Rượu bia và những dòng chảy biến tướng
Sử dụng rượu là một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu đời. Rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đình đám. Rượu gắn với bạn hiền, vần thơ và cả những lời thề ước. Nếu như “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì “chén rượu là đầu cuộc vui”. Đôi khi “nâng chén tiêu sầu”, rượu giúp con người vơi đi nỗi buồn, nỗi đau trong cuộc sống. Tuy nhiên, câu chuyện uống rượu bia như thế nào, uống vào thời điểm nào, uống ra làm sao… dường như vẫn chưa được nhiều người quan tâm.
Nhiều sách viết rượu có trước thời Hùng Vương, được làm từ gạo. Hầu hết các sách đều thống nhất trong việc rượu được dùng vào việc tế lễ. Câu “Vô tửu bất thành lễ” (không có rượu không thành lễ) xuất hiện trong văn hóa Đại Việt có lẽ từ thời Nho giáo đã hưng thịnh.
Có thể xuất phát từ tính chưng cất của rượu chiết xuất từ gạo kết hợp với thứ men lá đặc biệt. Mà gạo ngày xưa rất quý, gọi đó là “ngọc thực” nên dần dần qua tiếp biến văn hóa, rượu được coi là linh hồn của trời đất, vũ trụ, xứng đáng làm sứ giả để “nối” các vị thần thánh siêu nhiên với con người trần tục. Trước hết là để cúng ông bà, tổ tiên: “Rượu ngon chắt để bàn thờ…”. Rượu thể hiện tấm lòng thành của con cháu trong sáng, thảo thơm (như rượu) mong muốn tổ tiên thưởng thức thứ lễ vật tinh túy của trời đất mà phù hộ độ trì cho con cháu.
Và thế rồi, rượu không thể thiếu trong chuyện cưới hỏi. Rượu không thể thiếu trong ngày Tết. Là thứ để con người gần gũi hơn, vui vẻ, nồng nàn hơn. Là thứ thiêng liêng, dân dã mà sang trọng, rượu không thể thiếu với giới tao nhân mặc khách. Với người quân tử thì phải sành “Cầm, kỳ, thi, họa/tửu”, cùng “bầu rượu, túi thơ” để “Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc” (Nguyễn Công Trứ). Hình tượng “bầu rượu” là có thật, rượu được rót vào vỏ quả bầu khô nhỏ, rất tiện cho việc đeo/mang trên người.
Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: Văn hóa uống rượu bia tại Việt Nam nay đã khác xưa. Nếu như thời xưa rượu bia là để thưởng thức thì nay trở nên thái quá, tạo nên một trào lưu, một nét xấu trong văn hóa người Việt.
Quy tắc uống rượu xưa là “tam tước bất thức”, tức là uống 3 chén là đủ. Uống hết 3 chén là tự giác bỏ chén xuống, rút lui khỏi bàn tiệc để không bị loạn tính… Người xưa luôn làm chủ được bản thân, mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc vui nhất cũng vẫn phải tỉnh táo, thủ lễ, không đánh mất bản thân.
Nếu như trước kia rượu là để đàm đạo, hội ngộ người tri kỷ và không mượn rượu một cách tùy tiện thì ngày nay mọi người có đủ lý do để uống rượu như gặp đối tác, giải tỏa tâm trạng, thi uống rượu bia. Và cách uống rượu cũng thay đổi: Uống để thể hiện bản thân, uống không kiểm soát được bản thân, uống quá nhiều, không từ chối và thậm chí bị… ép. Điều này thể hiện qua những câu xuyên tạc.
Người xưa nói: Rượu bất khả ép. Nay ta thêm câu: Ép bất khả từ; để thấy sự lệch lạc của văn hóa uống rượu bia. Ngày xưa uống rượu chỉ nhấp vào môi, giờ thì đổ thẳng rượu vào miệng.
