Tướng quân đội: Nhiều thông tin trên mạng xã hội xuyên tạc về vấn đề Thủ Thiêm, kích động người dân bạo loạn

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng.

Theo tướng Hoàng, trên mạng xã hội có nhiều thông tin xuyên tạc về kết luận của Thủ tướng về vấn đề Thủ Thiêm, tấn công Luật An ninh mạng, dự án Luật đặc khu…

Nhiều bài viết xuyên tạc trên mạng xã hội kích động người dân bạo loạn

Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội vào sáng 27/10, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy quân khu 7 khẳng định, công tác quốc phòng an ninh trong những năm qua được tập trung chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền. lợi ích quốc gia dân tộc…

Tuy nhiên, bên những kết quả đạt được, theo tướng Hoàng còn những vấn đề hạn chế liên quan đến an ninh, an toàn thông tin, đấu tranh phòng chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ trên mạng xã hội.

Cụ thể, ông Hoàng thông tin, liên quan đến việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần từ ngày 21 – 27/9 trên mạng xã hội đã có hơn 36.000 bài viết, hơn 174.000 bài bình luận, hơn 198.000 lượt chia sẻ, hàng triệu lượt “like” với những thông tin, hình ảnh xuyên tạc, ác ý, nói xấu chế độ, lãnh đạo.

“Thủ đoạn thường xuyên là lợi dụng các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm hay một quyết sách của Đảng mới đề ra để đưa ra thông tin xuyên tạc, kích động và thực hiện bất tuân nhân sự, chống đối chính quyền.

Ví dụ, gần đây, họ đưa thông tin xuyên tạc về kết luận của Thủ tướng về vấn đề Thủ Thiêm, tấn công Luật An ninh mạng, dự án Luật đặc khu, đẩy cao chiến dịch kêu gọi, kích động người dân xuống đường tuần hành, biểu tình, bạo loạn gây hậu quả rất nghiêm trọng ở một số địa phương”, tướng Hoàng nêu.

Ông nhấn mạnh, hoạt động tấn công mạng, làm lộ bí mật Nhà nước trên không gian mạng diễn ra ngày càng nhiều với tính chất, mức độ gia tăng.

Nhiều trang thông tin, cổng thông tin của cơ quan Nhà nước bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, chỉnh sửa nội dung…

Tình trạng phản ánh thông tin một chiều, tiêu cực, ý kiến đóng góp mang tính cá nhân, cường điệu với những vấn đề mang tính xã hội, khiếu kiện của nhân dân chưa được định hướng dư luận kịp thời,… thậm chí, có cá nhân thiếu nhạy cảm vô tình cổ súy, góp phần lan tỏa các hoạt động chống đối…

Từ các vấn đề nêu ra, tướng Hoàng đề nghị quan tâm tăng cường công tác giáo dục an ninh quốc phòng với người dân nhằm đẩy mạnh toàn dân đồng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, đề cao cảnh giác và trách nhiệm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập chủ quyền…

Bên cạnh đó, ông Hoàng đề nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo khắc phục các sơ hở trong hệ thống pháp luật liên quan đến quốc phòng an ninh…

Vị tướng quân đội mong các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các lực lượng chức năng, đấu tranh quyết liệt với âm mưu thủ đoạn các thế lực thù địch, tổ chức phản động và các lực lượng chống đối trong nước, ngăn chặn, vô hiệu hoá các vụ kích động biểu tình gây rối nhằm tập dượt để gây bạo loạn lật đổ chế độ.

“Phát hiện nhanh chóng, xử lý nghiêm các đối tượng chống đối Đảng, Nhà nước trên không gian mạng gắn với tăng cường phản bác các luận điệu sai trái thù địch, định hướng nhanh các dư luận, các tình huống xảy ra trong đời sống xã hội”, tướng Hoàng nêu và đề nghị chỉ đạo điều chỉnh bổ sung cơ chế hợp đồng tác chiến giữa công an và quân đội với các lực lượng chức năng khác, bảo đảm cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, chỉ huy thống nhất và phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, xử lý kịp thời các tình huống cụ thể.

Cảnh báo có thể tạo ra nhiều Vũ “nhôm”

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH đã nêu một số vết nhám trong bức tranh nền kinh tế Việt.

Tướng quân đội: Nhiều thông tin trên mạng xã hội xuyên tạc về vấn đề Thủ Thiêm, kích động người dân bạo loạn - Ảnh 2.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Ông quan ngại về cổ phần hóa khi thực tiễn năm 2018 chỉ thoái vốn được 18 trong số 85 doanh nghiệp trong kế hoạch. 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương vẫn giậm chân tại chỗ.

Ông nhắc lại việc đi khảo sát dự án tơ sợi Đình Vũ, mỗi tấn tơ sợi lại lỗ, hiện mỗi năm hết 550 tỷ tiền khấu hao. “Có cần thiết giữ lại hay không?”, Đại biểu Nhưỡng đặt câu hỏi và cảnh báo, trong vấn đề cổ phần hóa DNNN có hiện tượng để đó cho giảm khấu hao, cho rẻ, để mua lại, đặc biệt, có việc cài cắm một số nhân sự vào doanh nghiệp để thôn tính.

“Chỗ này có thể tạo ra Vũ “nhôm” khác”, ông Nhưỡng quan ngại.

Ông Nhưỡng đề nghị các cơ quan vào cuộc và cần có ngay thể chế, chính sách để bịt lỗ hổng trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường kiểm toán, thanh tra, điều tra.