Trước đó công ty sinh học thực hiện việc này đã nhân bản rất nhiều con chó, cũng cho mục đích thương mại, hướng tới những khách hàng muốn có cơ hội “ăn năn” về cái chết của con vật cũ.
Một công ty công nghệ sinh học Trung Quốc có tên Sinogene, nhằm mục đích kiếm tiền từ mong muốn của mọi người trong việc nhân đôi con thú cưng yêu quý của họ, đã tuyên bố thành công trong việc nhân bản một con mèo nhà.
Con mèo nhân bản – có tên là Dasuan, có nghĩa là Tỏi – là một con mèo gốc Anh được sinh ra tự nhiên vào ngày 21/7, 66 ngày sau khi chuyển phôi thành công. Sinogene cho biết đã bắt đầu nghiên cứu về nhân bản mèo từ tháng 8 năm ngoái. Theo công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này, người mẹ thay thế – người không có cùng huyết thống với con mèo được nhân bản – đang cư xử đúng vai trò của một người mẹ. Cả hai con vật đều có sức khỏe tốt.
Chủ sở hữu của Tỏi, Huang Yu, nói rằng anh ta đã đọc về Sinogene trong một bản tin vào cuối năm ngoái. Khi con mèo 2 tuổi của anh, mang tên Tỏi, chết vì nhiễm trùng đường tiết niệu vào tháng 1 năm nay, anh đã mang xác con vật đến bệnh viện thú cưng ở Ôn Châu, một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc. Các bác sĩ thú y ở đó đã có thể trích xuất các tế bào từ con vật đã chết rồi gửi chúng đến Sinogene. Sau nhiều tháng chờ đợi, Huang cuối cùng cũng được gặp Tỏi mới vào hôm 19/8 vừa qua và trở thành chủ sở hữu đầu tiên của một con mèo nhân bản.
“Tôi cảm thấy có lỗi vì đã chậm trễ trong việc điều trị”, Huang nói đến tình hình y tế của “Tỏi cũ”. “Phiên bản nhân bản vô tính này có thể bù đắp cho sự hối tiếc của tôi, cho tôi một cơ hội khác để yêu quý nó”.
Tỏi, con mèo nhân bản vô tính đầu tiên cho mục đích thương mại ở Trung Quốc.
Mặc dù số lượng mèo trong ngành công nghiệp thú cưng của Trung Quốc và tỷ lệ người dân sở hữu mèo vẫn ít hơn so với những con chó, một nền kinh tế của lũ mèo đã lộ diện và ngày càng phát triển. Theo “sách trắng” của ngành công nghiệp thú cưng Trung Quốc, phát hành gần đây thì quy mô của thị trường thú cưng nước này dự kiến sẽ đạt 202 tỷ nhân dân tệ (28,6 tỷ USD) trong năm nay, tăng từ 171 tỷ nhân dân tệ năm 2018. Riêng thị trường mèo ở Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng vượt xa thị trường chó trong năm nay.
Trước Tỏi, Sinogene đã nhân bản một con chó – có tên Longlong (còn gọi thân mật là Rồng) – cho mục đích nghiên cứu y tế vào tháng 5/2017, trước khi chính thực cung cấp dịch vụ thương mại này vào năm 2018. Công ty cho biết họ hy vọng sẽ nhân bản 500 con chó mỗi năm trong tương lai gần.
Sinogene hiện tính phí 380.000 nhân dân tệ (khoảng 54.000 USD) để nhân bản một con chó và 250.000 nhân dân tệ (khoảng 35.000 USD) để nhân bản một con mèo.
Con mèo nhân bản đầu tiên trên thế giới – được đặt tên là CC (viết tắt của Copy Cat hoặc Carbon Copy) – được sinh ra tại Đại học Texas, Mỹ vào tháng 12/2001. Năm 2005, con chó nhân bản đầu tiên trên thế giới, Snuppy, được sinh ra ở Hàn Quốc. Theo báo cáo, CC đã lớn lên với ngoài hình và tính cách hơi khác so với phiên bản di truyền của mình.
Mặc dù rất hào hứng, Huang đã thú nhận rằng anh hơi thất vọng khi nhìn thấy Tỏi mới lần đầu tiên. Mặc dù hình dáng bên ngoài cơ bản là như nhau nhưng vết lông đen đặc trưng trên cằm của con vật cũ đã biến mất.
Huang Yu, chủ nhân của Tỏi, phát biểu trong buổi lễ công bố sự kiện của Sinogene.
Feng Tanyu, 32 tuổi, sống ở Thượng Hải, là chủ sở hữu của một con mèo Ragdoll thuần chủng 7 tuổi. Là một người nuôi mèo, Feng nói rằng anh hiểu tiền đề đằng sau việc nhân bản vô tính thú cưng.
“Nhiều người chủ không thể vượt qua nỗi đau mất con mèo yêu quý của mình. Tôi nghĩ rằng một bản sao có thể là một ý tưởng tốt để giúp họ vượt qua quá trình đau buồn”, anh nói.
Nhưng một người yêu mèo khác, Zhang Yuan, cho rằng việc tạo ra một con mèo nhân bản không phải là một sự thay thế thích hợp. “Chó và mèo khác nhau. Chó có thể sống hạnh phúc bên cạnh hầu hết con người, trong khi mèo rất kén chọn và làm theo cảm xúc của chúng về việc có thích con người hay không”, anh chia sẻ. “Có vẻ ngoài giống nhau nhưng tính cách và khí chất khác nhau sẽ chỉ dẫn đến sự thất vọng và nỗi đau đớn hơn về lâu dài”.
Bất kể chuyện gì sẽ xảy tới trong tương lai, Huang nói rằng không thể chờ đợi để đưa Tỏi về nhà vào tháng 10. “Nếu công nghệ nhân bản vô tính mèo không được phát triển kịp thời”, anh nói. “Có lẽ tôi đã mất Tỏi vì điều đó, và rồi sẽ phải sống với sự hối tiếc cho đến hết đời”.
Tham khảo Sixthtone