưa biết gì để hiểu.

Anh không đồng tình với những công kích cho rằng “GS Hồ Ngọc Đại lấy trẻ làm thí nghiệm phương pháp mới”.

Theo anh, thực nghiệm không phải là thí nghiệm và “với tất cả tình yêu thương dành cho học trò, làm sao thầy mang học sinh ra thí nghiệm, không thể nào có chuyện đó”.

Cựu học sinh trường Thực nghiệm bày tỏ, anh tự nhận thấy các bạn học của mình đều thành công nhờ ngấm triết lý của GS Hồ Ngọc Đại, đó là học không phải để làm “ông này bà nọ”, kiếm nhiều tiền, mà sống là chính mình, có ích cho xã hội.

“Chúng tôi tin ở trí tuệ, đạo đức của thầy. Hàng chục năm cống hiến, thầy đã bạc trắng mái đầu nhưng vẫn hồn nhiên, hồn hậu đến thế”, anh Khương Trang chia sẻ.

Còn chị Trần Lan Hương (hiện đang công tác tại TP Hồ Chí Minh, từng là học sinh khóa 1 trường Thực nghiệm) cho rằng, việc trải nghiệm, học đánh vần bằng “ô vuông, tam giác…” cách đây 40 năm là trải nghiệm rất tốt để mang đến cho cộng đồng những giá trị đích thực từ công trình nghiên cứu của GS Đại.

“Đứng trước một cái mới luôn có sự chia rẽ là bình thường, nhưng nếu chúng ta biết thì cần kiên nhẫn giải thích cho mọi người. Với công trình của thầy Đại, không chỉ một mình tôi mà bố mẹ tôi cũng cảm nhận, các con cháu đã trải nghiệm và đều cảm thấy nó quá tốt”, chị Hương bày tỏ.