“Tát nặng tát nhẹ đều là tát, mà tát nửa cái cũng là tát. Trong trường học còn bao nhiêu thầy, cô giáo làm việc đó nữa mà báo chí chưa biết, chưa nêu ra? Chúng ta hiện nay sử dụng giáo viên nhưng không được chọn lọc giáo viên!” – TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội nêu quan điểm.
Liên tiếp 2 vụ việc giáo viên bắt học trò tát bạn: lớp 6 – 231 cái, lớp 2 – 50 cái
Ngày 19/11, nam sinh lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nói tục trong giờ ra chơi và bị Đội Cờ đỏ ghi lại. Cô chủ nhiệm Phương Thủy phát hiện, yêu cầu 23 bạn cùng lớp tát vào má em vi phạm, mỗi người 10 cái. Học sinh phản ánh, nếu tát nhẹ thì bị cô giáo phạt ngược lại. Khi bị tát cái cuối cùng, em N. vừa khóc vừa đau, buột miệng nói “em ghét cô” thì bị cô Thủy đứng cạnh vung thêm một cái tát nữa.
Sau hôm đó, nam sinh phải vào Bệnh viện Đa khoa Dinh Mười (huyện Quảng Ninh) vì hai má sưng, tâm lý hoảng sợ. Mấy ngày sau, em N. đã trở về nhà nhưng chưa trở lại trường. Trong bản tường trình, cô chủ nhiệm giải thích muốn nam sinh tốt lên nên áp dụng hình phạt. Cô giáo đã nhận ra khuyết điểm, xin lỗi gia đình học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy. Ảnh: Người lao động.
Ngày 24/11, Phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh đã ký công văn tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy 2 tuần và lập đoàn kiểm tra xác minh vụ việc.
Sự việc chưa kịp lắng xuống, ngày 3/12, em P. – học sinh lớp 2A5 trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị bạn Đ. cùng lớp tát 20 cái dẫn đến bầm tím mặt. Sự việc bắt nguồn từ việc em P. mắc lỗi “nói bậy” và cô T. – chủ nhiệm lớp, đã yêu cầu bạn Đ. tát vào mặt bạn P. 50 cái. Tuy nhiên, sau khi bạn Đ. tát đến cái thứ 20 thì bạn P. khóc lớn và đau đớn nên cô giáo này yêu cầu dừng lại.
Trường Tiểu học Quang Trung nơi xảy ra vụ việc.
Được biết, sau khi vị phụ huynh này báo sự việc lên cô giáo chủ nhiệm và cô Hiệu trưởng thì đã nhận được lời đề nghị không công khai sự việc tới báo chí mà chỉ xử lý nội bộ. Cô T. sau đó đã bị nhà trường đình chỉ công tác giảng dạy.
Khi người ta có quyền uy, họ luôn nghĩ họ đúng
Trước vấn đề nhiều giáo viên liên tiếp bắt học trò tát bạn chỉ vì lỗi nhỏ trong trường, ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của học sinh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội).
Thưa thầy, lý do từ đâu thời gian này, bạo lực học đường từ phía giáo viên tới học sinh dù được xử lý vẫn cứ tiếp diễn?
Theo tôi, nguyên nhân gốc rễ là cách giáo dục quyền uy, áp đặt của chúng ta. Trường là nhất, thầy là nhất, luôn luôn các thầy cô giáo coi mình là đúng. Nhà trường có quyền đuổi, hạ hạnh kiểm học trò, cướp đi của các em nhiều quyền lợi. Điều này dần trở thành xu hướng không tôn trọng học trò, là trái quy luật giáo dục, vì quy luật giáo dục bao giờ cũng phải đặt người học lên trên hết và tôn trọng học sinh.
Nguyên tắc ứng xử của xã hội là chúng ta phải tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Giáo dục quyền uy tương đối phát triển nhiều năm nay mà chưa chấm dứt được. Khi người ta có quyền uy, họ luôn nghĩ họ đúng.
TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội).
