Việc tạo dựng hình ảnh tốt và giới thiệu nó với mọi người là ưu tiên hàng đầu để chúng ta có thể đạt được thành công và hạnh phúc trong công việc cũng như cuộc sống.
Trong khi việc giao tiếp và các mối quan hệ với người khác là rất cần thiết để có một cuộc sống trọn vẹn, ưu tiên hàng đầu của chúng ta là phải có được mối quan hệ tốt với chính mình. Nếu thiếu khả năng tự đánh giá, chúng ta không có cơ hội thể hiện hình ảnh của mình để người khác có thể tìm hiểu và tin tưởng chúng ta.
Cần thương yêu chính mình
“Hãy thương yêu người hàng xóm như thương yêu chính mình.” Lời giáo huấn này hoặc những lời tương tự như vậy đã được nói trong kinh Cựu Ước và Tân Ước, cũng như trong những tác phẩm và học thuyết của hầu hết tôn giáo và triết lý qua nhiều thời đại.
Tuy nhiên, hầu hết bài thuyết giáo và thảo luận về giáo lý này thường tập trung vào sáu từ đầu tiên. Chúng chú trọng vào cách đối xử với người khác và giả sử rằng chúng ta đã thương yêu chính mình rồi.
Thật không may, không phải lúc nào cũng như vậy. Có nhiều người không thương yêu chính họ. Họ không hài lòng với ngoại hình, tính cách, khả năng của họ và còn không thỏa mãn với rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của mình.
Để có cuộc sống thỏa mãn và xứng đáng, trước tiên chúng ta cần học cách thật sự thương yêu chính mình. Đây là bước đầu tiên trong những bậc thang dẫn tới cuộc sống nâng cao. Xin lưu ý rằng thương yêu chính mình không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn chỉ coi trọng bản thân. Thương yêu chính mình là nền tảng nhằm xây dựng phương pháp hiểu và thông cảm với những người có quan hệ với chúng ta trong cuộc sống. Điều đó dẫn tới sự tự tin, lòng tự trọng, được người khác đánh giá tích cực. Thương yêu chính mình giúp chúng ta thương yêu người khác.
Tạo dựng sự tự tin
Thương yêu chính mình giúp phát triển và duy trì sự tự tin. Một số yếu tố của sự tự tin bao gồm:
Tự chấp nhận
Việc tự chấp nhận đến từ khả năng chấp nhận chính mình khi chú tâm vào những mặt tích cực – sức mạnh, ưu điểm và tính cách – nhằm thể hiện chúng ta là ai. Khi tập trung những mặt này, chúng đều có tác động một cách tích cực tới cả sự tự tin và lòng tự trọng. Lý do là người ta thường chú tâm vào khuyết điểm thay vì ưu điểm của mình. Và làm như vậy thì có hại hơn là có lợi. Chúng ta cần giúp đỡ chính mình và người khác để có thể tập trung vào những mặt tích cực.
Hãy hình thành và khắc sâu trong tâm trí một bức tranh tinh thần về sự thành công của chính bạn. Hãy lưu giữ bức tranh này thật chắc và đừng cho phép nó phai mờ. Tâm trí bạn sẽ tìm cách hiện thực hóa bức tranh này… Đừng cản trở sự tưởng tượng của bạn.
Tự trọng
Chìa khóa để phát triển lòng tự trọng là chú tâm vào những thành công, thành tích trong quá khứ và tôn trọng chính mình về những thành quả tốt đẹp đã làm. Điều này hay hơn nhiều so với việc cứ xoáy vào những thất bại. Và khi đó người khác cũng dễ dàng hơn để hướng sự chú ý về phía chúng ta. Khi dành thời gian nghiền ngẫm về những thành công của mình, chúng ta càng có tự tin và dễ đạt thành tựu trong tương lai.
Một phương pháp hữu ích là tạo nên hồ sơ thành tích. Đây là danh sách những việc thành công và các thành tựu của chúng ta. Vào lúc đầu, có thể khó xây dựng nên danh sách này, nhưng nếu kiên trì, chúng ta bổ sung dần dần thành tích của mình vào đó. Bắt đầu bằng một bìa hồ sơ, cho vào đó những giấy chứng nhận, bằng khen, thư cảm ơn… về thành tích của mình. Khi tình hình hiện tại khiến ta cảm thấy buồn hay lạc hướng, hãy đọc lại chúng và nhớ rằng chính mình trước đây đã từng thành công và vẫn có thể lặp lại điều đó.
