Ngành công nghiệp eSports đang phát triển nhanh chóng, các game thủ đang chuyển từ chơi giải trí sang thi đấu chuyên nghiệp vì giải thưởng và nhiều thứ khác.
Giorgio Calandrelli, 26 tuổi, đã từng chơi trò chơi Fortnite chỉ để tìm kiếm sự vui vẻ.
Nhưng giờ, game thủ chuyên nghiệp người Ý được người hâm mộ biết đến với biệt danh “Pow3r”, nói rằng anh đã phải đối mặt với nhiều thất bại trong nỗ lực để gây ấn tượng với Fnatic – đội tuyển mới của anh có trụ sở tại London.
Một sai lầm đã tình cờ loại anh ra khỏi trận đấu. May mắn cho Calandrelli, anh đã có được một cơ hội trở lại, tích lũy 20 lần tiêu diệt đối thủ trong “Special Challenge” của game và giành được giải thưởng trị giá 10.000 USD. Nhìn chung, đội Fortnite của Fnatic đã kiếm được hơn 100.000 USD trong suốt giải đấu này.
Các giải đấu game chuyên nghiệp đang thu hút sự chú ý của nhiều game thủ
Và đó chỉ là phần nổi của tảng băng đang ngày một phát triển. Fnatic nói rằng các giải thưởng trong năm đầu tiên của các giải đấu Fortnite đã dao động từ 1 đến 2 triệu USD. Năm ngoái, nhà phát triển trò chơi Epic Games đã tuyên bố cung cấp 100 triệu USD tiền thưởng cho các giải đấu Fortnite từ năm 2018 đến 2019.
Và trong khi eSports đã phát triển như một ngành công nghiệp trong cả thập kỷ qua, về cả tiền bạc và lượng người xem thì các ngôi sao của nó – cùng người hâm mộ – dường như ngày càng trẻ hơn.
Tháng trước, thế giới đã chứng kiến game thủ 16 tuổi Kyle “Bugha” Giersdorf vơ vét phần thưởng trị giá 3 triệu USD, sau khi giành thắng lợi tại Fortnite World Cup – giải vô địch dành cho trò chơi thuộc thể loại Battle Royale nổi tiếng này.
Đội tuyển Fortnite của Fnatic.
Fortnite đã giúp thu hút sự quan tâm đến eSports và những gã khổng lồ của ngành công nghiệp giải trí đang cố gắng tìm ra cách để bắt kịp xu hướng này. Ví dụ, Comcast gần đây tuyên bố sẽ xây dựng một đấu trường trị giá 50 triệu USD cho các giải đấu eSports.
Nhóm nghiên cứu công nghiệp Newzoo ước tính doanh thu esports sẽ lần đầu tiên đạt 1 tỷ USD trong năm nay, tăng 27% so với con số năm ngoái. Điều này khiến nhiều game thủ thay đổi cách chơi từ giải trí chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp, để săn tiền thưởng tại các giải đấu.
Trao đổi với CNBC, Sam Mathews, đồng sáng lập và là CEO của Fnatic cho biết: “Nó giống như bất kỳ môn thể thao nào khác. Bạn sẽ có những người chơi tài tử, nghiệp dư, bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp. Esports cũng đòi hỏi kỹ năng và thái độ đầu tư, thi đấu nghiêm túc. Thái độ là yếu tố quan trọng đối với bất kỳ môn thể thao nào.
Khi chúng tôi quan sát người chơi, chúng tôi cần thấy họ thi đấu thử, chúng tôi cần kiểm tra xem họ có thái độ đúng đắn không. Và cuối cùng nếu họ đủ tốt, họ sẽ vào đội hình chính của chúng tôi”.
Sự góp mặt của các nền tảng chung
Các game thủ cạnh tranh nhau không chỉ ở các giải thưởng. Nó còn bao gồm cả hợp đồng tham gia vào các đội eSports, tiền tài trợ và nhiều thứ khác…
Teespring là một nền tảng dành riêng cho việc sản xuất và bán hàng hóa tùy chỉnh, tập trung đặc biệt vào cái gọi là những người có ảnh hưởng trực tuyến.
