COVID-19: Vì sao Trung Quốc lại có những ca “tái dương tính” sau khi khỏi bệnh và được xuất viện?

Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã

(Tổ Quốc) – Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nhiễm COVID-19 mới nào có liên quan đến các bệnh nhân “tái dương tính”, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng này.

Trong thời gian gần đây, một số tỉnh, thành của Trung Quốc đại lục liên tục phát hiện những trường hợp bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) sau khi được chữa khỏi và xuất viện lại có kết quả tái dương tính với loại virus này, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông).

Tính đến ngày hôm nay (5/3), tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc đã tăng lên 80.430 người, tổng số ca tử vong do dịch bệnh này tăng lên 3.013 người, Tuy nhiên, tổng số ca được xác nhận điều trị khỏi và hồi phục tại nước này cũng rất lớn – 52.208 người – theo số liệu được cập nhật liên tục trên trang thống kê worldometers.

Theo bộ tiêu chí được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ban hành, các bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 chỉ được phép xuất viện sau khi các triệu chứng bệnh lý đã thuyên giảm (hết sốt trong vòng 3 ngày, không có vấn đề về hô hấp và các thương tổn ở phổi bắt đầu hồi phục), và có 2 lần xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) liên tiếp cho ra kết quả âm tính với virus corona.

Nhiều người đã được xuất viện theo tiêu chí trên, nhưng vài ngày hoặc vài tuần sau đó, họ lại nhận được kết quả tái dương tính với virus corona.

Đầu tuần này, 2 trường hợp tại thành phố Thiên Tân – nơi có hơn 130 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận – đã phải trở lại bệnh viện sau khi nhận được kết quả tái dương tính với virus corona. Hai bệnh nhân này chỉ vừa xuất viện chưa đầy một tuần trước đó.

Thành phố Thiên Tân cũng từng phát hiện một trường hợp “tái dương tính” với virus corona sau 2 tuần xuất viện, theo SCMP.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc, các bác sĩ đã xác định rằng có đến 14% bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 tái dương tính với virus corona sau khi xuất viện. Số liệu này vừa được trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Quảng Đông công bố vào tuần trước.

Một số trường hợp tương tự cũng đã được phát hiện tại một số tỉnh, thành khác của Trung Quốc, trong đó bao gồm 2 tỉnh Giang Tô và Tứ Xuyên.

Vì sao lại có những trường hợp “tái dương tính” với virus corona?

Theo Giáo sư Jin Dong-yan, một nhà nghiên cứu virus phân tử tại trường Đại học Hồng Kông, thì những trường hợp kể trên không phải là tái nhiễm như một số người lo lắng, mà có thể là do việc xét nghiệm không được thực hiện đúng từ đầu.

Nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng đến mức độ chính xác của kết quả xét nghiệm, trong đó bao gồm chất lượng của bộ kit xét nghiệm và cách các bác sĩ lấy và lưu trữ mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân, Giáo sư Jin cho hay.

Tháng trước, ông Wang Chen, người đứng đầu học viện Khoa học Y tế Trung Quốc, cho biết chỉ có khoảng 30-50% số ca được xác nhận nhiễm COVID-19 nhận được kết quả dương tính với virus corona khi làm xét nghiệm PCR. Lí do khiến sai số lớn như vậy là bởi dịch phết họng có thể gây ra kết quả âm tính giả, theo ông Wang.

Trước tình hình này, các quan chức y tế Trung Quốc đã khuyến nghị việc kết hợp lịch sử dịch tễ, chẩn đoán lâm sàng và hình ảnh với kết quả xét nghiệm PCR đối với các trường hợp nghi nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, Giáo sư Greg Gray của trường Đại học Duke lại không đồng ý với kết luận rằng kết quả xét nghiệm sai dẫn đến các trường hợp âm tính giả.

“Tôi không nghĩ rằng chất lượng phòng thí nghiệm có vấn đề, nếu họ có kinh nghiệm thực hiện các xét nghiệm này. Kết quả âm tính giả có thể là do mẫu bệnh phẩm có mật độ virus quá thấp hoặc có chất lượng kém”, ông Gray nhận định.