Có thể nói, bia rượu là những thứ đồ uống vốn được dùng trong những dịp vui, nay lại trở thành ngọn nguồn của vô số những câu chuyện không vui như: Ép không uống thì mất lòng, tự ái; uống quá chén, say xỉn, mất tự chủ, dẫn đến bạo lực, tai nạn giao thông…
TS Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, ngày nay không còn nhiều người thấy uống rượu bia là “văn hóa”, mà có lẽ chỉ là số ít, số ít này muốn cổ súy bảo vệ cho một sản phẩm gây bệnh tật và những hệ lụy kinh tế, xã hội nặng nề. Ngay cả những thứ được coi là tập tục, văn hóa thậm chí rất lâu đời, nhưng không còn phù hợp với hiện tại thì cũng cần phải thay đổi hoặc bỏ. Với một đất nước mà đi đâu cũng thấy người uống bia rượu và say xỉn thì chúng ta cần phải xem lại!
Thật khó để tự hào về “thành tích” uống rượu bia đứng đầu. Không nên ngụy biện bằng cái gọi là “người uống có trách nhiệm” hay cổ súy nó bằng thứ gọi là “văn hóa uống”. Việc dùng nhiều lý lẽ và mỹ từ để bảo vệ thì đó là sự vô cảm.
Chuyện vui buồn “ngoài hành tinh” cũng… cụng!
Không ít người nước ngoài bày tỏ: “Châu Âu nói chung hay người Anh nói riêng cũng thường uống rượu bia trong những dịp gặp mặt, hội hè… nhưng cách chúng tôi uống rất khác người Việt. Chúng tôi uống với tốc độ rất chậm, chủ yếu để cảm nhận hương vị và đặc tính của từng loại, hoặc cùng nhau uống vài ly nhỏ để trò chuyện xã giao những khi rảnh rỗi. Còn ở Việt Nam, tôi thấy nhiều người uống bia rượu để thể hiện đẳng cấp, phong độ.
Cụ thể, tôi từng gặp nhiều trường hợp người Việt mới “vào cuộc” đã liên tiếp uống cạn nhiều ly. Tôi có một người bạn có thể uống đến 50 ly bia cùng lúc và anh ta rất tự hào về việc này! Điều đáng nói là hành động vô nghĩa này lại dễ khiến bạn bè trong bàn bắt chước và “tăng tốc” đuổi theo, vì đơn giản nghĩ rằng “cho vui” hoặc do cả nể. Và chỉ trong chốc lát, mọi người đều chóng say xỉn mà quên mất họ phải tự chạy xe về nhà. Chưa nói đến vấn đề sức khỏe của bản thân, người say xỉn khi lưu thông trên đường phố rất dễ gây ra tai nạn giao thông.
Tôi nghĩ rượu bia ở Việt Nam đang được bán với giá quá rẻ nên ai cũng có thể lạm dụng. Ở Anh, chất cồn nói chung bị đánh thuế rất cao và người mua phải chứng minh bản thân trên 18 tuổi thì mới được bán (ở Mỹ là 21 tuổi). Tôi nghĩ Việt Nam nên có những quy định nghiêm khắc tương tự”.
Người Việt uống rượu bia nhiều, ngoài việc giá bia rẻ còn do mọi người đã quá dễ dãi với bản thân. Uống rượu bia không xấu, nhưng đừng lạm dụng nó quá nhiều, dịp gì cũng uống và uống như chưa bao giờ được uống, uống mà thách đố nhau, ép nhau uống là hại nhau và hại chính bản thân mình.
Trong khi thực tế người Việt bên bàn nhậu luôn có câu: “Mày không uống là mày khinh anh”… Việc ép uống, tự hào về tửu lượng như một thứ văn hóa “biến thái” có thể nói là phổ biến trong đời sống. Câu nói vừa mang tính thách đố nhưng cũng như là yêu cầu, mệnh lệnh của người ép đối với người khác phải biết xem trọng mình.
