Thứ nhất, đừng nhầm lẫn giữa “xuất khẩu thực phẩm” và “xuất khẩu ẩm thực”! Thứ hai, rất có thể những suy nghĩ của bạn về “văn hóa ẩm thực” của một quốc gia nào đó, chỉ là ngộ nhận.
Nói đến xuất khẩu văn hóa, người ta thường nghĩ đến việc xuất khẩu phim, ca nhạc,… Nhưng trên thực tế, nhiều nhà kinh tế học cho rằng, việc bán các món ăn truyền thống cho người nước ngoài cũng được coi là xuất khẩu văn hóa, và thậm chí thị trường xuất khẩu văn hóa ẩm thực lớn gấp những 10 lần xuất khẩu âm nhạc hay phim ảnh.
Báo cáo “Ăn tối ở ngoài – dưới góc nhìn xuất khẩu văn hóa” do nhà kinh tế học người Mỹ Joel Waldfogel thực hiện, và công bố hồi tháng 6/2019 đã đưa ra một số thông tin thú vị. Báo cáo sử dụng dữ liệu của TripAdvisor về các món ăn được đặt tại nhà hàng, cùng với với dữ liệu Euromonitor về chi tiêu tổng thể cho ẩm thực của 52 quốc gia (các quốc gia này chiếm 89% GDP toàn cầu), trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo, lượng xuất khẩu ẩm thực của Việt Nam được tính bằng lượng đồ ăn mà người nước ngoài ăn tại các nhà hàng Việt Nam (bao gồm cả nhà hàng Việt ở trong nước và nước ngoài – có thể là do người nước ngoài sản xuất).
Báo cáo cho ra kết quả, nếu không tính đến đồ ăn nhanh, thì trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng xuất khẩu ẩm thực với việc xuất khẩu 10,3 tỷ USD giá trị ẩm thực truyền thống, và nhập khẩu 8,9 tỷ USD ẩm thực có nguồn gốc từ các quốc gia khác.
Theo cách nói của ông Joel Waldfogel, Việt Nam là một nước “xuất khẩu ròng văn hóa ẩm thực”.
Cũng theo báo cáo trên, nước xuất khẩu văn hóa ẩm thực lớn nhất chính là Italy với 176,2 tỷ USD thực phẩm được người dân quốc gia khác tiêu thụ. Đứng thứ 2 là Trung Quốc với 114,8 tỷ USD.
Những cái tên nổi bật khác xếp trên Việt Nam trong làng ẩm thực thế giới là Nhật Bản (91,4 tỷ USD), Ấn Độ (46,6 tỷ USD), Pháp (40,3 tỷ USD), Mexico (29,2 tỷ USD), Mỹ (26,9 tỷ USD), Thái Lan (21,4 tỷ USD), Tây Ban Nha (21,3 tỷ USD), Hàn Quốc (18 tỷ USD), Nga (11,7 tỷ USD),…
Mỹ là đất nước mà người dân ăn nhiều đồ nước ngoài nhất, với việc nhập khẩu 160,7 tỷ USD. Đứng thứ hai là Trung Quốc với 110,3 tỷ USD. Người Italy chỉ nhập khẩu 17,9 tỷ USD ẩm thực nước ngoài.
Những tưởng với làn sóng văn hóa Hàn Quốc phát triển mạnh như vậy, Hàn Quốc phải là quốc gia xuất khẩu ròng văn hóa ẩm thực. Nhưng không, người Hàn ăn rất nhiều “đồ ngoại”, khiến họ trở thành nước nhập khẩu ròng văn hóa ẩm thực.
Quốc gia thâm hụt văn hóa ẩm thực lớn nhất là Mỹ với trị giá khổng lồ, 133,8 tỷ USD nhập khẩu ròng ẩm thực nước ngoài. Anh đứng thứ hai với nhập khẩu ròng 20,1 tỷ USD. Các quốc gia còn lại, nếu có thâm hụt cũng không quá 16 tỷ USD.