Chuyên gia: Mỹ lớn tiếng dọa xóa sổ tên lửa Nga, nhưng mục tiêu lại là túi tiền của NATO

Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison. Ảnh: Reuters.

Theo chuyên gia người Anh Jonathan Steele, lời đe dọa “xóa sổ tên lửa Nga” của Đại sứ Mỹ tại NATO chỉ là lời hù dọa “giả tưởng” nhằm khiến các đồng minh NATO phải chi thêm tiền.

Đại sứ Mỹ tại NATO ám chỉ một cuộc tấn công phủ đầu?

Hôm 2/10 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO Kay Bailey Hutchison đã có phát ngôn gây sốc rằng Mỹ sẽ tìm cách xóa sổ các tên lửa hành trình của Nga, nếu Moskva đưa chúng vào hoạt động.

Đồng thời, bà Hutchison cũng yêu cầu Nga ngừng phát triển loại tên lửa hành trình 9M729 phóng từ mặt đất có khả năng hạt nhân, mà theo Moskva là có khả năng “xuyên thủng mọi lá chắn”. 

Nhiều ý kiến cho rằng bà Hutchison đã ám chỉ “một cuộc tấn công phủ đầu” trong lời đe dọa trên đối với Nga.

Phía Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án tuyên bố của Đại sứ Mỹ: “Có vẻ như những người đưa ra phát ngôn như vậy không hiểu đúng trách nhiệm của họ và độ nguy hiểm từ những lời lẽ gây hấn ấy”. Ngay sau đó, bà Hutchison đã phải đính chính lại tuyên bố của mình.

Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) được kí kết từ thời các cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev hồi năm 1987, với mục tiêu phá hủy các tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500km. Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Moskva vi phạm hiệp ước này.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Press TV, học giả Mỹ James Petras đã nhận định rằng bất kì nỗ lực nào của Mỹ nhằm loại bỏ các tên lửa của Nga đều có thể dẫn đến cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng giữa hai cường quốc hạt nhân này.

“Đây là tình huống vô cùng cực đoan, có nguy cơ dẫn tới Thế Chiến III”, ông Petras nói.

Chuyên gia: Mỹ lớn tiếng dọa xóa sổ tên lửa Nga, nhưng mục tiêu lại là túi tiền của NATO - Ảnh 2.

Thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ Thế Chiến III nếu Mỹ thực sự muốn xóa sổ tên lửa của Nga?

Mỹ giở chiêu “đòi tiền” NATO?

Tuy nhiên, theo chuyên gia về các vấn đề quốc tế Jonathan Steele, lời cáo buộc của Đại sứ Mỹ chỉ là một lập luận mang tính giả thiết được đưa ra để ‘đòi’ NATO mở hầu bao và chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.

Sau đây là đoạn trích từ cuộc phỏng vấn của báo RT (Nga) với chuyên gia Jonathan Steele:

RT: Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đây là lần đầu tiên Nga nhận được lời đe dọa như vậy (lời đe dọa của Đại sứ Bailey Hutchison) từ Mỹ. Điều này có ý nghĩa gì trong mối quan hệ hiện nay của hai nước Mỹ-Nga?

Jonathan Steele: Tôi nghĩ rằng [lời đe dọa Nga của bà Hutchison] liên quan tới nhu cầu duy trì hoạt động và gia tăng khoản chi tiêu quốc phòng của NATO.

Bà ấy đã đưa ra lời phát biểu trên trước thềm cuộc họp của NATO tại Brussels, trong đó có sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis. Tôi cho rằng bà ấy đang muốn lôi kéo sự quan tâm, đồng thời cảnh báo các đồng minh trong tổ chức [về Nga].

RT: Ông có cho rằng phát biểu này đã nhận được sự gật đầu của Lầu Năm Góc hay Nhà Trắng trước đó không? 

Jonathan Steele: Theo tôi thì có thể Nhà Trắng đã chấp thuận tuyên bố đó từ trước. Đây vốn là vấn đề không nhiều người được tiếp cận, bởi nó liên quan đến các loại tên lửa vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa từng được đưa vào sử dụng.

Đó gần như là một lập luận mang tính giả thiết, bởi chúng ta đang nói về những thứ trừu tượng, mà ngoài tình báo Mỹ ra thì chưa có người bình thường nào, hoặc thậm chí là NATO và các tổ chức tình báo khác trên thế giới, biết đến hay tận mắt chứng kiến. […]

RT: Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích rằng các quan chức Mỹ cần phải cẩn thận hơn trong việc lựa chọn từ ngữ, liệu điều này có khiến căng thẳng leo thang không, thưa ông?

Jonathan Steele: Đó là lí do phía Nga liên tục bác bỏ các cáo buộc [của Mỹ] rằng họ đang phát triển loại tên lửa này. Ta chưa thể biết được chính xác các loại tên lửa đó có tầm bắn là bao nhiêu, cho đến khi chúng được đưa vào thử nghiệm… khi ấy ta mới có thể đo đạc được tầm bắn của chúng.

Cho đến nay phía Nga vẫn tiếp tục bác bỏ, và có thể coi đó là động thái nhằm giữ bình tĩnh của họ. Nếu Moskva có ý đe dọa hay đáp trả Mỹ, thì khi ấy chúng ta mới nên lo sợ thực sự. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thì căng thẳng giữa hai bên mới chỉ dừng lại ở mức độ một bên cáo buộc, bên kia bác bỏ mà thôi.