Những ca “tái dương tính” có thể tiếp tục lây bệnh cho cộng đồng hay không?

Trong khi NHC cho biết đến nay cơ quan này vẫn chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nhiễm COVID-19 mới nào có liên quan đến các bệnh nhân “tái dương tính”, thì các quan chức và bác sĩ địa phương có vẻ thận trọng hơn.

“Những bệnh nhân [tái dương tính] này vẫn chưa lây bệnh cho người khác, và một số ca bệnh đã nhận được kết quả xét nghiệm âm tính sau đó”, ông Guo Yanhong, một quan chức của NHC, phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ 6 tuần trước.

Trong khi đó, ông Song Tie, Phó Giám đốc trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, không loại trừ khả năng những trường hợp “tái dương tính” có thể lây nhiễm cho người khác, dù đồng ý với phát biểu trên của ông Guo.

COVID-19: Vì sao Trung Quốc lại có những ca tái dương tính sau khi khỏi bệnh và được xuất viện? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Fox News

“Xét trên lý thuyết về kiểm soát dịch bệnh, bất cứ ai có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đều được coi là một nguồn lây nhiễm”, ông Song nói.

“Thông qua các xét nghiệm, chúng tôi thấy rằng cơ thể của các bệnh nhân trẻ tuổi có thể sản sinh kháng thể trong vòng 2 tuần. Do đó, dù họ có kết quả “tái dương tính”, thì nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng vẫn là rất thấp.

Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng một số bệnh nhân lớn tuổi cần nhiều thời gian hơn để cơ thể tự sản sinh kháng thể. Do đó, nguy cơ những người này lây lan virus cao hơn”, theo ông Guo.

Bác sĩ Zhang Zhan tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán cũng đã cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm từ những người từng được chữa khỏi nhưng lại “tái dương tính” với virus corona chủng mới.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 31/1, bác sĩ Zhang cho biết cô đã ghi nhận trường hợp người thân của một bệnh nhân từng được chữa khỏi bị nhiễm COVID-19 sau khi bệnh nhân này xuất viện được 8 ngày. Người thân của bệnh nhân không hề tiếp xúc với người ngoài kể từ sau khi bệnh nhân trở về nhà.

Làm thế nào để hạn chế số người “tái dương tính”?

Trong nghiên cứu được công bố tuần trước, bác sĩ Zhang đã đề nghị tăng số lần xét nghiệm PCR trong tiêu chuẩn cho phép bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 xuất viện.

Trong số 44 người đạt tiêu chí xuất viện của NHC, có 26 người “tái dương tính” trong lần kiểm tra thứ 3.

“Tuy nhiên tỉ lệ người “tái dương tính” trong lần xét nghiệm thứ 4 đối với những người đã vượt qua 3 lần xét nghiệm là rất thấp”, vị bác sĩ này cho biết.

Tại Thượng Hải, bên cạnh những tiêu chí của NHC, bệnh nhân còn phải xét nghiệm thêm mẫu bệnh phẩm lấy từ hậu môn.

Ông Zhang Wenhong, người đứng đầu nhóm chuyên gia giải quyết dịch COVID-19 tại Thượng Hải cho biết, đến nay thành phố này vẫn chưa phát hiện ra trường hợp nào dương tính với virus corona qua xét nghiệm bổ sung nói trên.

Giáo sư Jin cho rằng phương pháp xét nghiệm mới này sẽ hạn chế đáng kể số ca “tái dương tính” với COVID-19, cùng với đó là một xét nghiệm kháng thể đang được nghiên cứu và có thể sẵn sàng đưa vào sử dụng trong tương lai.

“Xét nghiệm [kháng thể] dễ thực hiện hơn và ít yêu cầu về kĩ thuật hơn, nên khi loại xét nghiệm này sẵn sàng sử dụng, nó sẽ là công cụ bổ trợ đắc lực cho xét nghiệm PCR”, giáo sư Jin kết luận.

Hồng Anh, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.toquoc.vn/doi-song/covid-19-vi-sao-trung-quoc-lai-co-nhung-ca-tai-duong-tinh-sau-khi-khoi-benh-va-duoc-xuat-vien-82020636037137.htm