Mỹ công khai yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa khỏi Trường Sa

Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút tên lửa triển khai trái phép khỏi quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung thường niên diễn ra ở Washington, Mỹ đã gây sức ép mạnh mẽ đối với Bắc Kinh. Không những thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc muốn Mỹ phải dừng các chiến dịch tuần tra ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), Washington còn công khai lên tiếng đòi Bắc Kinh phải rút các loại tên lửa ra khỏi các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng và bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

 Thái độ cứng rắn của Mỹ trong vấn đề Biển Đông được thể hiện rõ trong thông cáo báo chí về cuộc đối thoại nói trên (thường được gọi là đối thoại 2+2) mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis với Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

Mỹ công khai yêu cầu Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa

Trong phần nói riêng về Biển Đông, ngoài những lời lẽ ngoại giao thường thấy như “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông… giải quyết tranh chấp một cách hòa bình… bảo đảm an toàn hàng không và hàng hải… xử lý các rủi ro một cách xây dựng…”, giới quan sát cho biết Mỹ đã công khai yêu cầu Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa khỏi Trường Sa.

Hồi tháng 5, truyền thông Mỹ dẫn báo cáo của lực lượng tình báo nước này đưa tin Trung Quốc đã âm thầm triển khai các loại tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B và đất đối không HQ-9B đến đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Thông cáo có đoạn: “Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa ra khỏi các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Mỹ cũng muốn nhắc lại rằng tất cả các nước nên tránh giải quyết tranh chấp thông qua các hành vi cưỡng chế hay hù dọa”.

Theo Thời báo Nhật Bản số ra ngày 10/11, đây là lần đầu tiên Mỹ thúc giục Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa mà nước này đã triển khai ở các thực thể đang tranh chấp trên Biển Đông. Việc Washington trực tiếp và công khai thông qua văn bản yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa đã thể hiện một thái độ cứng hơn của Washington vì từ trước đến nay, Mỹ chỉ nêu quan ngại của mình trong vấn đề Biển Đông một cách kín đáo. Theo Thời báo Nhật Bản, chẳng hạn như tháng 5/2018, Lầu Năm Góc còn từ chối bình luận về các thông tin tình báo cho biết Trung Quốc đã triển khai các loại tên lửa hành trình chống hạm và phòng không trên 3 hòn đảo nhân tạo mà nước này mới bồi đắp là Đã Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn.

Mỹ nhắc nhở Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế

Ngoài yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ còn nhắc nhở Bắc Kinh phải tôn trọng luật pháp quốc tế và cam kết “ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như quyền khai thác biển một cách hợp pháp trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế”. Thông cáo cũng nêu lên thái độ quan ngại của Mỹ khi xác nhận rằng trong cuộc đối thoại, “Mỹ đã thảo luận về tầm quan trọng của việc mọi tàu thuyền và máy bay quân sự, dân sự và của các lực lượng chấp pháp hoạt động một cách an toàn và chuyên nghiệp, phù hợp với luật lệ quốc tế”. Động thái này làm gợi nhớ đến sự cố ngày 30/09/2018 tại Đá Ga Ven (Trường Sa) khi một chiến hạm Trung Quốc cố tình cắt ngang đường đi của một tàu khu trục Mỹ, đẩy cả hai phía vào tình thế nguy hiểm. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý rằng “Mỹ vẫn quyết tâm cho tàu thuyền và máy bay đến hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”.

 Đấu khẩu “nảy lửa” về Biển Đông

Quan điểm cứng rắn của Mỹ trong vấn đề Biển Đông đã được cả Pompeo và Mattis thể hiện trong cuộc họp báo chung với hai trưởng đoàn Trung Quốc sau cuộc đối thoại. Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Pompeo đã không ngần ngại công khai chỉ trích Trung Quốc về việc quân sự hóa Biển Đông và nói rằng Mỹ “tiếp tục bày tỏ quan ngại về các hoạt động và chính sách quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng những cam kết đã đưa ra trước đó trong vấn đề này”.

Phản ứng trước phát biểu của Pompeo, Dương Khiết Trì cho rằng Bắc Kinh “có quyền xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết” ở những khu vực mà ông gọi là “lãnh thổ” của Trung Quốc. Không những thế, Dương Khiết Trì còn lên tiếng cảnh cáo Mỹ phải “ngừng ngay việc đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến gần những đảo đá của Trung Quốc và dừng những hoạt động phá hoại chủ quyền cũng như lợi ích an ninh của Trung Quốc”. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis ngay lập tức bác bỏ và khẳng định: “Chúng tôi đã nói rõ rằng Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay đến hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Mỹ luôn kiên định cam kết xây dựng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, một khu vực dựa trên nền tảng luật pháp và trật tự quốc tế cũng như sự ổn định của toàn vùng”.

  Trung Quốc sẽ làm ngơ trước yêu cầu của Mỹ?

Sức ép nói trên của Mỹ có khiến cho Trung Quốc thay đổi thái độ về Biển Đông hay không? Yêu cầu của Mỹ về việc Trung Quốc phải rút các hệ thống tên lửa có được Bắc Kinh đáp ứng hay không? Về vấn đề này, một số chuyên gia phân tích được nhật báo The Japan Times dẫn lời đã tỏ ý hoài nghi. Trên tài khoản Twitter của mình, Jeffrey Ordaniel – chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawaii – cho rằng dù đây là lần đầu tiên Mỹ lên tiếng đòi Bắc Kinh rút tên lửa khỏi Trường Sa, song lời kêu gọi này ít có khả năng được Trung Quốc lắng nghe. Theo chuyên gia Ordaniel, trước đây, Trung Quốc từng “không bị hề hấn gì” khi phớt lờ lời kêu gọi của Mỹ yêu cầu Bắc Kinh dừng việc bồi đắp và xây dựng mới ở Biển Đông, vì vậy họ không có lý do gì để đáp ứng yêu cầu của Mỹ lần này.

Trong khi đó, Derek Grossman – nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Rand Corp. – cho rằng Trung Quốc có thể rút các hệ thống tên lửa ra khỏi Trường Sa nhằm thể hiện thiện chí với Mỹ vào lúc này, nhưng Bắc Kinh cũng “có thể dễ dàng tái triển khai loại vũ khí này nếu quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trở lại”.

Theo Patrick G Buchan, chuyên gia về an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung Quốc có một chiến lược lâu dài và đang tìm mọi cách để trở thành một “cường quốc bậc nhất” trong khu vực cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế. Ông nhận định: “Về cơ bản, Trung Quốc muốn đẩy Mỹ khỏi cửa ngõ của mình, ‘đóng cửa cài then’ để sao cho Mỹ không thể trở lại. Khi đã làm được điều đó, Trung Quốc sẽ tận dụng mọi công cụ mà nước này có trong tay để đạt được mục đích. Bắc Kinh cho triển khai các hệ thống chống tàu và tên lửa đất đối không trên các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp, tỏ thái độ thách thức các tàu của Mỹ và đồng minh ở ngoài khơi, tung ra những đồng ‘tiền bẩn’ và chèn ép các hãng hàng không nước ngoài trong quan hệ với Đài Loan. Ở khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc hiện tự coi mình là người áp đặt luật chơi. Trong khi Mỹ lại đang đánh mất vai trò đó”.