Thương vụ đấu thầu ở Dubai trị giá gần 1 tỉ USD rất “oai hùng” nhưng lại không phải là chiến tích kỳ diệu nhất của Chung Ju Yung.
LTS: Ở bài trước, chúng tôi đã kể lại 4 “trận đánh” tầm vóc lớn trong sự nghiệp của người sáng lập Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung. Nhưng còn một trận đánh nữa – trận đánh thứ năm – dự án Cảng đóng tàu Ulsan.
Tuy quy mô vốn nhỏ bé hơn dự án Cảng Dubai, nhưng chính cái cách Chung Ju Yung vượt qua nhiều cửa ải “khó như lên trời” mới là điều đáng nói, nó để lại những bài học sâu sắc về tinh thần dám nghĩ lớn, dám thất bại, không lùi bước.
Có lẽ đó cũng là lý do vì sao Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng lựa chọn, giới thiệu cuốn sách này trong bộ sách Nền tảng đổi đời, đem trao tặng tận tay giới trẻ để khích lệ họ trên con đường khởi nghiệp – kiến quốc hùng cường.
Dù trong lĩnh vực xây dựng hay các ngành công nghiệp nặng khác, Hyundai đã có chỗ đứng cao trên thương trường quốc tế, nhưng Chung Ju Yung cho rằng, nếu chỉ dựa vào đó thì chưa thể đủ sức tái thiết đất nước, giải quyết nạn khan hiếm ngoại hối và năng lực yếu kém trong trả nợ nước ngoài. Vì thế, Chung Ju Yung quyết tâm bước vào lĩnh vực đóng tàu, lúc đó vẫn còn là ngành kinh tế mới mẻ tại Hàn Quốc mà chưa một công dân nào nước này có kinh nghiệm đóng và lái tàu cỡ lớn.
Năm 1970, Chung Ju Yung mua khoảng 800.000m2 đất làm cảng ở Ulsan, bắt đầu đóng cọc thử nghiệm. Tuy nhiên, cọc cứ đóng vào lại bị đẩy ra khiến ông phải chọn mảnh đất khác là nơi nối liền cảng Chonha, Mipo và Ilsan.
Năm 1971, ông ký hợp đồng hợp tác kỹ thuật với công ty Epuldoor của Anh và nhà máy đóng tàu Scotlisgo, nhưng như vậy là chưa đủ. Khó khăn nhất là vấn đề vốn đầu tư.
Chung Ju Yung đến London, gặp chủ tịch của Epuldoor, Longbottom để hỏi ý kiến làm thế nào vay được tiền của Ngân hàng Barclays, vì trước đây Hyundai đã bị ngân hàng này từ chối cho vay vốn. Nhưng rồi chính ông Longbottom cũng e ngại lắc đầu vì chưa có ai đặt hàng mua tàu của Hyundai và giới tài chính Anh chưa tin rằng người Hàn Quốc có thể làm được.
Chung Ju Yung “nghẹt thở” khi nghe câu nói này. Nhưng đột nhiên ông nhớ tới tờ 500 won trong túi, liền rút ra đưa cho Longbottom xem: “Ông hãy xem đồng tiền này. Đây là thuyền con rùa đấy!”.
Tờ 500 won Hàn Quốc với mặt trước có in hình con thuyền rùa.
Rồi Chung Ju Yung hăng hái nói về ý tưởng của người Hàn Quốc đã từng khát vọng đóng được con những chiếc thuyền bọc sắt từ thế kỷ 16, tức là trước gần 300 năm so với lịch sử ngành đóng tàu của Anh. Và Chung Ju Yung tin, dù chính sách bế quan tỏa cảng đã khiến Hàn Quốc lạc hậu, nhưng “tiềm năng thì vẫn vậy”.
Dường như ông Longbottom đã rất xúc động trước lòng nhiệt thành và khát vọng của Chung Ju Yung. Ông Longbottom bật cười, và gật đầu nhận giúp đỡ, thúc đẩy Ngân hàng Barclays xem xét hồ sơ. Barclays cử người thẩm định 3 dự án nhiệt điện, phân bón, xi măng do Hyundai xây dựng – kết quả là họ rất hài lòng. Nhưng họ vẫn muốn gặp Chung Ju Yung một lần nữa.