Ngược lại, giáo dục mở luôn luôn khơi dậy ở người học 1 năng lực riêng tự tìm kiếm kiến thức, thầy cô chỉ dẫn dạy để học sinh phát triển tư duy, phát triển nhận thức của mình, tự trang bị kiến thức để giải quyết những vấn đề cuộc sống. Giáo dục của chúng ta bây giờ là vì điểm số, vì bằng cấp. Chúng ta hiểu sâu xa mới thấy môi trường giáo dục hiện nay chưa đúng với định hướng phát triển của nền giáo dục hiện đại.
Nguyên nhân trực tiếp là các thầy cô trong quá trình đào tạo tại trường sư phạm không hướng đến việc nâng cao năng lực phẩm chất, “tay nghề” nhà giáo. Ví như năng lực ứng xử sư phạm nhiều thầy cô không có. Họ không biết lắng nghe, khích lệ học sinh.
Ví dụ cô giáo nghe một học sinh nói tục, chửi bậy. Cô không có phản xạ đưa ra cho mình một yêu cầu làm sao giúp học sinh có kỷ luật, trái lại, cô chỉ sốt ruột mỗi điểm thi đua, không hoàn thành nhiệm vụ, do đó nổi “sung” bắt học trò tát bạn. Nếu quan điểm vì người học thì cô phải suy nghĩ để tìm hiểu đưa ra cách xử lý đúng đắn.
Thực sự mỗi giáo viên không phải là thợ dạy, không chỉ dạy và phê học bạ, giáo viên phải là những nhà giáo dục, phải tiếp xúc với con người và tìm ra những cách phát triển con người hiệu quả nhất. Nghề nào cũng có áp lực. Mỗi một nghề đòi hỏi sự khác nhau và cách thể hiện trách nhiệm cao, chứ không thể nói mỗi nghề giáo áp lực mà nghề khác thì không. Thầy cô giáo nhiều khi mang quan điểm cũ của mình áp đặt cho thế hệ học sinh mới, điều này là không đúng!
“Thầy cô giáo nhiều khi mang quan điểm cũ của mình áp đặt cho thế hệ học sinh mới, điều này là không đúng!”
Khi có những xung đột, giáo viên phải ứng xử như nào thì được xem là đúng chuẩn mực?
Phải thấy vai trò của giáo viên đích thị là “thần tượng” của học trò, dạy học không phải bằng kiến thức mà phải giáo dục bằng chính nhân cách của mình. Nhân cách của thầy là công cụ dạy học, chứ không phải chỉ mặc quần áo đẹp lên cười tươi với học trò.
Nghề giáo dục của chúng ta phải làm sao thân thiện, gần gũi, khích lệ được học trò, phải nhận biết từng đứa trong hoàn cảnh khác nhau thì sẽ có những ứng xử khác nhau. Mỗi học sinh có một cá tính, giáo viên phải tìm cách giúp đỡ từng em, chứ không phải dẹp loạn bằng mắng mỏ, chửi bới, để học sinh hiểu, từ đó nó thay đổi.
Tất cả việc nổi sung đánh học trò đều không thành công vì chúng nó để ngoài tai, thậm chí là trêu lại thầy. Tôi cho là giáo viên chưa nhận thức được việc tự rèn luyện, chưa có tâm lý bình tĩnh. Tôi luôn nhắc giáo viên của mình, khi nào mất bình tĩnh thì hít thở sâu, nuốt nước bọt đi, để đủ thời gian suy nghĩ: vấn đề này mình nên ứng xử thế nào? Nếu chưa ra cách thì cho học sinh “nợ”, hôm sau thầy trò thân thiện ngồi trao đổi với nhau.
Nếu học sinh hư, không nghe lời, tôi nói thẳng: “Thầy đuổi em là dễ, không có gì khó, nhưng cái chính là làm sao chúng ta thay đổi được nhau”. Vì tôi nắm được hoàn cảnh của học sinh để nêu vấn đề, vai trò của em đó. Cứ khích lệ vai trò trong con người học sinh, các em tự khắc thay đổi. Cái nghề dạy học của chúng ta rất tinh tế, đòi hỏi sự lao động của nhà giáo rất lớn.
Theo thầy, việc sai học sinh tát bạn ảnh hưởng như nào tới tâm lý của các em, cả em bị tát và em bị bắt phải tát bạn?