Chris Lamontagne, Giám đốc điều hành của công ty, nói với CNBC rằng, Google đã hình thành nên một cơ sở khách hàng mạnh mẽ liên quan đến chơi game. Lamontagne cho biết lợi ích của hàng hóa tùy biến cho các game thủ đã tạo ra nền tảng chung giữa họ và nhóm người hâm mộ. bên cạnh đó, một số nội dung có thể được tạo ra thông qua việc kết nối lẫn nhau trong chính trò chơi.
Ngoài Fortnite, có rất nhiều trò chơi đã trở thành trụ cột trong một làng game đầy tính cạnh tranh. Chúng bao gồm DOTA 2, Liên minh huyền thoại, Counter-Strike: Global Offensive và Overwatch. Các giải đấu eSports cũng đã được mở rộng quy mô tổ chức do sự ra đời của các nền tảng phát trực tuyến.
Calandrelli cho biết anh thường phát sóng trực tiếp trên nền tảng Twitch do Amazon sở hữu, đó là nơi anh kết nối với người hâm mộ của mình.
Twitch là nền tảng phát trực tuyến game nổi tiếng hiện nay
Teespring đã ký kết hợp tác với Google trên YouTube và Twitch cho phép những người sáng tạo nội dung bán hàng hóa của họ thông qua dịch vụ của mình.
Một trong những streamer nổi tiếng nhất hiện nay là Tyler “Ninja” Blevins, người kiếm được gần 10 triệu USD hồi năm ngoái, chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của người hâm mộ, lượng đăng ký trả tiền trên Twitch và doanh thu quảng cáo trên YouTube.
Blevins đã giúp Fortnite trở thành một hiện tượng eSports theo cách riêng của mình – với gần 250 triệu người dùng đã đăng ký tính đến ngày 20/3. Và sự tồn tại của những người như Blevins có thể khiến chiến trường phát sóng trực tuyến rung chuyển. Ninja gần đây đã chuyển từ Twitch – nơi anh thu hút khoảng 14,7 triệu người theo dõi – sang dịch vụ phát trực tiếp mới là Mixer của Microsoft.
Sự đa dạng hóa
Mathews, bản thân là một game thủ, cho biết có rất nhiều tiền được tạo ra từ các tổ chức eSports cũng như chính người chơi. Ví dụ, Fnatic đã tập trung vào phần cứng, bán mọi thứ từ bàn phím cấp chuyên nghiệp đến tai nghe chơi game.
Công ty đã mua lại nhà sản xuất phần cứng chơi game Func vào năm 2015 và bán thiết bị của mình tại 400 cửa hàng Best Buy ở Mỹ. Công ty này cũng có sự hiện diện tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông nói: “Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi là tổ chức eSports duy nhất sở hữu doanh nghiệp phần cứng ngoại vi của riêng mình. Nó là một nguồn tăng trưởng doanh thu nhanh chóng”.
Các tiện ích cho game thủ cũng là một ngành kinh doanh béo bở
Người chơi eSports cũng đang có những bước chuyển trong ngành công nghiệp âm nhạc. Fnatic Lam Calandrelli cho biết anh đang đàm phán hợp tác với một trong những nhóm rapper lớn nhất ở đất nước của mình, Italia. Trước đó anh đã thực hiện hợp tác với các hãng thu âm như Virgin EMI và Atlantic Records.
Nhưng Calandrelli từ chối tiết lộ chi tiết về thu nhập của mình khi được hỏi.
Theo Hiệp hội eSports của Anh, một số trong những người chơi eSports hàng đầu thế giới bao gồm Saahil “UNiVeRsE” Arora có thu nhập ước tính khoảng 2,6 triệu USD, Lee “Faker” Sang-hyeok kiếm được 890.000 USD, Robin “flusha” Ronnquist bỏ túi khoảng 388.000 USD mỗi năm.
Tham khảo: CNBC