Bài thuyết trình xuất sắc này đã giúp Chung Ju Yung vượt qua… “vòng gửi xe”. Vì Barclays yêu cầu Chung Ju Yung phải tiếp tục phải xin được chữ ký bảo lãnh của Tổ chức Bảo lãnh xuất khẩu Anh (ECDG). Chữ ký này là lời công nhận nếu nước vay tiền không có khả năng chi trả thì chính phủ Anh sẽ phải trả hộ. Đó là “trận địa” cuối cùng trong hành trình xin vốn, khó ngang lên trời.
Chung Ju Yung đã đến gặp Chủ tịch của tổ chức này và nhận được câu hỏi khá hoắc búa rằng: “Nếu tôi là khách mua tàu, tại sao lại phải chọn Hyundai mà không phải là các hãng đóng tàu uy tín lâu năm trên thế giới“. Không đợi Chung Ju Yung trả lời, người Chủ tịch tổ chức bảo lãnh cho rằng, ông ta muốn nhìn thấy những cam kết xác thực.
Chung Ju Yung bước vào chặng đường đi chào hàng khi chẳng có chiếc tàu nào trong tay, ngay cả xưởng đóng tàu đang xây dựng ở Hàn Quốc cũng chưa chắc được phê duyệt. Có lẽ Chung Ju Yung là người bán hàng đặc biệt khi ngay cả cơ sở sản xuất cũng không có nhưng lại chào mời người mua tin rằng sản phẩm được của mình sẽ có giá rẻ nhất, tốt nhất, bền nhất hành tinh.
Câu chuyện hài hước đó khiến nhiều người cười nhạo Chung Ju Yung. Tuy nhiên, khát vọng quá lớn đã giúp ông thay đổi vận số. Libanos – con trai vua tàu biển Onasis – người điều hành cả công ty vận tải biển cực lớn với bề dày hơn 100 năm kinh nghiệm tại Hy Lạp đã quyết định đặt mua 2 chiếc tàu loại 260,000 tấn, đặt cọc 1,4 tỷ won và hẹn 5 năm sau nhận thành phẩm.
Chung Ju Yung đã làm nên điều không tưởng: bán tàu khi thậm chí còn chưa có cả kinh nghiệm làm ra loại sản phẩm đó. Với kết quả hy hữu này, ông đồng thời cũng làm nên một kỳ tích đáng nể, đó là từ tờ 500 won mang đến ngân hàng Barclays, ông đã vay thành công 50 triệu USD mang về Hàn Quốc. Tháng 3 năm 1972, nhà máy đóng tàu Hyundai khởi công với số vốn khổng lồ lên tới 80 triệu USD, dự kiến hoàn công vào tháng 6 năm sau.
Nhà máy đóng tàu Hyundai
Nhà máy đóng tàu và khu vực hạ thủy nhìn trên bản đồ. Ảnh: namu.moe
Để xây dựng nhà máy đóng tàu Hyundai, Chung Ju Yung cũng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Ông đốc thúc công ty xây dựng, công ty sản xuất thiết bị công nghiệp nặng và nhà máy xi măng, nhà máy sắt thép của mình tập trung cao độ cho đại dự án của Tập đoàn.
Đến thời điểm đó, con tàu lớn nhất mà người Hàn Quốc nhìn thấy là loại 17.000 tấn, cả đất nước không có lấy một vị thuyền trưởng nào đủ khả năng điều khiển con tàu 260.000 tấn. Vậy nhưng, Chung Ju Yung vẫn tin rằng, dù làm tàu lớn hay nhỏ, họ cũng sẽ làm nhanh nhất, tốt nhất. Năm 1974, sau khi hoàn thành, chiếc tàu này dài hơn 270m, cao 27m, trông như ngọn núi đồ sộ. Trước khi hạ thủy 1 ngày, bến đỗ ngoài cảng vẫn chưa nạo vét xong, công nhân phải làm việc cả ban đêm để đẩy nhanh tiến độ.
