Phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy được nhiều phi công kỳ cựu của Mỹ phải kính nể, thán phục và những lần sang thăm Việt Nam đều muốn đến thăm ông.
Ban bay giữa ngày cưới
Ngày 18/4/1966, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đang leo thang ác liệt ở miền Bắc, tại một sân bay, đơn vị Không quân đã đứng ra tổ chức đám cưới cho chàng Trung úy phi công đẹp trai với cô sinh viên cùng quê mới ra trường.
Khi Đại diện đơn vị vừa tuyên bố lý do xong thì sân bay báo động, chú rể & đồng đội ngay lập tức phải về vị trí trực ban sẵn sàng chiến đấu.
Tiệc cưới bánh kẹo trà thuốc chưa được khai tiệc. Đám cưới tạm phải hoãn lại và phải đợi hơn 50 năm sau mới hoàn thành, Đấy là đám cưới của chàng Trung úy phi công đẹp trai Nguyễn Văn Bảy và cô sinh viên đồng hương xinh gái Trần Thị Niên.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy kể lại những trận không chiến với Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: Nguyễn Việt Cường
Đúng một tuần sau ngày trọng đại này, ngày 26/4/1966 phi công Nguyễn Văn Bảy đã bắn rơi chiếc máy bay F-4C của Mỹ, đây là chiếc máy bay đầu tiên do ông bắn rơi trong cuộc đời phi công của mình.
Chiều 26 tháng 4 năm 1966, Không quân Mỹ cho đội hình F-105 vào đánh Đường 1B, đoạn Bình Gia – Bắc Sơn và cho tiêm kích F-4 yểm hộ tại khu vực đông Chợ Mới 30km. Sở chỉ huy Quân chủng sử dụng hai loại máy bay MiG-21 và MiG-17 tác chiến hợp đồng.
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường.
Sở chỉ huy dẫn Biên đội MiG-17 lên độ cao 2500m vào khu vực nam Bình Gia – Bắc Sơn 15km. Do địch cơ động đổi hướng liên tục nên ta lâm vào thế đối đầu nhưng sĩ quan dẫn đường hiện sóng đã thông báo liên tục, kịp thời, số 1 đã nhanh chóng phát hiện đội hình F-4, ở cự ly 6km.
Được sự yểm hộ của số 1, phi công Lưu Huy Chao bay số 2 lao vào nổ súng và bắn rơi 1 chiếc F-4. Số 1 và số 2 vòng lại thì gặp một tốp F-4 khác, hai số vào công kích tiếp và bắn bị thương 1 chiếc.
Trong lúc này, số 3 Nguyễn Văn Bảy, số 4 Trần Văn Triêm được lệnh của Biên đội trưởng lao vào tấn công tốp bay đầu.
Tốp F-4 phát hiện có MiG nên cơ động rất gấp, phi công Nguyễn Văn Bảy vòng cắt bán kính bám sát chiếc F-4, khi cự ly dưới 300m, anh nổ súng bắn rơi 1 chiếc F-4.
Trận không chiến diễn ra trong 5 phút, các phi công Lưu Huy Chao và Nguyễn Văn Bảy, mỗi người bắn rơi 1 chiếc F-4, Biên đội bắn bị thương 1 chiếc F-4 khác. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên do phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi. Cho đến cuối tháng 12/1966 phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 4 chiếc máy bay Mỹ.
Tháng 1/1967, Thượng úy phi công Nguyễn Văn Bảy được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, cũng năm 1967 ông được bầu vào Quốc hội khóa 3, nhiều lần được gặp Bác Hồ.
Sau khi được tuyên dương Anh hùng LLVTND, phi công Nguyễn Văn Bảy còn tham gia nhiều trận đánh khác và bắn rơi thêm 3 máy bay Mỹ nữa.
Để giữ gìn lực lượng nòng cốt phù hợp với sự phát triển của Không quân, sau khi Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay, Bác Hồ chỉ thị không để phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia trực tiếp chiến đấu, chỉ làm công tác chỉ huy và nhiệm vụ bay kèm các phi công trẻ trong công tác huấn luyện bay.
Sau này nhắc đến chuyện này, phi công Nguyễn Văn Bảy nói: “Nếu Bác cho trực tiếp đánh nữa thì có thể tôi sẽ bắn rơi thêm 5, 7 chiếc nữa, nhưng cũng có thể đã hy sinh”.
Phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy bồi hồi bên chiếc MiG-17, loại máy bay đã cùng ông lập công.
Phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy và chuyến bay nhớ suốt đời
Chuyến bay mà Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy nhớ suốt đời, chuyến bay mà các phi công phải nén đau thương, gạt nước mắt để bước lên máy bay, đấy là chuyến bay ngang Quảng trường Ba Đình để chào vĩnh biệt Bác Hồ kính yêu.
Trong cuộc chiến đấu trên không, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đã xuất kích 94 lần, nổ súng 13 lần, bắn rơi 7 máy bay Mỹ mà không nhảy dù một lần nào, được Bác Hồ tặng 7 Huy hiệu của Người.
Phi công Nguyễn Văn Bảy được ghi nhận là phi công duy nhất dùng MiG-17 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất trên thế giới (7 chiếc) được nhiều phi công kỳ cựu của Mỹ phải kính nể, thán phục. Và những lần sang thăm Việt Nam đều muốn đến thăm phi công Nguyễn Văn Bảy.
Ông về nghỉ hưu và sống tại Lai Vung, Đồng Tháp trên mảnh đất quê nhà. Nhìn ông lão với chòm râu bạc, hàng ngày chăm sóc vườn cây, ao cá, không ai nghĩ rằng đấy là phi công huyền thoại, phi công của Không quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Vào 21h ngày 22/9, Đại tá Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đã trút hơi thở cuối cùng và sáng nay, 24/9, hàng trăm đồng đội, cựu phi công cùng tham gia chiến đấu đã đến nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TP.HCM) để tiễn đưa vị Đại tá. Giờ phút cuối cùng, ai nấy đều nghẹn ngào trước linh cữu của người Anh hùng phi công huyền thoại.