Đọc Sơn Nam, các thế hệ độc giả Nam Bộ hào hứng với một Mùa len trâu đặc trưng của vùng nước nổi tứ giác Long Xuyên. Trong khi đó, ở các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ, trong tập quán sản xuất nông nghiệp truyền thống lại có “mùa trâu… rút dàm thả lang” khá kỳ thú. Rút từ ký ức chưa xa đó, chúng tôi cố gắng giúp bạn đọc trẻ hình dung cái cách mà cha ông ta đã sống, lao động với biết bao sáng tạo ngay trên mảnh đất mà chúng ta đang sống hôm nay.
Ảnh minh họa.
Đối với người nông dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ, từ thời khẩn hoang lập làng cho đến thập niên tám mươi của thế kỷ XX, con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp, thay người cáng đáng mọi việc nặng nhọc từ cày bừa, kéo mạ, cộ lúa, rồi đạp lúa bó ra lúa hột. Từ đời này qua đời khác, con trâu không chỉ là vật nuôi, là phương tiện lao động mà còn là người bạn thân thiết, thậm chí như là thành viên trong nhà, vui buồn có nhau. Có lẽ, trong tất cả các loài vật gần gũi với người, con trâu tuy hiền lành nhưng vẫn còn giữ được nhiều nét hoang dã nhất trong tập tính sống. Nuôi nhốt trong nhà lâu ngày, dù được cho ăn uống đầy đủ, trâu vẫn không chịu được, có con “cuồng chân” quậy phá, rồi trở nên hung dữ, có con buồn rầu tới mức sanh bệnh…
Bởi vậy, nuôi trâu dù ít dù nhiều cũng phải có những cánh đồng hoang hóa hoặc bán hoang hóa rộng lớn để chăn thả – khi chăn khi thả, thì trâu mới mạnh mẽ, sanh sôi, phát triển được. Khắp các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ vài chục năm về trước, khi chưa có các tuyến đê bao, hệ thống kinh mương, cống đập, người nông dân chỉ làm ruộng với một vụ lúa mùa duy nhất, tương ứng với những tháng mùa mưa, nước nổi. Trời dứt mưa, cũng là lúc thu hoạch, rồi sau đó là những tháng đồng ruộng được nghỉ ngơi, tái tạo chất dinh dưỡng, đợi mùa vụ năm sau. Đây cũng là mùa những đàn trâu nhà được rút dàm thả lang, tự do trở về với đời sống hoang dã trong mấy tháng liền.
Ngày xưa, khi chưa có các phương tiện máy móc, lúa mùa ngoài ruộng được người nông dân gặt rồi bó thành bó, phơi cho khô ráo, trước khi chuyển về sân nhà, dùng sức trâu đạp ra lúa hột. Tùy theo nhà ruộng ít hay nhiều mà thời gian đạp lúa kéo dài từ năm bảy bữa tới trọn tháng, nhưng nhìn chung đều xong xuôi trước tết Nguyên đán. Ăn Tết, người nghỉ ngơi thì trâu cũng được nghỉ ngơi; người ăn uống no đủ thì trâu cũng được ăn uống no đủ. Nhiều gia đình mãi sau này vẫn còn giữ tục lệ “ăn tết trâu”. Những ngày cuối năm, sau khi trang hoàng nhà cửa, người ta dọn dẹp chuồng trâu sạch đẹp, tắm rửa sạch sẽ cho trâu, rồi dán những mảnh giấy hồng đơn hình vuông vào “cổng trâu”, sừng trâu và trong “máng trâu” bao giờ cũng đầy cỏ tươi, nước ngọt.
Tết Nguyên đán và “tết trâu” xong xuôi, thường vào ngày hạ nêu, chủ trâu tiến hành nghi thức thả trâu về với những cánh đồng nê địa. Buổi sáng sớm, chủ trâu mang lễ vật bao gồm hương đăng, hoa quả, con vịt luộc… ra chuồng trâu van vái “ông chuồng, bà chuồng” phò hộ cho bầy trâu ra đi không gặp điều xui rủi, an toàn, mạnh khỏe, sanh thêm nhiều nghé. Sau đó, người chủ và đứa bé thường ngày vẫn chăn dắt gần gũi, người dắt kẻ đuổi, đưa bầy trâu từ chuồng ra đồng. Ra tới triền đồng, đây đó đã có những bầy trâu được thả trước cất tiếng gọi nhau thân thiết lắm, khiến cho bầy trâu như không muốn chậm trễ thêm giây phút nào nữa. Tới đây, người chủ lần lượt rút dây dàm ra khỏi mũi cho từng con trâu, theo thứ tự nhỏ trước lớn sau, cái trước đực sau, với lý do là con đực cổ hay con cái già đầu đàn (người Nam Bộ gọi là con “cầm bầy”) mà cất vó trước thì khó lòng kềm giữ những con còn lại. Trước khi rút dàm con cầm bầy, người và trâu vẫn còn quấn quýt, bịn rịn, người chủ nhẹ tay xoa lưng, xoa đầu, vuốt sừng từng con cầu chúc sức khỏe, khi đi có bầy, khi về có đàn. Cậu bé chăn dắt thường ngày mến trâu, đôi khi cũng sụt sịt theo.
