Một trong những vướng mắc, bất cập khiến công tác giải quyết cán bộ, công chức (CBCC) dôi dư cấp xã sau thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) còn nhiều khó khăn là do cơ chế tài chính hiện hành chưa thực sự phù hợp và chưa đủ mạnh để khuyến khích, hỗ trợ thỏa đáng cho CBCC dôi dư nghỉ việc ổn định đời sống, tạo việc làm mới. Do đó, cần có sự điều chỉnh chính sách hỗ trợ thỏa đáng cũng như đồng bộ các giải pháp trong triển khai thực hiện sắp xếp CBCC dôi dư. Giai đoạn 2023 – 2030, cả nước tiếp tục thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã theo Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị (Kết luận 48).
Chính sách chưa đủ khuyến khích
Là một trong bốn CBCC tự nguyện về hưu trước tuổi khi địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC, ông Trần Thanh Thưởng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng bằng lòng với quyết định này.
“Là cán bộ, đảng viên, tôi ý thức được việc bố trí, sắp xếp đội ngũ CBCC dôi dư có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công của việc sắp xếp ĐVHC cấp xã. Do đó, khi được sự tuyên truyền, vận động của Ban Thường vụ Huyện ủy, tôi đã tự nguyện làm đơn xin về hưu trước tuổi”, ông Thưởng chia sẻ.
Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính cấp xã giúp Phong Bình tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc phát triển KT – XH -Ảnh: T.T
Cũng theo ông Thưởng, ngoài chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, những người nghỉ hưu trước tuổi như ông được HĐND huyện hỗ trợ thêm 3 tháng lương. Tuy nhiên, nhiều người vẫn “tâm tư” và mong muốn nhà nước, tỉnh có chính sách hỗ trợ thỏa đáng hơn để họ có điều kiện tạo việc làm mới.
Bằng nguồn ngân sách của huyện, từ năm 2020 – 2022, Hải Lăng đã hỗ trợ hơn 258 triệu đồng cho 10 người trong diện sắp xếp CBCC dôi dư. Đây là một nỗ lực không nhỏ của huyện Hải Lăng nhằm góp phần động viên kịp thời những CBCC tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi cũng như chủ động thôi việc.
Năm 2020, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 49/2020/NQ-HĐND (Nghị quyết 49) quy định chính sách hỗ trợ đối với CBCC cấp xã thôi việc hoặc bố trí lại chức danh người hoạt động không chuyên trách do dôi dư khi sắp xếp tổ chức, bộ máy trên địa bàn tỉnh. Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 49 của HĐND tỉnh là 6 tháng tiền lương hiện hưởng và đối tượng hỗ trợ chỉ là CBCC thôi việc ngay hoặc bố trí lại người hoạt động không chuyên trách cấp xã, còn đối với CBCC nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/2014/NĐCP của Chính phủ chưa được hỗ trợ.
Qua hai năm thực hiện chính sách, số người thôi việc được hưởng trợ cấp trên toàn tỉnh là 29 người với tổng kinh phí hỗ trợ đã chi trả là 855 triệu đồng. Chế độ hỗ trợ nhìn chung vẫn còn thấp, chưa đủ khuyến khích, động viên CBCC dôi dư tự nguyện nghỉ hưu sớm hay chủ động thôi việc. Vì vậy thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố đều kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích CBCC thực hiện việc tinh giản biên chế, giải quyết dôi dư CBCC cấp xã.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết: “Vĩnh Linh hiện còn 20 CBCC dôi dư phải giải quyết cho đến năm 2024, tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã theo Kết luận 48, theo lộ trình cuối năm 2024 là sáp nhập thêm 2 xã, giai đoạn 2026 – 2030 có thêm 2 xã tiếp tục thực hiện sắp xếp bộ máy hành chính. Nếu không có các chính sách hỗ trợ hợp lý thì việc giải quyết CBCC dôi dư sẽ thêm nhiều khó khăn”.
Xây dựng chính sách hợp lý hơn cho CBCC dôi dư
Với những điểm còn bất cập của Nghị quyết 49, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VIII đã thông qua Nghị quyết số 88/2022/ NQ-HĐND ngày 9/12/2022 về “Quy định chính sách hỗ trợ đối với CBCC xã, thị trấn nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay vì dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” (Nghị quyết 88) thay thế cho Nghị quyết 49.
Nghị quyết được xây dựng với các chính sách hỗ trợ cụ thể: “Mỗi CBCC xã, thị trấn nghỉ hưu trước tuổi ngoài chính sách hiện nay của Chính phủ quy định thì cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được hỗ trợ 1/2 tháng tiền lương và phụ cấp hiện hưởng. Mỗi CBCC xã, thị trấn thôi việc ngay ngoài chính sách hiện nay của Chính phủ quy định thì cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được hỗ trợ 1 tháng tiền lương và phụ cấp hiện hưởng, mức hỗ trợ thấp nhất là 6 tháng tiền lương và phụ cấp hiện hưởng”.
Nghị quyết 88 được ban hành kịp thời có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ tối đa cho việc giải quyết số CBCC dôi dư cấp xã còn lại theo lộ trình đến năm 2024 cũng như việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030 theo Kết luận 48. Như vậy, trong giai đoạn 2023 – 2030, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp bộ máy hành chính và sẽ có thêm một lượng CBCC dôi dư khá lớn.
Bộ Nội vụ hiện đang lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 và Nghị định số 143/2020/ NĐ-CP ngày 10/12/2020 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, trong đó đề xuất một số quy định mới đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập huyện, xã tự nguyện tinh giản biên chế.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất lựa chọn phương án cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết CBCC, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1,8 triệu đồng (bằng 1 tháng lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2023).
Riêng đối tượng có số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP thấp hơn so với lộ trình giải quyết CBCCVC dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu nêu trên.
Đây được coi là giải pháp căn cơ nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với CBCCVC dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nghỉ ngay theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả việc sắp xếp CBCC dôi dư cấp xã theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là mỗi năm UBND các huyện có CBCC cấp xã dôi dư phải giải quyết ít nhất 30% số lượng CBCC dôi dư thì cần triển khai đồng bộ các giải pháp.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Hữu Anh cho biết: “Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động CBCC cấp xã, đặc biệt tuyên truyền về chính sách mới của trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giải quyết dôi dư CBCC cấp xã để họ tự giác thực hiện tinh giản biên chế. Điều động CBCC từ nơi thừa sang nơi thiếu trong nội bộ huyện, thị xã, thành phố và từ địa phương này sang địa phương khác.
Tuyển dụng, luân chuyển CBCC cấp xã lên công tác tại cấp huyện, cấp tỉnh. Hạn chế việc bầu cử và tuyển dụng mới CBCC cấp xã, khi thiếu CBCC thì bầu cử, tuyển dụng những người đang là CBCC vào chức danh đang thiếu để giải quyết dôi dư. Chỉ tuyển dụng, bầu cử mới những chức danh mà đội ngũ CBCC hiện tại không đáp ứng được tiêu chuẩn”.
Thanh Trúc
Nguồn Báo Quảng Trị: https://baoquangtri.vn/chinh-tri/sap-xep-can-bo-cong-chuc-doi-du-cap-xa-thau-tinh-dat-ly-bai-2-giai-quyet-che-do-thoa-dang-cho-can-bo-cong-chuc-doi-du/175450.htm