(Tổ Quốc) – “Con không biết cha mẹ là ai nhưng con nhớ lắm. Năm nay con 9 tuổi, con ước có cha, có mẹ…”, Diên vừa nói vừa ẵm trên tay đứa em trai vài tháng tuổi dỗ ngọt, đôi mắt đỏ hoe.
Không chỉ riêng Diên mà hầu hết những đứa trẻ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh đều bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa mới lọt lòng. Trong khi những đứa trẻ khác đang nô đùa, hạnh phúc bên vòng tay bố mẹ những ngày cận Tết thì 18 đứa trẻ nơi đây chẳng có gia đình nào để về.
Những đứa trẻ hồn nhiên sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh
“Có bé chào đời vì mẹ tâm thần bị người ta cưỡng hiếp”
Chúng tôi tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh vào một buổi chiều muộn cuối năm Canh Tý. Vừa bước vào dãy phòng dành cho trẻ nhỏ, bên trong cánh cửa hờ khép, giọng một người phụ nữ lớn tuổi khe khẽ cất lên: “À ơi giấc ngủ mồ côi – Lời ru êm tiếng ru hời dịu êm – À ơi câu hát đưa nôi – Như lời của mẹ ai vừa hát ru” rồi vỗ về đứa bé trên tay. Cô là Lê Thị Tú Anh – Phó Giám đốc Trung tâm, người đã dành quãng thời gian dài để nuôi dưỡng, chăm sóc những đứa trẻ mồ côi và người già neo đơn, bệnh tật.
Cô Tú Anh mong rằng ngoài tình thương của những cha mẹ làm công tác xã hội tại Trung tâm, nhiều người sẽ dang rộng vòng tay ôm ấp, chở che cho những đứa trẻ bất hạnh
Ẵm đứa trẻ sơ sinh trên tay, cô Tú Anh cho biết con là Lê Thống Nhất (6 tháng tuổi) bị bỏ rơi khi sinh non tại Bệnh viện Sản – Nhi Trà Vinh, sau đó được đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh.
“Hiện Trung tâm có 18 em nhỏ, hầu hết đều bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa mới lọt lòng. Thương nhất là các bé bị bệnh tật, khiếm khuyết về mặt cơ thể. Cứ mỗi lần nhìn thấy các con đau đớn mà chẳng có cha mẹ cạnh bên, cô lại rớt nước mắt. Có người bỏ con vì không đủ điều kiện chăm sóc, có người lại thấy con bệnh tật, sợ điều tiếng mà đành đoạn bỏ rơi. Và hầu như chẳng có một ai quay lại để nhìn nhận, thăm các con cả…”, cô Tú Anh nghẹn lời.
Nụ cười hồn nhiên của Nguyên khi chơi trốn tìm cùng bạn, con năm nay được 4 tuổi, bị mẹ bỏ rơi khi mới lọt lòng
Ánh mắt dễ thương của các bé mỗi khi có cô chú đến để trò chuyện, vui chơi
Theo cô Tú Anh, một năm Trung tâm tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi, có một số bé may mắn được người dân đến xin nhận con nuôi vì khỏe mạnh, kháu khỉnh, số còn lại được Trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc theo chế độ của nhà nước. Ngoài Thống Nhất, 2 bé Nguyễn Minh Khánh (4 tháng tuổi) và Nguyễn Thị Nhân Ái (6 tháng) là 3 đứa trẻ được Trung tâm tiếp nhận trong thời gian gần đây.
Dù 2 mẹ con Nhân Ái ở cùng Trung tâm nhưng không thể nào gặp mặt, con côi cút một mình trong khi mẹ thần trí không tỉnh táo phải điều trị tại khu vực chuyên biệt…
“Đau lòng hơn khi mẹ của bé Nhân Ái bị người ta cưỡng hiếp dẫn đến sinh con. Em ấy bị tâm thần, cũng đang được Trung tâm nuôi dưỡng. Lúc trước 2 mẹ con được ở chung nhưng vì mẹ của bé không thể chăm sóc được con, lại làm nguy hại đến bé Nhân Ái nên mới tách riêng ra. Nhân Ái được 6 tháng rồi, bụ bẫm, đáng yêu lắm”, cô Tú Anh vừa nói, vừa nhìn đứa trẻ trong nôi, trìu mến.