Với em được “uỷ quyền” tát bạn, luôn có 2 trạng thái. Thứ nhất là nó thương bạn, không muốn đánh nhưng vì cô yêu cầu. Trong thâm tâm nó biết là sai hay đúng, nhưng vì áp lực của cô giáo nên nó phải đánh. Đấy là những đứa tốt! Tuy nhiên, vẫn sẽ có một bộ phận học sinh coi việc tát bạn là “chân lý”, giải quyết tất cả những vấn đề của xã hội bằng bạo lực. Như vậy, cô đã gieo một cái nhân rất nguy hiểm trong xã hội, hình thành những tính cách xấu bên trong học sinh. Chúng ta chống bạo lực trong nhà trường là như thế, phải tạo sự yên bình, tạo ra phẩm cách.
Với học sinh bị đánh, nếu em ấy có đủ sức khoẻ, đủ ý chí, đủ nghị lực thì em coi như là một tai nạn, một bài học để tự rút ra kinh nghiệm ứng xử riêng. Nhưng nếu học sinh yếu ớt, thần kinh không vững vàng, em sẽ bị trầm cảm, sợ sệt, thiếu niềm tin. Có rất nhiều trường hợp học sinh cấp 1 bị bạn bè đánh dẫn đến trầm cảm, thay đổi tính nết từ đứa trẻ hồn nhiên bỗng trở nên sợ sệt, lúc nào cũng phải né tránh. Chúng ta cần những học sinh tự tin, dám đương đầu với nghịch cảnh cuộc sống, chứ đâu phải một thế hệ trầm cảm, sợ hãi.
Một việc làm tưởng chừng vô hại nhưng thực sự hại rất lớn.
Giáo viên đánh học trò thì trường còn đòi xếp hạng chuẩn gì nữa!
Dưới góc độ nhà giáo, thầy có thể giải thích vì sao lại xuất hiện “phiếu khảo sát” như một bản “hỏi cung” học sinh sau vụ 231 cái tát? Những người thầy, người cô mong muốn gì trong một kết quả từ bản khảo sát đó?
Có trường sau sự việc đã đi lấy phiếu khảo sát học sinh. Thực ra đó chỉ là cái cớ để làm nhẹ tội cho mình, để chối tội chứ không phải tìm hiểu, phân tích tình hình. Học sinh bị thương, sưng mặt, mà còn thời gian phân biệt mấy chục đứa tát nặng, mấy chục đứa tát nhẹ. Tát nặng tát nhẹ đều là tát, mà tát nửa cái cũng là tát. Đáng nhẽ thay vào việc đó, quan điểm của tôi, là nhà trường phải tổ chức giáo viên học tập, rút kinh nghiệm về việc ứng xử của của giáo viên. Trong trường học còn bao nhiêu thầy, cô giáo làm việc đó nữa mà báo chí chưa biết, chưa nêu ra?
Cô giáo phải tự kiểm điểm, tự đánh giá, rút ra bài học, chứ đừng như cô hiệu trưởng, mặc cả với báo chí, không thông tin chỉ để trường đạt chuẩn loại 2. Cái cao nhất trong nhà trường là mang lại sự hạnh phúc cho học trò, mang lại sự phát triển cho một đứa trẻ khi đến trường, chứ không phải trường chuẩn quốc gia. Đấy không phải mục tiêu của giáo dục, mà chỉ là là điều kiện của giáo dục. Chúng ta hiện nay sử dụng giáo viên nhưng không được chọn lọc giáo viên. Giáo viên đánh học trò thì trường còn đòi xếp hạng chuẩn gì nữa!
Quan điểm của tôi là trước hết cô giáo phải xin lỗi học trò. Việc xin lỗi chỉ làm nhân cách của thầy cô giáo lớn hơn, chứ không làm thấp nó đi.
Liệu đã đến lúc chúng ta nên dạy học sinh tư duy phản biện, học cách nói “không” với những chỉ thị đi ngược với niềm tin đúng đắn từ trước đến nay của các em?
Tôi đồng ý, học trò phải hiểu nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân, có tư cách đấu tranh bảo vệ quyền lợi, chứ không phải khoanh tay ngồi nghe. Học sinh được phép từ chối làm những việc các em thấy không đúng, chứ không phải nhà trường cái gì cũng nhất.
Xin cảm ơn TS. Nguyễn Tùng Lâm về buổi trò chuyện ngày hôm nay!