Đêm trước ngày hạ thủy, Chung Ju Yung vô cùng áp lực. Chính ông cũng không biết, con tàu mà ông cùng hàng nghìn người khác vất vả làm ra khi xuống nước thì sẽ như thế nào. “Nếu nó chìm thì bao nhiêu công sức chỉ coi như dã tràng xe cát“, Chung Ju Yung suy nghĩ.
Sau 4 giờ vất vả để đưa con thuyền ra cảng, cuối cùng 2 chiếc tàu khổng lồ được chủ tàu đặt mua dựa vào lòng tin và sự tín nhiệm với Chung Ju Yung cùng xuất sắc nổi trên mặt nước. Hyundai đã đóng thành công 2 con tàu lớn 260.000 tấn chưa từng có trong lịch sử đất nước. Họ đã hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn, chỉ mất 2 năm trong tổng tiến độ 5 năm mà đối tác đề ra khiến các hãng uy tín hàng đầu thế giới phải nể phục.
Để làm được điều ấy, Chung Ju Yung vừa xây nhà máy vừa bắt tay vào đóng tàu. 17.000 kỹ sư, công nhân, quản lý đã tức tốc vừa học vừa làm, vừa sai vừa sửa và dồn toàn bộ tâm sức vào đó. Họ làm việc xuyên ngày đêm không chỉ vì đấy là công việc, là kế sinh nhai mà còn vì niềm tin và lòng tự hào rằng người Hàn Quốc cũng có thể đóng được những con tàu cỡ lớn.
Theo tầm nhìn của Chung Ju Yung, ông buộc phải “nhảy” vào lĩnh vực đóng tàu bởi nó không chỉ là ngành có lợi nhuận cao mà còn có vai trò kết nối, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển như ngành xây dựng, công nghiệp cơ khí, hóa chất, sắt thép… cùng hàng trăm dịch vụ khác ăn theo. Khi nhà máy đóng tàu Hyundai lớn mạnh, nó có khả năng kéo cả nền kinh tế Hàn Quốc cùng đi lên. Và để đóng tàu có lợi nhuận, giành được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, Hyundai không còn con đường nào khác là sản xuất tàu nhanh nhất với giá rẻ nhất cùng chất lượng đáng nể nhất thế giới. Và lịch sử đã chứng minh, tầm nhìn chiến lược của Chung Ju Yung – một người chưa từng học đến lớp 6 đã giúp đất nước Hàn Quốc thay đổi cục diện.
Có một chuyện thú vị là thời điểm Chung Ju Yung khởi công nhà máy đóng tàu, một vị Phó Thủ tướng của Hàn Quốc khi đó, đồng thời là một học giả kinh tế khả kính, đã thách thức rằng, nếu Hyundai thành công thì ông ta sẽ đốt mười đầu ngón tay và lên thiên đường! Rất nhiều người và giới truyền thông Hàn Quốc khi đó đã nghĩ Chung Ju Yung khùng điên, cho rằng ông tự đâm đầu vào con đường phá sản…
Với cuộc “cách mạng” này, Hyundai nhanh chóng đã trở thành một trong 3 hãng đóng tàu lớn mạnh trên toàn cầu và sự ra đời của nó đến nay vẫn còn được xem là huyền thoại.
“Tiềm năng của con người là vô hạn và điều đó hứa hẹn một khả năng vô hạn với bất cứ ai. Tôi chỉ là một người nhiệt tình nắm bắt các tiềm năng của mình, biến những khả năng ấy thành hiện thực chứ không phải một con người đặc biệt”, Chung Ju Yung khẳng định.
* Nội dung các bài viết được rút từ tự truyện “Không bao giờ là thất bại, Tất cả là thử thách” của người sáng tập Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung và nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.
* Đón đọc bài tiếp theo: Vì sao Chung Ju Yung không bao giờ nghĩ mình giàu có?