Tự nhủ
Tất cả chúng ta đều có những lần “tự nhủ”, tức là những khi nói về mình với chính mình. Khi có hồ sơ thành tích, chúng ta có thể “tự nhủ” theo cách tích cực với đầy đủ chứng cớ và sự xem xét kỹ lưỡng. Chứng cớ càng mạnh mẽ và thuyết phục, thông điệp mang lại càng có tác động lớn và đáng tin cậy. Sự “tự nhủ” tích cực là một công cụ giúp chúng ta có thể điều khiển suy nghĩ của mình.
Chấp nhận rủi ro
Cũng có thể xây dựng sự tự tin bằng cách sẵn lòng chấp nhận rủi ro. Chúng ta có thể tiếp cận những trải nghiệm mới như là cơ hội để học hỏi, chứ không phải là dịp để thành công hay thất bại. Khi đó, những cơ hội mới sẽ mở ra và có thể giúp gia tăng cảm giác tự trọng. Ngược lại, nếu không dám chấp nhận rủi ro vì cho rằng đó là khả năng dẫn tới thất bại, chúng ta sẽ mất một số cơ hội phát triển.
Một số người không bao giờ dám chấp nhận rủi ro và họ luôn chọn giải pháp an toàn. Vì vậy, họ luôn là người đạt kết quả trung bình và không nổi trội. Họ sẽ không đạt tới thành công thật sự. Khi không dám đón nhận những cơ hội không chắc ăn, họ tránh được “sự đau khổ do thất bại”, nhưng lại không bao giờ có được trải nghiệm “sự hồi hộp của chiến thắng”.
Và chấp nhận rủi ro không có nghĩa là người ta phải là kẻ liều mạng. Người có cân nhắc sẽ chấp nhận rủi ro hợp lý, nhưng về bản chất, rủi ro không chắc chắn dẫn tới thành công. Khi đón nhận cơ hội, thậm chí dù kết quả không như mong đợi, chúng ta đã thể hiện cho người khác và chính mình rằng chúng ta tự tin với khả năng của bản thân.
Xây dựng hình ảnh
Hình ảnh của chúng ta là cách chúng ta bày tỏ chính mình với thế giới bên ngoài. Một số người có hình ảnh rất mạnh mẽ, tích cực và truyền hình ảnh đó sang cho người khác. Đó có thể là những tính cách mà nhiếp ảnh gia không thể chụp được, họa sĩ không thể vẽ ra và điêu khắc gia không thể chạm trổ nên. Nó rất huyền ảo nên người ta chỉ có thể cảm nhận mà khó có thể mô tả chính xác và không có nhà viết tiểu sử nào có thể ghi lại một cách rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều thứ cần làm để xây dựng hình ảnh nhằm đạt tới thành công trong cuộc đời.
Trên thực tế, tính cách tốt đẹp thì quý hơn vẻ đẹp ngoại hình và mạnh mẽ hơn cái có được nhờ bắt chước. Người có sức hút mạnh mẽ tạo ấn tượng một cách tự nhiên đối với những ai có dịp tiếp xúc với họ. Trong khoảnh khắc tiếp xúc với người có
sức hấp dẫn, ta có cảm giác rộng mở ra. Đó là sự mở rộng tầm nhìn và cảm nhận một sức mạnh mới đang khuấy động bên trong. Không tốt hay sao nếu người ta phản ứng với chúng ta theo cách này?
Duy trì thái độ tích cực
Trong các khía cạnh liên quan tới hình ảnh của mình, thái độ là quan trọng nhất, nhưng thái độ đối với chính mình thì càng quan trọng hơn nữa. Người ta thường trích dẫn câu nói của Eleanor Roosevelt, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ: “Không ai có thể làm bạn thấy thua kém nếu không có sự cho phép của chính bạn.”
Hầu hết chúng ta – ngay cả với người dường như thành công nhất – đều mang theo một chiếc vali trong suy nghĩ chứa đầy những nội dung, thông điệp tiêu cực về chính mình. Nó có thể bắt nguồn từ song thân, thầy cô, sếp, cộng sự hoặc thậm chí bản thân tự tưởng tượng ra, nhưng chúng ta có khả năng thay đổi những điều này bằng cách chủ động chọn lựa thông điệp tốt đẹp.
Thái độ tích cực hướng về người khác sẽ giúp nâng cao hình ảnh của chúng ta. Thật vậy, nếu nhiệt thành tin rằng thế giới này hoàn toàn là bạn bè, chúng ta sẽ giữ vững niềm tin đó và nó sẽ gửi tín hiệu tới những người mà chúng ta gặp mặt rằng chúng ta là người có thể kết bạn được. Nếu không xem mỗi ngày là một điều may mắn để mà vui vẻ và tận hưởng, chúng ta sẽ có cuộc sống bất hạnh và hầu như vô ích.