Mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 3.200 – 3.500 USD vào năm 2020 là khó khả thi.
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã có giải trình, đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội tại Nghị trường chiều nay, 27/10.
Theo Bộ trưởng, nền kinh tế đang phải đối mặt với 5 thách thức lớn, bao gồm chiền tranh thương mại, giá dầu, biến động tiền tệ, thách thức biến đổi khí hậu và khoảng cách phát triển.
Trước những diễn biến đó, trong nước, tuy tình hình chung cơ bản thuận lợi, phát triển theo đúng định hướng, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định nhưng vẫn còn nhiều mặt vấn đề phải bàn đến.
Đơn cử như thực trạng của GDP bình quân đầu người. Hiện GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt 2.540 USD, trong khi mục tiêu đến năm 2020 phải đạt từ 3.200 – 3.500 USD.
“Mỗi năm chúng ta chỉ tăng 150 USD, 2 năm còn lại như vậy cần tăng 800 – 1.000 USD. Điều này là rất khó. Nhưng nếu không đạt được, khoảng cách tụt hậu sẽ kéo xa hơn”, Bộ trưởng nói.
Một vấn đề khác được Bộ trưởng đề cập đến là việc đất nước tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Ông nhấn mạnh cần có sự chuẩn bị tốt, nếu không chúng ta sẽ là người thua thiệt.
Bộ trưởng cho biết các kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô đã được xây dựng từ nay đến năm 2020 để nhận diện và có phương án đối phó kịp thời. Việt Nam theo đó một mặt cần khắc phục hạn chế của nền kinh tế, một mặt phải duy trì, củng cố vị thế đã đạt được.
Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng cần phải thực hiện nhanh hơn nữa vấn đề tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng… đưa nền kinh tế tiếp tục đà tăng nhanh và bền vững, tránh bị tụt lại phía sau.
Hiện nay, sau 3 năm tái cơ cấu, Bộ trưởng đánh giá có 2 kết quả lạc quan. Thứ nhất là nền kinh tế đã đi đúng hướng. Thứ hai là thu về được các chuyển biến nổi bật, đặc biệt là nông nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ trường nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, việc triển khai còn chậm, chưa tạo được sự thay đổi rõ nét trong nền kinh tế.
“Trong thời gian tới, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, của toàn hệ thống chính trị. Chúng ta phải quyết liệt hơn”, ông nhấn mạnh.