Di tích, di sản có giá trị vô cùng quý giá vì là nơi tọa lạc các di tích, di sản mang tầm quốc tế, khu vực và quốc gia.
Ngày 7/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Hội nghị ĐBQH chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cần có quy định riêng về đất di tích, di sản
Góp ý về đất di tích, di sản, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết di tích, di sản có giá trị vô cùng quý giá vì là nơi tọa lạc các di tích, di sản mang tầm quốc tế, khu vực và quốc gia. Đây là những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc cần được bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị trong công cuộc phát triển đất nước đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ.
Muốn vậy, việc quản lý và sử dụng đất di tích, di sản phải được thực hiện dựa trên hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất mà trước hết là Luật Đất đai. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai hiện hành, loại đất này chưa được định danh giải nghĩa riêng mà được xếp vào nhóm đất phi nông nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh. Ảnh quochoi.vn
Tại dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này cũng không có định nghĩa về loại đất di tích, di sản và cũng không có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng loại đất đặc thù này, mà mới chỉ đặt ra yêu cầu bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ trong dự thảo luật khái niệm về đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên. Bên cạnh đó, cần có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này. Việc quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ vùng lõi, vùng phụ cận lõi và vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản để có quy định chế độ bảo vệ di tích, di sản tích hợp lồng ghép trong việc quản lý và sử dụng loại đất này. Cụ thể, đối với vùng lõi của di tích, di sản và vùng phụ cận lõi di tích, di sản nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm sử dụng đất sai mục đích vùng bao quanh, bên ngoài di tích, di sản được sử dụng đất nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ di tích, di sản.
Đại biểu cũng nêu thực tế ở Ninh Bình hiện nay có Tràng An là di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Đây là di sản hỗn hợp vừa là di sản văn hóa, vừa là di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế hiện nay người dân trong khu vực vùng lõi di tích, di sản gặp khó khăn về nhà, đặc biệt là những hộ dân cần tách hộ cho các thế hệ sau.
Vườn chim Thung Nham (Ninh Bình). Ảnh vinatrangantour.vn
Đại biểu đề nghị trong Luật Đất đai sửa đổi cần có quy định cụ thể hơn về lịch sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực di sản, cho phép chuyển đổi một số diện tích nhất định, đất vườn, ao sang đất ở trong khu dân cư tập trung của di sản…
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng đề nghị có quy định riêng về đất khu du lịch, di sản để có chế độ quản lý, sử dụng đất đai riêng phù hợp với đặc thù của loại đất này.
Cần quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất rõ ràng
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, phục vu mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề cần thiết nhưng đề nghị cần tách bạch rõ ràng việc thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ an sinh xã hội, công cộng với thu hồi đất các dự án thương mại, khu đô thị mới. Với các dự án này, nhà đầu tư phải có sự thoả thuận với người dân sao cho phù hợp. Nhà nước không nên thu hồi đất với các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời cần có quy định cụ thể để xác định các trường hợp thu hồi đất sao cho rõ ràng.
Đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh quochoi.vn
Về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị quy định về tái định cư cần làm rõ hơn là Nhà nước hỗ trợ tái định cư cần có chỗ ở tốt hơn nơi ở cũ, tuy nhiên đại biểu băn khoăn quy định như dự thảo thì “tốt hơn là như thế nào?” thì chưa rõ ràng.
Đại biểu cho rằng, nơi tái định cư phải bảo đảm như trong quy định, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ theo quy hoạch chi tiết và có cấp thẩm quyền phê duyệt, quy định như vậy sẽ phù hợp. Đặc biệt, người tái định cư được quyền chọn chỗ ở trong cùng một địa bàn, cấp quận, cấp huyện hoặc cấp tỉnh để người dân có nhu cầu thiết thực. Đồng thời đề nghị trước khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất thì cần có khu tái định cư trước để người dân ổn định nơi ở.
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng quản lý, sử dụng đất các nông, lâm trường; công tác quản lý diện tích đất, thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là tại các vùng có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này và các văn bản hướng dẫn để thi hành có hướng giải quyết căn bản cho vấn đề này.
