Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa chia sẻ ca bệnh đột quỵ tắc mạch não do ngưng thuốc chống đông ở bệnh nhân van tim cơ học. Ca cấp cứu diễn ra thành công nhưng điều đáng quan tâm là trước đó, bệnh nhân này đã tự ý bỏ thuốc bác sĩ kê đơn và tự ý chữa theo phương pháp lạ.
Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cấp cứu thành công một trường hợp đột quỵ tắc mạch não do tự ý bỏ thuốc bác sĩ kê đơn và về nhà chữa theo một giáo phái lạ. Theo đó, bệnh nhân tên Nguyễn Thị M. (69 tuổi) có tiền sử rung nhĩ, thay van hai lá cơ học 5 năm, đang điều trị bằng thuốc chống đông đường uống.
Thông tin chia sẻ từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Nguyên văn bài chia sẻ từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:
“CẤP CỨU THÀNH CÔNG CA BỆNH BỊ ĐỘT QUỴ NÃO VÌ TIN LỜI “TẬP LUYỆN GIÁO PHÁI LẠ”
**************************
Bệnh nhân Nguyễn Thị M (69 tuổi) bỏ thuốc vì tin rằng “tập cái này (giáo phái lạ) thì không cần dùng bất cứ loại thuốc nào”, kết quả bệnh nhân phải nhập viện gấp với chẩn đoán là đột quỵ tắc mạch não do ngưng thuốc chống đông ở bệnh nhân van tim cơ học.
BS. Phạm Văn Cường – Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Ngày 19/6/2019 kíp trực cấp cứu bệnh viện TWQĐ 108 đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị M, tiền sử rung nhĩ, thay van hai lá cơ học 05 năm, đang điều trị thuốc chống đông đường uống. Trao đổi với bác sỹ, bệnh nhân đã theo học “giáo phái lạ” 3 tháng nay và bỏ thuốc khoảng 1 tuần nay vì tin rằng “tập cái này thì không cần dùng bất cứ loại thuốc nào”. Bệnh nhân vào viện giờ thứ 2 trong tình trạng lơ mơ, liệt hoàn toàn nửa người phải, rối loạn ngôn ngữ hỗn hợp, chụp cắt lớp vi tính dựng mạch máu não phát hiện tắc động mạch não giữa bên trái. Nhanh chóng các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện TWQĐ 108 đã chẩn đoán đây là một trường hợp nhồi máu não cấp do huyết khối từ tim trong thời gian cửa sổ 3 giờ đầu, bệnh nhân đã được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (rTPA), với thời gian cửa – kim (thời gian từ khi bệnh nhân nhập viện đến khi hoàn tất chiếu chụp chẩn đoán và bắt đầu dùng thuốc liều Bolus) là 44 phút – trong khi thời gian tiêu chuẩn với trung tâm đột quỵ chất lượng vàng của Hội đột quỵ Châu Âu là 60 phút. Sau đó bệnh nhân được tiếp tục điều trị “bắc cầu”, can thiệp tái thông mạch bằng dụng cụ cơ học. Sau can thiệp bệnh nhân phục hồi tốt, tỉnh dần, nói được, hiểu lời, nửa người phải vận động tốt.
Đây là một trường hợp bệnh nhân đột quỵ tắc mạch não do việc ngưng thuốc chống đông ở bệnh nhân van tim cơ học. Việc ngưng thuốc chống đông có thể dẫn đến hiện tượng kẹt van tim gây đột tử hoặc đột quỵ não tắc mạch do cục máu đông hình thành từ tim di chuyển lên não. Bệnh nhân may mắn do sau đột quỵ được đưa sớm đến cơ sở y tế có đầy đủ các trang thiết bị phương tiện cấp cứu và điều trị, nếu không được cấp cứu sớm bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật nặng nề. Bệnh viện TWQĐ 108 là một trong những đơn vị đầu ngành về cấp cứu và điều trị đột quỵ, Bệnh viện có Nhóm Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa Cấp cứu – Chẩn đoán hình ảnh – Đột quỵ – Can thiệp – Phẫu thuật. Đây cũng là một trong ba trung tâm đột quỵ đầu tiên trong cả nước nhận chứng nhận “Trung tâm đột quỵ chất lượng vàng” của Hội đột quỵ Châu Âu.
Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị M. cũng cho thấy, người dân không nên tin tưởng các phương pháp tập luyện, điều trị bệnh không có cơ sở khoa học. Rèn luyện sức khỏe là cần thiết nhưng cần có sự tư vấn của các nhà chuyên môn, nhân viên y tế. Khi có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sức khỏe không ổn, người dân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.”
Từ trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị M., chúng ta cần nâng cao nhận thức rõ hơn về tình trạng đột quỵ não. Bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, chỉ xếp sau các bệnh lý về tim mạch. Đa phần, các bệnh nhân bị đột quỵ não bởi nhồi máu não thường bắt nguồn từ nguyên nhân tắc động mạch não.
Về bản chất, những cơn nhồi máu não do tắc động mạch não xuất phát từ việc giảm đột ngột lượng máu lên não, có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu do có cục máu đông, từ đó làm tế bào não không được nuôi dưỡng, giảm oxy đột ngột. Quá trình này nếu diễn ra quá lâu sẽ làm tổn thương tế bào não, thậm chí còn gây chết tế bào và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như đột ngột liệt một bên tay chân, nói ngọng, nói khó, không nói được, không thể nhận biết được bản thân cũng như người xung quanh.
Theo Tổ chức Đột quỵ Châu Âu (ESO), cứ mỗi 30 phút trôi qua lại có một ca bệnh nhân đột quỵ đáng lẽ có thể được cứu sống nhưng lại phải chết hoặc tàn phế vĩnh viễn vì không được phát hiện kịp thời. Trên thực tế, đột quỵ não cũng là một căn bệnh đang ngày càng trẻ hóa nên việc nhận biết để kịp thời chữa trị sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ gặp phải những hậu quả không mong muốn.
Một vài dấu hiệu giúp bạn nhận biết cơn đột quỵ não sắp diễn ra:
– Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt.
– Cử động khó, chân tay tê liệt một bên.
– Không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.
– Khó phát âm, nói không rõ chữ, nói ngọng bất thường.
– Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột.
– Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ.
– Đau đầu dữ dội, buồn nôn hoặc nôn.
Khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có các triệu chứng kể trên, bạn nên nhanh chóng đưa họ tới bệnh viện để kiểm tra, tránh dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Source (Nguồn tham khảo): Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Webmd, Mayoclinic