Báo Nhật: TP Hồ Chí Minh đang trong cuộc đua trở thành thung lũng Silicon mới của thế giới cùng Singapore

Dưới đây là những nhận định của Nikkei về tiềm năng trở thành thung lũng Silicon tiếp theo của TP Hồ Chí Minh.

Viễn cảnh startup công nghệ tại Đông Nam Á đang nóng dần lên trong năm nay. Tiền vốn đang được rót vào ngày một nhiều và giá trị các công ty cũng tăng lên trong bối cảnh các nhà đầu tư đặt cược vào tốc độ tăng trưởng mạnh của khu vực, thị trường lớn và người tiêu dùng trẻ lại thích dùng điện thoại di động.

Với tất cả những lợi thế đó, khắp các nơi từ Singapore đến TP Hồ Chí Minh của Việt Nam đang cạnh tranh quyết liệt để trở thành thung lũng Silicon tiếp theo của thế giới – ngôi nhà của không chỉ những startup thành công mà cả những chuyên gia tư vấn, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ cho họ.

Tờ Nikkei đã chỉ ra TP Hồ Chí Minh của Việt Nam là 1 trong 5 địa điểm nóng nhất cho đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Á cùng Singapore, Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan) và Penang (Malaysia).

Dưới đây là những nhận định của Nikkei về tiềm năng trở thành thung lũng Silicon tiếp theo của TP Hồ Chí Minh.


Khi nền tảng thương mại điện tử Sendo huy động được 50 triệu USD trong năm nay từ Softbank và một số nhà đầu tư nước ngoài, nó cho thấy 2 xu hướng đang diễn ra tại Việt Nam: Doanh thu bán hàng trực tuyến bùng nổ và sự hấp dẫn gia tăng của một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh bậc nhất châu Á.

Là một nền tảng thương mại điện tử cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bán hàng hóa, Sendo được hưởng lợi từ việc doanh thu bán hàng trực tuyến hàng năm tăng mạnh tới 30% tại Việt Nam trong những năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng cao đó được kỳ vọng tiếp tục giữ vững cho tới ít nhất là năm 2020.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng – Chủ tịch Sendo nói rằng công ty này hiện đang lên kế hoạch huy động nhiều tiền hơn nữa để giữ vững tốc độ tăng trưởng. “Chúng tôi sẽ có thêm 1 hoặc 2 vòng huy động vốn nữa trong vòng 5 năm tới”.

Môi trường startup của Việt Nam ít phát triển hơn so với những đối thủ trong khu vực như Singapore hay Indonesia nhưng điều này đang dần thay đổi. Quốc gia này đã thành lập 3 công viên công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra chính phủ cũng tạo ra những ưu đãi nhằm phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao mới gồm kế hoạch cho ra đời quỹ startup trị giá 85 triệu USD trong năm nay.

TP Hồ Chí Minh cũng đã khởi công xây dựng một trung tâm ươm mầm cho các startup công nghệ ở địa phương bên trong Công viên công nghệ cao Sài Gòn. Đây sẽ là ngôi nhà cho những công ty công nghệ khổng lồ như Intel hay Samsung. Trung tâm này sẽ được xây dựng trên diện tích 11.000 m2 và các nhà chức trách nói rằng thành phố đã 90 triệu USD cho các chương trình startup và đổi mới ở đây trong 2 năm qua.

Hãng tư vấn Dezan Shira & Associates nói rằng 290 triệu USD đã được đầu tư vào 92 startup Việt Nam trong năm 2017. Theo tờ Techsauce thì có khoảng 3.000 startup đang hoạt động tại quốc gia này vào năm ngoái.

Các khoản đầu tư tới từ cả bên trong lẫn bên ngoài Việt Nam. Tiki – một nền tảng thương mại điện tử khác cũng đã huy động được 54 triệu USD từ JD.com của Trung Quốc trong năm nay, theo sau khoản đầu tư trị giá 17 triệu USD từ một công ty trong nước là VNG vào năm 2016. Đây là chưa kể những khoản đầu tư không được công bố mà họ nhận được từ CyberAgent Ventures, Seedcom và Sumitomo.

Momo – ứng dụng thanh toán, ví điện tử cũng đã nhận 28 triệu USD từ Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs vào năm 2016.

IDG Ventures là công ty quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên tập trung vào startup công nghệ trong nước khi họ ra đời vào năm 2004. Quỹ này hiện đang quản lý 100 triệu USD và đã đầu tư vào khoảng 40 startup trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và tiêu dùng. Năm nay, VinaCapital – một quỹ đầu tư quản lý lượng tài sản trị giá 1,8 tỷ USD cũng cho ra đời VinaCapital Ventures VC – một trong những quỹ đầu tư địa phương lớn nhất cho startup.

Tổng thể, có khoảng 70 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam, và hơn 2/3 trong số đó là từ nước ngoài.

Hầu hết hoạt động startup công nghệ tại Việt Nam tập trung vào blockchain và công nghệ tiền số mặc dù thực tế quốc gia này vẫn chưa phác thảo khung pháp lý cho những ngành công nghiệp này sau rất nhiều bê bối.

Tháng 4, Việt Nam trở thành nơi xảy ra vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử tiền số. Các nhà đầu tư nói rằng họ đã bị đánh cắp 660 triệu USD thông qua những vụ lừa đảo liên quan tới ICO – hoạt động phát hành tiền số lần đầu ra công chúng.

Tuy nhiên nhiều công ty vẫn lạc quan vào cơ hội với những doanh nghiệp liên quan tới blockchain tại Việt Nam trong đó có Nami corp. Công ty này đang phát triển AI và công nghệ blockchain cho hệ sinh thái đầu tư tài chính và sản phẩn cho dịch vụ quản lý tài chính.

“Việt Nam thiếu một khung pháp lý cho tiền số và những công nghệ liên quan. Chính vì vậy mọi người thường lẫn lộn khi chúng tôi nói về bitcoin, tiền số và blockchain”, theo Giáp Văn Đại – CEO 27 tuổi của Nami. “Phải mất từ 4 – 5 năm trước khi công nghệ blockchain có thể ứng dụng trong công đồng doanh nghiệp. Nó cần thời gian để được thị trường chấp nhận và các nhà chức trách đưa ra những quy định liên quan phù hợp”.

Cũng theo CEO Đại, ngành công nghiệp blockchain tại Việt Nam hiện đang sử dụng khoảng 2.000 lao động, tăng từ con số chỉ 30 người vào năm 2017. Rất nhiều trong số đó tốt nghiệp ở các trường đại học nước ngoài và đã có kinh nghiệm phát triển ứng dụng, dịch vụ tài chính và những sản phẩm khác ở những quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Singapore.

“Những người trẻ luôn ham học hỏi và làm việc trong ngành công nghiệp mới”, CEO Đại nhấn mạnh.

theo Nikkei