Sự yêu thương, chăm sóc của các cô bảo mẫu cũng phần nào bù đắp những thiếu thốn cho tụi nhỏ
“Con không biết cha mẹ là ai nhưng con nhớ lắm”
Trong số 18 đứa trẻ đang được Trung tâm nuôi dưỡng, hầu hết là bị bỏ rơi trong bệnh viện hoặc trước cửa nhà dân. Cũng có đứa từng lớn lên trong chùa, cô nhi viện, sau đó lại được gửi đến Trung tâm để tiếp tục cuộc sống.
Ẵm Thống Nhất trên tay, Phan Ngọc Ngàn Diên (9 tuổi) thỏ thẻ: “Con vô đây gần 2 năm rồi, mọi người thương con lắm, có các bạn, các em nữa. Con không biết cha mẹ là ai nhưng con nhớ lắm, con ước cha mẹ đến thăm con…”.
Diên ước một ngày nào đó, cha mẹ ruột sẽ đến tìm con để con có đủ cha mẹ như bao bạn bè cùng trang lứa…
Cũng giống như Diên, dù được các cô chú tại Trung tâm hết mực yêu thương, chăm sóc nhưng mỗi khi nhắc đến gia đình, chúng lại ao ước được một lần nhìn thấy cha mẹ ruột của mình.
Các con có nhớ mẹ không?
– Dạ nhớ!
Các con ước điều gì nào?
– Con ước có mẹ, con ước được cha chở đi chơi, con ước các em ở đây ai cũng có gia đình, không phải là trẻ mồ côi…
Tiếng nói cười hồn nhiên của những đứa trẻ sớm xa vòng tay cha mẹ
Nói đoạn, những đứa trẻ xúm lại gần nhau để chia phần bánh kẹo mà chúng tôi mang tới, đứa nào đứa nấy đều thích thú cười khì, ngây ngô sau lời nói “nhớ mẹ, thương cha”. Có lẽ ở cái tuổi 9-10, tụi nhỏ chưa thể nào cảm nhận hết nỗi đau đớn khi vừa chào đời đã trở thành đứa trẻ mồ côi.
Đáng thương nhất là một số em nhỏ bị khuyết tật như bại não, mắc hội chứng down…, suốt ngày chỉ biết ú ớ, nằm một chỗ trong khung sắt
Trong căn phòng nhỏ, tiếng nói cười, chạy nhảy của tụi nhỏ chốc chốc lại vang lên. Tết đến, tụi nhỏ cũng sẽ được các cô chú ở Trung tâm mua cho những bộ quần áo mới, được phá cỗ đón giao thừa, được đủ đầy kẹo bánh…, chỉ có điều tụi nhỏ chẳng bao giờ có được tình cảm ruột thịt của mẹ cha, như cái cách thằng Diên (9 tuổi) mơ ước: “Một lần cha mẹ đến thăm con…”
Những bé lớn ở đây đều được đi học, các con tuy không có cha, có mẹ nhưng rất ngoan ngoãn, bé nào cũng lễ phép và biết giúp đỡ, chăm sóc các em
Thương những đứa trẻ vừa lọt lòng đã thiếu đi tình thương của cả cha lẫn mẹ, các cô chú ở Trung tâm chỉ có thể hết lòng chăm sóc tụi nhỏ
Thống Nhất (6 tháng tuổi) lúc đầu được mẹ sinh non rất yếu ớt, nhờ có bàn tay nuôi dưỡng, chăm sóc của các cô chú, nay con rất bụ bẫm, đáng yêu
Mong rằng các con sẽ có cho mình một cuộc đời bình an…
Theo Văn Tiên (Trí Thức Trẻ)
http://ttvn.toquoc.vn/gap-nhung-dua-tre-bi-bo-roi-trong-trung-tam-bao-tro-ngay-can-tet-con-uoc-co-cha-co-me-2202192225631244.htm