Trầu nghĩa, trầu tình của người Quan họ

Ăn trầu là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Việt. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” nên trong mọi lễ nghi: Tế thần thánh, thờ cúng gia tiên, cưới hỏi, tang ma, giỗ chạp, lễ hội… bất kể giàu sang hay nghèo khó thì trầu cau luôn là thứ không thể thiếu.

Miếng trầu cũng là nơi gửi gắm tâm tình và thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, trong sinh hoạt văn hóa Quan họ, miếng trầu được tiếp nhận và nâng lên thành một nét đẹp văn hóa, trở thành mỹ tục với phong cách mời trầu lề lối, lịch lãm và tinh tế của người Quan họ.
Điều dễ nhận thấy, trong hầu hết các loại hình dân ca xứ Bắc đều có tục mời trầu trước khi bước vào cuộc ca hát như dân ca Ví Dặm, hát Trống quân… nhưng xuất hiện thường xuyên và thể hiện rõ tính chất lịch thiệp, tao nhã, hiếu khách thì chỉ có trong văn hóa Quan họ. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ Lê Danh Khiêm: “Tuy việc mời trầu là đặc điểm chung của văn hóa hành vi làng xã xưa, người Quan họ chỉ kế thừa nhưng việc mời trầu-nhận trầu được nâng lên mang một sắc thái riêng bởi những lời mời, lời đáp rất mực nhiệt thành, rất mực văn chương lại vừa bảo đảm chất chân thực, hiếu khách, trọng tình của người Quan họ”.
Ngay trang phục của các liền chị cũng luôn có bộ xà tích, trong đó có cái ống vôi ăn trầu. Tuy bây giờ, xà tích chỉ mang hình thức như phụ kiện trang trí làm duyên song công dụng thực tế trước kia chính là mang kèm ống vôi để ăn trầu. Miếng trầu đã và đang hiện diện trong mọi hoạt động của văn hóa Quan họ. Chẳng hạn, khi Quan họ nam tìm Quan họ nữ trong ngày hội xuân để xin kết bạn, việc đầu tiên là mời Quan họ nữ xơi khẩu trầu, sau mới ca cùng nhau và ngỏ lời xin kết bạn. Nếu bọn Quan họ nữ đồng ý, Quan họ nam lại sắm cơi trầu mang sang đình làng bọn Quan họ nữ để làm lễ Thánh chứng nhận cho tình bạn gắn kết thủy chung bền chặt mãi mãi.

Quan họ mời trầu quan khách tại sự kiện “Không gian Bắc Ninh trong lòng Hà Nội” năm 2023.

Trong tất cả các cuộc đón tiếp bạn hoặc trước khi bắt đầu canh hát chính thức, Quan họ chủ bao giờ cũng mời trầu Quan họ khách… Đã nhiều lần chúng tôi được nghe các nghệ nhân Quan họ làng Diềm (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) diễn xướng lề lối mời trầu: “Năm mới tháng xuân, đương Quan họ liền anh xuống làng nước chúng em chơi. Được tin chim nhạn báo, chị em chúng em têm giầu từ đêm hôm qua, giấu thầy giấu mẹ hôm nay chúng em đem ra mời người. Xin mời đương Quan họ xơi khẩu giầu rồi cùng chúng em ca canh hát cho mãn võ, tàn canh ạ!”.
Chứng tỏ, dù chỉ là một hành động nhỏ là mời trầu nhưng người Quan họ đã gửi gắm bao tâm tình của mình vào đó: “Giầu này, giầu tính, giầu tình/Giầu loan, giầu phượng, giầu mình, giầu ta/Giầu này têm tối hôm qua/Giấu thầy, giấu mẹ đem ra mời chàng”; hoặc “Đôi tay nâng lấy cơi giầu/Trước mời quý khách, sau mời đôi bên”; rồi “Trầu này kết bạn đôi người ơi/Đợi ngày duyên phận đẹp đôi phải chiều…”.
Khi mời trầu, người Quan họ thường dùng từ “xơi” thay cho từ “ăn” vừa giữ lễ nghĩa vừa thể hiện sự cung kính, khiêm nhường. Hơn nữa trong quá trình sửa soạn đón tiếp bạn, người Quan họ luôn có sự chuẩn bị chu đáo, têm trầu cánh phượng, cánh quế và xếp vào cơi rồi mới trân trọng mang ra mời khách. Nguyên liệu cũng vẫn là cau, trầu, vôi, vỏ nhưng trầu têm cánh phượng, cánh quế đòi hỏi công phu, cầu kỳ, tỉ mỉ. Chị hai, chị ba khéo léo cắt tỉa lá trầu thành hình cánh phượng, chọn loại vỏ đỏ dày để trang trí phần đuôi. Muốn miếng trầu thêm rực rỡ, tươi tắn, các liền chị còn cài một cánh hoa hồng vào cùng miếng vỏ tạo thành đuôi phượng, cho miếng trầu thêm hương thêm sắc. Chiếc cơi đựng trầu của người Quan họ thường bằng đồng, một số gia đình khá giả đựng trầu trong tráp gỗ tròn sơn son, chạm khảm trai lấp lánh, sang trọng.

Trầu têm cánh phượng hiện diện trong mọi hoạt động của văn hóa Quan họ.

Người xưa bảo, nhìn miếng trầu đã biết được người têm. Ăn miếng trầu lại càng biết được tính cách người têm đó giản dị hay cầu kỳ, đậm đà hay nhạt nhẽo… Trầu cánh phượng của người Quan họ luôn đậm đà bản sắc văn hóa Kinh Bắc, thấm đượm tình người, hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc và giàu tính thẩm mỹ. Cũng vì thế, trầu têm cánh phượng có sức hấp dẫn đặc biệt, để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời. Ấn tượng ấy không chỉ ở phong cách lịch thiệp, khiêm tốn, nhã nhặn trong văn hóa giao tiếp ứng xử, mà là vẻ đẹp của tinh thần hiếu khách, triết lý sống trọng nghĩa tình và sự gắn bó bền chặt, thủy chung trước sau như một của người Quan họ…
Ngày nay, trầu têm cánh phượng và văn hóa mời trầu lịch lãm vẫn luôn được người dân Bắc Ninh-Kinh Bắc trân trọng trao truyền và thực hành, phát huy trong đời sống đương đại, góp phần lan tỏa vẻ đẹp của triết lý trầu cau và truyền thống giao tiếp của người Việt.
Đáng chú ý, trong bối cảnh toàn cầu hóa với định hướng phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, nhiều người trẻ sáng kiến và biến tấu miếng trầu của người Quan họ thành những sản phẩm nghệ thuật có giá trị trong lĩnh vực trang trí sân khấu, thời trang, nội thất… Có những miếng trầu têm cánh phượng công phu đựng trong những chiếc hộp hình vuông, hình trái tim trong suốt, tạo thành sản phẩm quà tặng đặc trưng, giàu giá trị thẩm mỹ, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc…

Thanh Lâm
Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-bac-ninh-xua-va-nay/-/details/20182/trau-nghia-trau-tinh-cua-nguoi-quan-ho