Trâu là loài vật tuy được thuần dưỡng nhiều đời nhưng ít nhiều vẫn còn những tập tính hoang dã, lại thêm trời cho sức mạnh phi thường nên không phải lúc nào con người cũng điều khiển được. Không còn cách nào khác, người chủ dùng sợi dây xỏ qua miếng thịt giữa hai lỗ mũi trâu, cột vòng lên phía đầu, gọi là dây dàm. Mỗi lần dây dàm bị giựt, mũi trâu đau nhói, đành cúi đầu tuân theo ý chủ. Dây dàm nơi mũi trâu chẳng khác nào “vòng kim cô” trên đầu Tôn Ngộ Không trong truyện Tây du ký.
“Rút dàm” có nghĩa là rút bỏ sợi dây dàm trả trâu về với đời sống hoang dã; “thả lang” là cứ để mặc trâu tự do, không cần phải chăn giữ. Không “rút dàm” mà “thả lang” là điều tối kỵ, bởi lẽ có khi dây dàm con này mắc vào sừng con kia hay mắc vào nhánh cây hoặc một chướng ngại vật nào đó, rất dễ nguy hiểm đến tính mạng những con trâu thường ngày vốn rất mạnh mẽ.
Khi chủ vừa quay lưng, cả bầy trâu lao ra cánh đồng, lao vào đời sống tự do của mình. Từng bầy nhỏ nhập lại nhau thành đàn lớn, hàng chục có khi lên tới hàng trăm con. Bầy nhỏ có con cầm bầy nhỏ, đàn lớn có con đầu đàn lớn, thứ bậc hẳn hoi. Thỉnh thoảng cũng có cự cãi, đánh nhau, thậm chí gãy sừng đổ máu, nhưng nhìn chung là hòa bình, nhường nhịn và bảo vệ nhau, tạo sự liên kết chặt chẽ trong suốt mấy tháng mà chúng thực sự là những người chủ của những cánh đồng mênh mông.
Trời vừa ra Giêng, lúa mùa vừa thu hoạch xong, rơm rạ đôi chỗ còn xanh tươi, chen lẫn với nhiều loại cỏ khắp nơi dưới ruộng, trên bờ. Từng đàn trâu cứ tha thẩn gặm cỏ từ đồng này sang đồng khác, có khi chúng đi xa đến hơn chục cây số. Trời mát mẽ thì ăn uống, nóng nực quá thì xuống sông, xuống ao hồ mặc sức trầm nghịch. Tháng Hai, tháng Ba âm lịch, nắng nóng ngày càng gay gắt, cỏ ngoài đồng không còn tươi tốt, đàn trâu rủ nhau vào những cụm rừng rày, trên có lá cây, dưới có cỏ ống, cỏ lau. Tháng Tư âm lịch, trời bắt đầu sa mưa, cây cỏ lấy lại màu xanh sau những tháng ngày khô hạn, tươi non mơn mởn, đàn trâu lại kéo nhau lang thang ra đồng.
Vừa không phải cày kéo vất vã, vừa tự do ăn uống với nguồn dinh dưỡng cao, bầy trâu mập mạp, sung sức thấy rõ. Đây cũng là thời gian những nàng trâu cái động dục và những anh đực cổ đánh nhau suốt ngày để tranh giành quyền giao phối. Khác với người họ hàng thân cận là bò, trâu chỉ động dục và tìm bạn tình giao phối để duy trì, phát triển nòi giống khi được tự do trong đời sống bán hoang dã. Nuôi nhốt trong nhà, dù ăn uống đầy đủ, trâu cái cũng không vào kỳ động dục và ít khi người nông dân nhìn thấy bầy trâu của mình giao phối trong điều kiện thông thường. Phải chăng đây là tập tính di truyền nhiều đời giúp chúng tránh được hiện tượng lai gần tính, giữ cho bầy đàn luôn phát triển tốt, thể chất từng cá thể luôn được đảm bảo. Bởi vậy, mùa rút dàm thả lang có lợi cho người nông dân đủ đường, vừa không phải lo nguồn rơm cỏ, không tốn công chăn giữ mà bầy trâu khỏe mạnh hơn, dễ dàng có thêm nhiều trâu nghé hơn.
