“Trung ngôn nghịch nhĩ”, bầu Đức hẳn sẽ nóng mặt với phát ngôn mới đây của chuyên gia Vũ Mạnh Hải, rằng: “Đưa cầu thủ ra nước ngoài bừa bãi chính là làm hại họ”.
1. “Theo tôi, chúng ta đã để các cầu thủ xuất ngoại trong tình trạng thiếu hiểu biết. Thiếu hiểu biết về chính chúng ta và thiếu cả về các đội bóng nước ngoài. Chúng ta không có một kế hoạch chi tiếtm khoa học về việc đưa cầu thủ xuất ngoại“, ông Vũ Mạnh Hải trả lời phỏng vấn trên Zing về những chuyến xuất ngoại của các cầu thủ Việt Nam trong thời gian qua.
Vị chuyên gia này cũng nói thẳng về trường hợp Công Phượng: “Công Phượng không đá được ở Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng lại tới Bỉ. Chúng ta đều biết giải Bỉ có trình độ cao hơn giản Nhật, Hàn. Công Phượng không đá được ở châu Á, sao lại đưa cậu ấy sang châu Âu? Cầu thủ phải xuất sắc ở châu Á thì mới chơi được ở châu Âu chứ?“.
Đưa cầu thủ xuất ngoại nhiều nhất trong vài năm trở lại đây, hẳn nhiên là HAGL của bầu Đức. Song từ Xuân Trường, Tuấn Anh cho đến Công Phượng, từ Nhật Bản, Hàn Quốc rồi Thái Lan cho đến châu Âu, tất cả những niềm hi vọng lớn của bầu Đức đều thất bại thảm hại.
Gần đây nhất là Công Phượng trở về CLB TP.HCM sau những tháng ngày đày đọa ở Bỉ, với sự lạnh nhạt của Sint Truidense, khép lại tham vọng “mở lối ra châu Âu cho cầu thủ Việt” của cầu thủ từng là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam.
Nhưng tại sao Công Phượng lại trở về CLB TP.HCM, mà không phải là HAGL? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải nhắc lại một câu hỏi cũ, rằng vì sao Công Phượng lại được “xuất khẩu” sang châu Âu, khi chỉ mới vừa thất bại ở Hàn Quốc xong?
Bầu Đức từng phát biểu hùng hồn: “Tôi đã tính ngay từ đầu, Công Phượng ra nước ngoài chơi bóng có lợi chứ không có hại. Thử nghĩ coi, Phượng lãnh lương tháng bằng 12 cầu thủ giỏi ở V.League thì đi tốt hay ở lại tốt?“.
Câu trả lời là đây ư? Do các CLB V.League quá nghèo, hay do Công Phượng quá tài năng nên không thể mãi vẫy vùng trong “cái ao hẹp” mang tên V.League?
2. Cho Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng ra nước ngoài thi đấu, cũng như để Văn Sơn, Đức Lương và Công Phượng đến phục vụ CLB TP.HCM, rồi đưa Đinh Thanh Bình, Lương Hoàng Nam cùng 7 cầu thủ khác xuống chơi giải hạng Nhì, HAGL của bầu Đức tiết kiệm được những khoản chi trả không hề nhỏ, mà nếu đúng với tầm cỡ của những tuyển thủ quốc gia, tuyển thủ U23 Việt Nam này, nó sẽ là một khoản khá khổng lồ.
Những khoản lương mà Công Phượng, Xuân Trường nhận khi được HAGL cho đi mượn ở nước ngoài liệu có là niềm mơ ước khó với của các cầu thủ Việt Nam khác?
Ở tuổi xấp xỉ 30, Văn Quyết nhận được 9 tỷ đồng từ việc gia hạn hợp đồng thêm 3 năm với CLB Hà Nội.
Ở tuổi U23, thủ môn Bùi Tiến Dũng nhận 7 tỷ đồng từ việc ký hợp đồng 3 năm với CLB TP.HCM, dù suốt mùa bóng trước chủ yếu chỉ đánh bóng băng ghế dự bị của CLB Hà Nội.
Đây đều là những con số không nhỏ, dù cho có được đem so với mức lương mà Công Phượng được nhận ở châu Âu. Các CLB V.League không hề tiếc tiền để sở hữu các cầu thủ tài năng. Con số mà bầu Đức đưa ra chỉ cao với HAGL, chứ không hề cao với các “đại gia” Việt Nam, một khi họ đã xác định mục tiêu lớn của mình.
So với việc đưa Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng ra nước ngoài thi đấu, để Công Phượng về với “đại gia” đầy tham vọng là CLB TP.HCM, cũng như từng nhấc nguyên cả đội hình U19 HAGL lên chơi V.League vài năm trước, rõ ràng việc để các cầu thủ trẻ, trong đó có cả những tài năng từng tham dự World Cup U20, cũng như là tuyển thủ U23 Việt Nam xuống chơi hạng Nhì, rõ ràng HAGL đang thực hiện ngược tiến trình của chính mình.
Những cầu thủ trẻ đầy tiềm năng của bầu Đức liệu sẽ học hỏi được gì khi thi đấu ở giải đấu “phong trào”, học được gì ở một đội bóng mà sự tồn tại luôn là dấu hỏi và bao năm làm bóng đá ở mức duy trì, mùa này đá hạng Nhì?
Phải chăng HAGL quá thừa tài năng, để ngay cả những tuyển thủ U23 Việt Nam cũng không có nổi chỗ đứng trong đội bóng? Hay tất cả chỉ là con tính nằm ngoài chuyên môn, như việc Công Phượng sang châu Âu vậy?
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải đã thẳng thắn chỉ ra rằng “Đưa cầu thủ ra nước ngoài bừa bãi là làm hại họ“, vậy còn đưa những tài năng trẻ của mình xuống đá hạng Nhì, liệu có phải là con đường ngược lại?
Hỏi, đôi khi đã tự là câu trả lời.
Kinh Luân , theo Trí Thức Trẻ