Cá độ bóng đá là tệ nạn phức tạp và càng phức tạp trong thời điểm Vòng chung kết bóng đá thế giới World Cup 2022 diễn ra.
Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga nhận định: “Xưa nay, dân gian có câu “cờ bạc là bác thằng bần”. Nếu chìm vào cờ bạc, cá độ thường dành nhiều thời gian, đổ tiền bạc vào những ván cá cược, bỏ bê công việc, không quan tâm gia đình, sức khỏe và kinh tế đều sa sút. Đây là một trong những nguyên nhân khiến gia đình phát sinh mâu thuẫn, vợ chồng xích mích, có thể ly hôn, gia đình tan vỡ”.
“Trên thực tế, có người vì thua cá độ, thua cờ bạc mà tự vẫn. Chưa hết, trong gia đình, con cái thường học hỏi từ cha mẹ. Vì vậy, trẻ em trong các gia đình có cha mẹ chơi cờ bạc, cá độ dễ thiếu tình cảm do không được dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, tâm lý bị ảnh hưởng. Việc cha mẹ nghiện cờ bạc, cá độ… có thể “gieo mầm” “đỏ đen” vào chính con mình”, theo nhận định của TS Nga.
Từ góc độ pháp lý, LS Nguyễn Thị Trang (Đoàn LS Hà Nội) cho biết, tùy tính chất, mức độ của hành vi, người có hành vi cá độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu số tiền cá độ dưới 5 triệu đồng, có thể bị phạt 1 – 2 triệu đồng với cá nhân (mức phạt với tổ chức thì gấp đôi) theo Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Nếu cá độ với số tiền từ 5 triệu trở lên hoặc dưới 5 triệu nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc, chưa được xóa án tích; mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội đánh bạc theo Điều 321 BLHS, hình phạt lên đến 7 năm tù. Nếu có hành vi “Tội tổ chức đánh bạc” theo Điều 322 BLHS, hình phạt có thể lên tới 10 năm tù.
Gia Hải (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/hanh-vi-ca-do-bong-da-bi-xu-ly-the-nao-d187267.html