Còn nhớ, thế hệ chúng tôi lớn lên vào những thập niên 1960, 1970 phần lớn mùa mưa đều một buổi đến trường, một buổi ra đồng giữ trâu, việc học hành thưởng xuyên trễ nãi. Cũng may, có mùa trâu rút dàm thả lang, được phép ở nhà tập trung bài vở nên thường điểm thi “đệ nhị lục cá nguyệt” (nay là học kỳ 2) kéo được cho kết quả cả niên học, và chúng tôi khỏi phải ngồi lại lớp.
Thỉnh thoảng, chủ trâu cũng ra những cánh đồng thả lang để “thăm trâu”. Thăm là để xem bầy trâu nhà mình ăn uống, sức khỏe ra sao thì ít mà thăm cho thỏa cái sự nhớ trâu nhiều hơn. Khi đã tìm đúng đàn lớn thì chắc chắn bầy nhỏ của mình trong đó, khi đã tìm ra bầy nhỏ thì trâu lớn, trâu nghé luôn đủ mặt, ít khi có chuyện con bầy này lẫn sang bầy khác, đàn khác. Tất nhiên, thời còn chiến tranh, đôi khi bầy trâu cũng có sự hao hụt khi chúng đi vào những cụm rừng rày, rừng hoang có bãi mìn, bãi trái.
Thời Pháp thuộc, thỉnh thoảng cũng có những vị “Lương Sơn Bạc” bên cù lao đánh ghe qua những cánh đồng đất liền “trộm trâu” về mần thịt ăn chơi cho oai. Trừ những trường hợp đó, thông thường là số lượng trâu trong bầy tăng lên vì những tháng thả lang thêm một vài chú nghé ra đời.
Tuy trời sa mưa nhưng những cơn mưa còn chợt đến chợt đi, lượng nước ngọt từ trời rơi xuống cho đủ để đẩy nước phèn trên ruộng ra sông, đẩy nước mặn trên sông ra biển, mùa vụ vẫn chưa bắt đầu. Người nông dân vẫn chờ mưa già thêm, đều đặn hơn, thường là sau ngày cúng Đoan ngọ, mới ra đồng lùa bầy trâu thả lang về, chuẩn bị việc cày bừa mùa nước.
Việc chặn đuổi để từng bầy nhỏ chịu rời đàn lớn, theo chủ ra về cũng không đơn giản vì chúng đã quen với việc tự do vẫy vùng. Khi về chuồng rồi, có con cả tuần lễ đêm nào cũng cất tiếng gọi đàn, biếng ăn nhác ngủ. Việc xỏ lại sợi dây dàm, bắc lại cái ách lên cổ, đưa chúng trở lại khuôn khổ cũng là cả một kỳ công. Ra đồng những ngày đầu, mặc cho chủ hô ví thá, mặc cho sợi dây dàm bị giựt ngược lên trời, mặc cho chiếc roi cày hằn nhiều vết trên lưng, chúng vẫn tìm cách “vặn nài, bẻ ống” (nài là dây liên kết ách trâu với cái cày hoặc cái bừa, ống – hay yếm – là dây cố định ách trên cổ trâu), mong trở lại những tháng ngày thả lang. Phải vài tuần, cả tháng sau, bầy trâu nhà mới chịu vào đi nề nếp “đôi trâu đi trước cái cày theo sau”…
Vài thập niên trở lại đây, với các biện pháp thâm canh tăng vụ được áp dụng rộng rãi đã hạn chế, rồi kết thúc sự tồn tại của những cánh đồng một vụ lúa mùa, những cánh đồng bán hoang hóa. Điều này cũng có nghĩa là mùa trâu rút dàm thả lang thực sự đi vào thời quá khứ xa xăm và số lượng cá thể trâu trên địa bàn các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ cũng giảm sút nghiêm trọng. Cứ theo đà này, biết đâu vài chục năm nữa, trong giờ Sinh học, học sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được thầy cô giáo hướng dẫn lên Thảo cầm viên Sài Gòn xem để biết hình thể con trâu như thế nào!
Bất cứ sự thay đổi nào cũng vậy, cái mới tích cực xuất hiện sẽ đẩy cái cũ (chưa chắc đã tiêu cực) mất đi trong không ít sự ngậm ngùi.