Giật mình cứ 10 phụ nữ thì có một người bị bạo hành

Thống kê cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nhiều nguy cơ về bạo lực giới, đặc biệt là nhóm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Một thực tế đáng buồn xảy ra ở nhiều nơi là hầu hết nạn nhân của tình trạng bạo lực giới, đặc biệt là những người khuyết tật do người thân, người quen, thậm chí những người ruột thịt gây ra.

anh_3_stut

10 năm, có 8400 vụ phụ nữ bị bạo hành

Mới đây, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng đã tổ chức hội thảo “Tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong vấn đề bạo lực giới tại tỉnh Nghệ An”. Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) là một chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Hội thảo thu hút nhiều đại diện các cơ quan nghiên cứu và tổ chức quốc tế. Theo báo cáo tại hội thảo, trong 10 năm qua (2010 – 2020) có 8.390 vụ bạo lực gia đình tại Nghệ An được phát hiện và xử lý. Hầu hết nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em. Như vậy, trung bình mỗi năm địa phương này xảy ra 839 vụ bạo lực gia đình.

Công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ ngày 14/7/2020 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người trải qua bạo lực thể xác (chiếm 11,4%) và tình dục (9%) từ 15 tuổi do người khác gây ra.

Theo bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, tình trạng bạo lực giới xảy ra ở nhiều quốc gia đang có tư tưởng nặng nề về trọng nam khinh nữ, trong đó có Việt Nam. Ngay trong gia đình vẫn xuất hiện hành vi bạo lực như hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Cưỡng ép quan hệ tình dục; Cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn; Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức…

Tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý – Chủ tịch Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam.

Tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý – Chủ tịch Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam.

Một thực tế đáng buồn xảy ra ở nhiều nơi là hầu hết nạn nhân của tình trạng bạo lực giới, đặc biệt là những người khuyết tật do người thân, người quen, thậm chí những người ruột thịt gây ra.

“Thay vì yêu thương, chia sẻ và hỗ trợ người khuyết tật vì những thiệt thòi của họ thì không hiếm gia đình xem người tàn tật như là gánh nặng, là lực cản khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn, đói nghèo. Điều này đã tác động tiêu cực tới tâm lý, tình cảm của người khuyết tật.

Trên thực tế đã không ít trường hợp lựa chọn lối thoát tiêu cực khi là nạn nhân bạo lực giới từ chính những người thân của mình”, ông Phan Hữu Thảo – Hội người khuyết tật thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) phát biểu.

Người trong cuộc cần liên tiếng

Trong thời gian qua công tác phòng chống bạo lực giới đã được các tổ chức, cơ quan ban ngành quan tâm và đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trên thực tế, bạo lực giới bằng nhiều hình thức vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Theo bà Lê Hải Yến – Trưởng phòng Luật, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC), phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật. Thống kê cũng cho thấy cứ 10 phụ nữ bị khuyết tật thì có đến 4 người bị bạo lực ở các dạng khác nhau. Nói cách khác, phụ nữ khuyết tật có nguy cơ “kép” bị bạo lực giới. “Điều đáng buồn là hầu hết trong số họ bị bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền”, bà Yến cho biết.

Trợ giúp pháp lý miễn phí cho nạn nhân bị bạo lực giới là một trong những giải pháp nhằm giải quyết tiến tới giảm thiểu tình trạng này. Riêng tại Nghệ An, từ đầu năm 2019 tới nay đã tổ chức trợ giúp pháp lý cho người tàn tật 49 vụ việc (bảo vệ 30 trường hợp, bào chữa cho 19 trường hợp). Trong đó, có 22 vụ việc là bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, chiếm 45% trong tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Thời gian qua, việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật đã được quan tâm. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Lý – Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Nghệ An – công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn từ chính các nạn nhân do sự e ngại, xấu hổ, cam chịu, sợ bị trả thù, không muốn người khác biết. Một số người khuyết tật quá nhạy cảm, không dễ dàng vượt qua mặc cảm để thể hiện ý muốn của mình… Điều này không chỉ khiến nạn nhân các vụ bạo lực giới đối diện với nhiều nguy cơ hơn mà khiến việc xử lý người bạo lực, đặc biệt là xử lý hành chính, hình sự gặp nhiều trở ngại. Điều đó đòi hỏi chính người trong cuộc cần phải lên tiếng để bảo vệ mình.

Ông Lê Văn Lý - Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Nghệ An cho biết việc trợ giúp cho người khuyết tật gặp khó khăn từ chính nạn nhân do sự e ngại, xấu hổ, cam chịu, sợ bị trả thù

Ông Lê Văn Lý – Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Nghệ An cho biết việc trợ giúp cho người khuyết tật gặp khó khăn từ chính nạn nhân do sự e ngại, xấu hổ, cam chịu, sợ bị trả thù

Ông Lê Văn Lý dẫn chứng, có trường hợp ở huyện Diễn Châu, người vợ bị chồng hất cả ấm nước sôi vào mặt gây bỏng nặng, phải nhập viện điều trị thời gian dài. Người chồng sau đó bị công an điều tra, nhưng chính chị vợ là người xin rút đơn tố cáo bởi chồng là trụ cột kinh tế của gia đình.

Cũng không ít vụ việc hiếp dâm người tàn tật, đã được pháp luật xử lý, tòa án tuyên phạt mức án cho kẻ đồi bại. Tuy nhiên, nỗi đau về thể xác và nỗi ám ảnh tâm lý của nạn nhân vẫn đeo bám họ suốt thời gian dài. Đó là trường hợp cô gái tàn tật ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) bị cán bộ thư viện trường dở trò đồi bại từng xôn xao dư luận.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp phòng chống tình trạng bạo lực giới, hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới nói chung và nạn nhân là phụ nữ và trẻ em khuyết tật nói riêng. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cần nâng cao khả năng nhận thức về quyền, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, giúp họ đến gần hơn với các hoạt động trợ giúp pháp lý để bảo vệ bản thân.

Tăng cường hơn nữa vài trò của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội như: hội phụ nữ, Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật địa phương, Đoàn thanh niên để hỗ trợ người khuyết tật trong việc tăng cường phòng, chống bạo lực về giới.

 

Theo Kim Long (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/giat-minh-cu-10-phu-nu-thi-co-mot-nguoi-bi-bao-hanh-d137261.html