Một nhân viên y tế nằm nghỉ ngay trên ghế cạnh bệnh nhân ở một bệnh viện tại Vũ Hán ngày 23/1/2020. Ảnh: AP.
Tại chiến tuyến ở các bệnh viện tại Vũ Hán, bác sĩ và y tá nói rằng họ làm việc quá tải, thiếu nguồn cung vật dụng y tế, trong khi các bệnh nhân thì hoảng loạn.
Bệnh nhân hoảng loạn
Ngày 26/1, Shi Muying, vừa trở về từ Anh để ăn Tết với gia đình bắt đầu bị sốt. Cô đi đến phòng khám của bệnh viện để xét nghiệm. Tại đó, cô thấy khoảng hơn 20 người, tất cả đang chờ được xét nghiệm.
Shi được thực hiện 3 xét nghiệm – xét nghiệm dịch để loại trừ bệnh cúm, chụp CT để so sánh phổi của cô với những bệnh nhân bị nhiễm bệnh và xét nghiệm máu. Sau 9 giờ xét nghiệm và chờ kết quả, bác sĩ nói với cô rằng cô bị nhiễm virus Coronavirus, nhưng vì vị bác sĩ này không thể cho cô xét nghiệm lần thứ 4, cũng là lần xác nhận, cô chỉ có thể được coi là bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona. Người cha 67 tuổi của Shi cũng ở trong hoàn cảnh tương tự.
Shi gọi điện đến các bệnh viện khắp Vũ Hán, cố gắng để được thực hiện xét nghiệm xác nhận. Nhưng cho đến nay, Shi và cha cô không được tính vào số liệu thống kê chính thức của những người bị nhiễm bệnh. John Nicholls, giáo sư về bệnh lý tại Đại học Hồng Kông (HKU), cho biết không có gì ngạc nhiên khi Shi có thể bị nhiễm virus trong bệnh viện.
Trung Quốc đã thực hiện các bước chưa từng có để chống lại sự bùng phát virus Corona bao gồm phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, nơi có 60 triệu người sinh sống. Một bác sĩ tại bệnh viện Vũ Hán cho biết ông đã không ở nhà trong 2 tuần và ngay trong ca làm việc nửa đêm gần đây, đã có 150 bệnh nhân xếp hàng tại phòng khám ngoại trú. Các bác sĩ thường xuyên phải làm ít nhất 15 – 16 tiếng/ngày và chỉ có thể nghỉ ngơi trong 1 – 2 tiếng.
Tất cả các bệnh nhân đều lo lắng. Một số người trở nên tuyệt vọng sau khi chờ đợi hàng giờ trong cái lạnh, ông nói.
Bệnh viện quá tải, y tá cảm thấy bất lực
Ngoài bệnh dịch lây lan, một trong những lo ngại của các bác sĩ là việc bị bệnh nhân hoặc người nhà tấn công bạo lực. Hôm thứ Tư, hai bác sĩ tại Bệnh viện số 4 ở Vũ Hán đã bị một người nhà bệnh nhân tấn công. Quần áo bảo hộ của bác sĩ đã bị xé toạc ở khu vực bị nhiễm bệnh, tờ Thanh niên Bắc Kinh đưa tin.
Các nhân viên y tế ở Vũ Hán. Ảnh: CNN.
Tinh thần của mọi người đang căng thẳng vì bệnh viện đã hoạt động với công suất tối đa kể từ đầu tháng 1. Nhiều bệnh nhân còn không có giường. “Nhưng chúng ta có thể làm gì?”, vị bác sĩ này nói, yêu cầu giấu tên.
Các bác sĩ và y tá làm việc không ngừng nghỉ, ngay cả ca đêm, quân số cũng đảm bảo 100%. “Chúng tôi ở giữa những bệnh nhân ho liên tục suốt đêm”, một bác sĩ nói.
Theo một y tá ở Vũ Hán các nhân viên y tế đang bị quá tải, cơ sở vật chất đang cạn kiệt. Đồ bảo hộ dành cho nhân viên khử trùng còn lại rất ít. Khoảng 30 trong số 500 nhân viên y tế tại bệnh viện của cô hiện đang bị bệnh và phải nhập viện, và những người khác – bao gồm cả cô – đã tự cách ly tại nhà.
“Thực sự có rất nhiều bệnh nhân không được tiếp nhận, nhưng không thể đổ lỗi cho các y tá, chúng ta hết giường, cạn kiệt cơ sở vật chất. Tôi thấy các đồng nghiệp của tôi đang lao về phía tiền tuyến và tôi cảm thấy bất lực”, cô nói.
Tính đến thứ Sáu, hơn 9.600 người ở Trung Quốc đại lục đã được xác nhận là bị nhiễm virus, với 213 người thiệt mạng.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ Năm tuyên bố dịch viêm đường hô hấp do virus Corona ở Trung Quốc là một trường hợp khẩn cấp toàn cầu.
Bắc Kinh cho biết họ đã huy động hơn 6.000 nhân viên y tế để giúp đỡ các đồng nghiệp đang kiệt sức ở tỉnh Hồ Bắc. Quân đội, hải quân và không quân Trung Quốc cũng đã cử các bác sĩ đến hỗ trợ 3 bệnh viện chính điều trị cho bệnh nhân trong thành phố.
Nhưng các bệnh viện vẫn ở mức quá tải.
“Có quá nhiều bệnh nhân cần được điều trị, quá nhiều xét nghiệm cần được thực hiện, mọi người đều bận rộn. Nhưng với đội ngũ của chúng tôi ở đó, ít nhất các đồng nghiệp Vũ Hán có thể ngủ thêm một hoặc hai tiếng nữa”, một bác sĩ quân đội được bổ sung cho hay.
Hôm thứ Năm, một bác sĩ ở Vũ Hán cho biết trên Weibo rằng bệnh viện đang rất cần vật tư y tế, bao gồm kính bảo hộ, áo bảo hộ sử dụng một lần và mặt nạ phòng độc N95.
Một bác sĩ ở bệnh viện Tongji cho biết, ông đã phải mặc đi mặc lại 1 bộ áo bảo hộ trong suốt 10 tiếng.
Tờ nhật báo Yangtze đưa tin, hôm Chủ nhật, thành phố Vũ Hán đã nhận được 10.000 thùng quần áo bảo hộ; 800.000 khẩu trang N95, 5 triệu chiếc khẩu trang dùng một lần và 4.200 cặp kính bảo hộ
Sự thiếu hụt đã được giảm bớt, bài báo viết. Tuy nhiên, bác sĩ của bệnh viện Tongji cho biết chất lượng của thiết bị được cung cấp có vấn đề.
“Một số thiết bị chất lượng thấp bị hỏng. “Ban đầu, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự đóng góp sau yêu cầu trợ giúp đầu tiên nhưng phần lớn trong số chúng không phù hợp với hướng dẫn y tế và không thể được sử dụng”, ông nói.
Minh Khôi , theo Trí Thức Trẻ