Góp ý vào những nội dung cụ thể, tại Điều 104 về hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất. Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, tại Điểm a, khoản 1, Điều 104 dự thảo luật đưa ra hai phương án, đại biểu cho rằng việc cho thuê không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất nên quy định hỗ trợ đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có phần phù hợp, phát sinh thêm chi phí hỗ trợ đền bù, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến khi thực hiện.
Cần hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch bị động ở các địa phương
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương cũng cần đặc biệt quan tâm. Điều 66 của dự thảo đã quy định về nội dung này, theo đó, tùy từng cấp quy hoạch, kế hoạch sẽ có các hình thức lấy ý kiến khác nhau. Đại biểu cho rằng, để tránh việc lấy ý kiến trở nền hình thức, không phát huy hiệu quả, cần quy định cụ thể việc đăng tải công khai thông tin tại trụ sở làm việc hay cổng thông tin điện tử để nhân dân được biết và tiếp cận dễ dàng.
Đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La. Ảnh quochoi.vn
Bên cạnh đó, đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, khoản 5 Điều 114 về giao đất không thu tiền sử dụng đất có quy định, cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; tổ chức tôn giáo sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 205 của Luật này. Tuy nhiên, Điều 174 về đất nông nghiệp do cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng lại quy định: Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ đất được giao, được sử dụng đất kết hợp với mục đích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác.
Đại biểu cho rằng, những quy định này đang mâu thuẫn, ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để có những quy định nhất quán, đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện khi luật được ban hành.
Cần sớm có bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Trọng Kim cho biết, nếu đến năm 2025 mới có bảng giá đất thì sẽ muộn so với yêu cầu của thi trường đất đai hiện nay, khi thị trường gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Đai biểu đề nghị cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thành sớm bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản.
Đại biểu Vũ Trọng Kim. Ảnh quochoi.vn
Về bồi thường tái định cư với đất nhà nước thu hồi, đại biểu cho rằng, cần xác định thời gian thực hiện bồi thường, tái định cư, vì đây là cội nguồn của các khiếu kiện phức tạp. Theo đại biểu, khi tính thời gian thì thực hiện việc tính lãi cho người giao đất, để người được đến bù tích cực trong giải quyết vấn đề. Trong tái định cư cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng hạ tầng, văn hóa, cần có bản cam kết giữa bên sử dụng và bên giao đất để giảm thiểu các vấn đề bất đồng, khiếu kiện phức tạp, đạt được sự hài hòa lợi ích giữa hai bên.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị nên giao phòng công chứng chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc xác định giá cả khi tiến hành giao dịch trên cơ sở bảng giá tại vùng đất, thửa đất tại địa điểm đó, để nâng cao trách nhiệm của phòng công chứng, giảm tải vai trò của ngành tài nguyên, môi trường, phòng đăng ký đất đai. Có thể liên thông thẳng từ phòng công chứng đến cơ quan thuế để rút ngắn thủ tục, đảm bảo được nguồn thu thuế cho nhà nước.
Góp ý tại phiên họp, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH Khánh Hòa) cũng tán thành việc nên có 1 hội đồng thẩm định giá đất, đồng thời cần quy định rõ Chủ tịch của hội đồng này là Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện và cơ quan chuyên môn về tài chính, về tài nguyên và môi trường là phó và các đại diện một số sở, ngành.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH Khánh Hòa). Ảnh quochoi.vn
Liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai, Đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, việc là khiếu nại về đất đai, tố cáo về đất đai và khởi kiện theo thủ tục hành chính về đất đai ở UBND các cấp là đang rất cao, số lượng rất nhiều nhưng đó không phải là tranh chấp đất đai. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ lại Khoản 2, Điều 235 của dự thảo luật cũ để bảo đảm được cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại đối với tranh chấp đất đai.
Bên cạnh đó, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ 3 điều luật: Điều thứ nhất là 231 quy định về xử lý đối với người có hành vi vi phạm về đất đai; Điều 229 về khiếu nại và Điều 230 về giải quyết tố cáo về đất đai vì nội dung không có gì mới.
Quang Vũ
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-can-co-quy-dinh-rieng-ve-dat-di-tich-di-san-d192211.html