Trong bàn nhậu đủ vô vàn lý do để uống thêm một cốc nữa như mừng thằng bạn mới đến, chuyện vui buồn thế giới hay ngoài hành tinh cũng cụng. Thậm chí là để mừng anh em ta gặp mặt đông đủ sau bữa nhậu hôm kia, rồi còn làm thêm lon nữa vì cùng cán kỷ lục mỗi thằng một két… Không chỉ ở các bàn nhậu mà ngay các bữa tiệc cưới hỏi, ma chay hay kể cả mừng thọ, sinh nhật đứa đứa bé một vài tuổi cũng là cảnh “thúc” nhau uống bia, uống rượu.
Sẽ không từ điển nào có thể liệt kê được hết lý do để uống thêm một ly mà các bợm nhậu đưa ra.
Giá trị của không ít người trong mối quan hệ đó chỉ nằm ở cốc bia, ly rượu. Thế nên cũng không khó hiểu, khi nguyện vọng “không được khinh anh” không được đáp ứng, có người đùng đùng chửi bới, cạch mặt nhau hay đẩu đả, thậm chí giết người chỉ vì ép uống, “mày khinh anh”. Đã có vô số vụ việc đâm chết, giết người xảy ra ở bàn nhậu, giữa bạn nhậu mà trong đó có lý do như mời không uống, không mời anh, chú khinh anh… Và hậu quả của “chú khinh anh” ấy, rất có thể là những bi kịch kinh hoàng, hủy hoại bao gia đình, bao cuộc đời, số phận. Lúc đó “anh” ở đâu?
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội bày tỏ: Đừng để “ma men” hủy diệt cuộc đời của chúng ta. Hãy nghĩ đến các con, cháu của mình để tỉnh táo và sáng suốt. Hãy từ chối uống rượu bia nếu bạn lái xe. Hãy từ chối uống rượu bia nếu bạn ko biết uống hoặc không biết kiềm chế hành vi và lời nói của mình.
Xin một lần đặt mình vào hoàn cảnh của những gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành, hay thử một lần lắng nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng, con mất cha do bia rượu gây ra… hẳn sẽ có sự sẻ chia nỗi đau thương với những người ở lại.
Văn hóa sử dụng rượu bia nghĩa là sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, có chừng mực, đúng thời điểm, đúng đối tượng. Như vậy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia chỉ góp phần định hướng cho việc sử dụng rượu, bia văn minh hơn.
“Tôi nghĩ, đến lúc nào đó con người sống đủ hiểu biết văn minh, “con sâu rượu” sẽ dần bị loại bỏ, thì người nhận được lời mời từ “con sâu rượu” dũng cảm từ chối” – TS Chức nhấn mạnh. Câu chuyện ở đây có liên quan đến chuyện nêu gương. Việc ép nhau uống rượu thêm là không phù hợp với xã hội hiện đại, nếu có người ép uống thì có thể từ chối khéo. Lúc đó người mời có thể không hài lòng nhưng sau đó nghĩ lại thấy họ đúng, tự cảm thấy hành vi ép rượu của mình là sai.
Và thực tế, bản lĩnh của người đàn ông không phải là bao nhiêu chén rượu, cũng như thứ họ uống là rượu gì, đắt đỏ hay “quốc lủi”. Mà bản lĩnh chính là sự đúng mực, biết từ chối và có điểm dừng. Để đến với chén rượu thực sự là để vui, chứ không phải để góp phần vào con số kỷ lục về rượu bia, một kỷ lục không thể tự hào.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Bệnh viện Việt Đức:
Bệnh nhân đến viện vì tai nạn giao thông đều đã rất nghiêm trọng
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận cấp cứu trên 300 bệnh nhân đủ các loại về tai nạn thương tích, riêng tai nạn giao thông thời gian đỉnh điểm lên tới 150 ca/ngày. Đáng nói, những bệnh nhân tai nạn giao thông tới Bệnh viện Việt Đức thường trong tình trạng nghiêm trọng, bị chấn thương sọ não, nguy cơ tử vong cao chiếm tới 1/3, số còn lại nếu sống phải chịu cảnh tàn tật, là gánh nặng cho gia đình, xã hội…
Miên Thảo (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/doi-song/chu-khong-uong-la-khinh-anh-d184041.html