Cục An toàn Thực phẩm đề nghị điều tra hành vi dựng clip giả mạo bác sỹ quân y để quảng cáo TPCN

Cục An toàn thực phẩm đề nghị điều tra hành vi dàn dựng clip giả mạo bác sỹ quân y nhằm quảng cáo thực phẩm bảo chức năng Dạ Dày Tâm Vị.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, đơn vị đã đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH thương mại HAND Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 8B, số 252, đường Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) về các hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dày Tâm Vị đã quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Qua đó, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH thương mại HAND Việt Nam 110 triệu đồng, buộc tháo gỡ nội dung quảng cáo và cải chính thông tin theo quy định.

tpcn

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dày Tâm Vị được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Trước đó hàng loạt clip quảng cáo được đưa lên mạng xã hội về nhiều người tìm đến địa chỉ xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ để ông Đặng Công An một người tự xưng là bác sĩ quân y thăm khám, bốc  thuốc với  bài thuốc chữa dạ dày, khỏi ngay chỉ trong vòng 7 ngày.

Sau khi báo chí tìm hiểu mọi sự thật bị lật tẩy, theo vtv.vn thông tin, người có tên Đặng Công An cho biết, “ mọi thông tin về bài thuốc chữa dạ dày đã được viết sẵn, ông chỉ là diễn viên được trả vài triệu đồng, sau đó mặc quân phục rồi đọc theo.

Đối với hành vi dàn dựng clip giả mạo bác sỹ quân y quảng cáo sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng do các cá nhân, tổ chức thực hiện tại xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 427/ ATTP- PCTTR ngày 16/3/2022 gửi Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

quag cao
Mạo danh bác sĩ quân y lừa người bệnh mua thực phẩm chức năng.

Có thể thấy những chiêu trò dàn dựng từ các nhãn hàng thuê người nổi tiếng hoặc các cá nhân để quảng cáo sai sự thật không còn xa lạ. Thế nhưng thực tế các quy định và chế tài xử phạt đối với các cá nhân tiếp tay quảng cáo sai sự thật có thể xem là đồng phạm với nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ đó gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế của người tiêu dùng để trục lợi vẫn còn buông lỏng, chưa đủ sức răn đe.

Điểm a Khoản 1 Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Điều 8, Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi năm 2018, hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP).

Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…

 

Theo Xuân Thành (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/y-te/cuc-an-toan-thuc-pham-de-nghi-dieu-tra-hanh-vi-dung-clip-gia-mao-bac-sy-quan-y-de-quang-cao-tpcn-d179339.html