Triển lãm “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng”

Sáng ngày 15/4, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia diễn ra triển lãm và hội thảo “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng”.

Từ khi du nhập vào nước ta, cách nay khoảng 2000 năm, Phật giáo đã có sự dung hòa với tín ngưỡng bản địa và trở thành nhân tố quan trọng cấu thành nền văn hóa truyền thống Việt Nam.

Trong quá trình truyền bá, Phật giáo dần hình thành các cơ sở vật chất như hệ thống chùa, tháp, tự viện… Với bề dày lịch sử phát triển, Phật giáo cũng đã để lại khối di sản kiến trúc Phật giáo đồ sộ, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

cat-bang-khai-mac.jpgCác đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. 

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Phật giáo truyền vào Việt Nam, thông qua cách ngôn ngữ biểu đạt, y phục, nghi lễ, cách thức thờ tự, bài trí tượng pháp, hệ thống kiến trúc, biểu tượng trang trí… đã cho mỗi người trong chúng ta có thể nhận diện được sắc thái riêng của Phật giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, trải qua phong hóa bởi thời gian, tàn phá bởi chiến tranh và nhất là trong bối cảnh đô thị hóa cũng như nhu cầu sử dụng để đáp ứng số lượng lớn Phật tử, công chúng ngày một cao, nhiều ngôi chùa với những nét đẹp kiến trúc truyền thống đang dần bị tác động, mai một bởi sự cải tạo, cơi nới không phù hợp…

xem-trien-lam-3.jpgTriển lãm góp phần nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và tinh hoa của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

“Trước thực trạng đó, năm 2015, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phê duyệt Đề án: “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam về Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc, Di sản” và giao Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai thực hiện với định hướng đặc trưng Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Đến nay, 2 trong 4 đề án đã đạt kết quả bước đầu, đó là Pháp phục và Khóa tụng thống nhất và được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê chuẩn. Hiện nay, kết quả nghiên cứu này đang được triển khai đến Tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Đề án Kiến trúc và Di sản cũng đang trong quá trình triển khai thực hiện mà Triển lãm, Hội thảo khoa học này là một trong những công việc quan trọng của Đề án đó”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết.

Triển lãm giới thiệu tới công chúng gần 300 tư liệu, hình ảnh, trong đó chủ yếu là hình ảnh từ kết quả của 3 đợt khảo sát và tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Bảo tồn di tích.

Các tư liệu, hình ảnh tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: Giới thiệu một số hình ảnh hiện vật kiến trúc Phật giáo hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo Việt Nam: giới thiệu các hình ảnh, tư liệu bản vẽ (không gian cảnh quan, bố cục mặt bằng, các công năng chính…) kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, vùng, miền; Một số hình ảnh kiến trúc Phật giáo Việt Nam được xây dựng trong những năm gần đây: chùa ở đô thị; chùa được quy hoạch, xây dựng lại trên nền/vị trí chùa cũ; chùa xây dựng mới…

Song song với triển lãm, gần 70 bài tham luận tại tọa đàm tập trung bàn thảo về các các nội dung: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử; Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay (đặc trưng, tính thống nhất, đa dạng kiến trúc Phật giáo các hệ phái, vùng, miền); Định hướng, giải pháp kiến trúc Phật giáo Việt Nam: thực trạng, định hướng, giải pháp và những đề xuất, khuyến nghị đối với Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà quản lý tôn giáo, di sản về tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới công trình Phật giáo hiện nay.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm và hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhấn mạnh: “Triển lãm và Hội thảo được tổ chức sẽ cung cấp tư liệu, cơ sở khoa học, thực tiễn để Ban Văn hóa Trung ương Giaó hội Phật giáo Việt Nam triển khai Đề án Kiến trúc và Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam trong các năm tiếp theo hiệu quả, khả thi. Đồng thời, giúp Tăng Ni, Phật tử và cộng đồng xã hội hiểu hơn về giá trị di sản, kiến trúc Phật giáo, nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, những tinh hoa của kiến trúc Phật giáo Việt Nam, khắc phục những nhận thức chưa đúng, những hạn chế trong hoạt động trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới các công trình Phật giáo hiện nay; góp phần định hướng đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam đảm bảo tính truyền thống, tính dân tộc và tính thời đại, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới”./.

Thụy Phương

Nguồn Người Hà Nội: https://nguoihanoi.com.vn/trien-lam-kien-truc-phat-giao-viet-nam-thong-nhat-trong-da-dang-69155.html