Nhằm khai thác tối đa hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các mặt hàng nông sản.
Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hoàng Mạnh – Giám đốc HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên (khu 7, xã Hương Nộn, Tam Nông), một trong những cơ sở “tiên phong” ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào hoạt động sản xuất nông nghiệp về phương thức sản xuất nông nghiệp thời hiện đại.
Khu vực nhà màng trồng cà chua theo hướng hữu cơ tại HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên.
PV: Phương thức, tập quán sản xuất của nhà nông là kết quả từ quá trình tích luỹ, sàng lọc kinh nghiệm, kiến thức của nhiều thế hệ. Động lực nào đã khiến ông quyết tâm thay đổi “phong cách” – tư duy làm nông nghiệp của mình, trong thời điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp vẫn còn là phương thức khá mới mẻ trên địa bàn?
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh: Tôi bắt đầu khởi nghiệp mô hình trồng rau màu và ổi từ những năm 1993. Ngày ấy, cũng như các hộ nông dân khác trong xã, vốn đầu tư thấp, diện tích canh tác manh mún, mặt hàng nông sản nghèo nàn, phương thức sản xuất truyền thống, tự phát, nhỏ lẻ nên năng suất và chất lượng nông sản không cao. Quy trình sản xuất truyền thống khiến chúng tôi gần như “bị động” trước các tác động của biến đổi khí hậu, sâu bệnh, thị trường tiêu thụ,… Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã trở thành câu chuyện không của riêng ai suốt nhiều vụ mùa.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh – Giám đốc HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên.
Năm 2010, khi các chính sách, đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo sức cạnh tranh cao trong thị trường được triển khai sâu rộng đến các địa phương, tôi bắt đầu có những hình dung rõ nét về xu hướng làm nông nghiệp hiện đại, bền vững. Khoảng thời gian sau đó, tôi chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp qua các mô hình “đi đầu” trong nước, các chương trình tọa đàm, hội thảo về ứng dụng CNC trong hoạt động nông nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng; tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cách tiếp cận và ứng dụng CNC do Trung tâm khuyến nông tỉnh tổ chức… Khi đã nắm được những nền tảng căn bản và đầy đủ về phương thức sản xuất mới này, tôi cùng với bảy hộ thành viên trong HTX đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng CNC trong sản xuất rau màu, củ, quả… làm tiền đề từng bước nâng chất lượng, năng suất các mặt hàng nông sản tại HTX.
HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên hiện chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ. Dưa leo, dưa lê, ổi là ba sản phẩm chủ lực của HTX được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao. Mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường 100 tấn rau củ quả các loại, đạt doanh thu hơn 2 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng.
PV: Sau hơn 20 năm làm nông nghiệp theo lối truyền thống, năm 2016 có thể coi là dấu mốc để HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên có bước chuyển mình. Qua bảy năm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hoạt động sản xuất nông sản, HTX đã có sự thay đổi như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh: HTX chúng tôi hiện tập trung sản xuất các loại quả và rau ăn lá các loại đạt tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ. Để đáp ứng được điều này, toàn bộ 3,5ha diện tích đất canh tác của HTX được đầu tư 100% hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tự động hoá; trong đó có 7.000m2 nhà màng được lắp đặt các hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư một số thiết bị, máy móc chuyên dụng phục vụ hoạt động chăm sóc, kiểm tra cây trồng trong quá trình sinh trưởng và phát triển như máy đo độ PH của đất, máy xạ kế cầm tay đo độ ngọt quả trái cây, nước, rau củ; ứng dụng phần mềm “Agritech- Chuỗi nông nghiệp số” bằng thiết bị di động để theo dõi, quản lý hoạt động sản xuất rau củ quả tại HTX, giúp các nhà phân phối, người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm kịp thời, nhanh chóng…
Từ khi ứng dụng CNC vào quá trình sản xuất, chi phí về vật tư và công lao động giảm đáng kể, năng suất cây trồng tăng gấp 2- 3 lần so với phương thức canh tác truyền thống, chất lượng nông sản đồng đều. Ứng dụng CNC giúp chúng tôi chủ động nắm bắt tốc độ sinh trưởng, kịp thời bổ sung dưỡng chất giúp cây trồng phát triển trong điều kiện tốt nhất; công tác phòng ngừa sâu bệnh được kiểm soát; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và những rủi ro về biến đổi khí hậu được hạn chế tối đa.
Đặc biệt, việc canh tác trong nhà màng giúp hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, khắc phục tình trạng mất mùa vụ, một số mặt hàng nông sản như dưa leo, dưa lưới cho năng suất ổn định, thu hoạch quanh năm góp phần nâng sản lượng, tạo doanh thu ổn định, bền vững. Các hộ thành viên rất phấn khởi với hiệu quả từ cách làm này lắm!
Một số thiết bị chuyên dụng được ông Nguyễn Hoàng Mạnh sử dụng trong quá trình sản xuất nông sản tại HTX.
PV: Việc thay đổi một thói quen có thể không khó, nhưng thay đổi cả phương thức sản xuất đã in sâu, gắn liền với đời sống thì hoàn toàn không dễ dàng. Quá trình ứng dụng và vận hành hệ thống thiết bị CNC trong sản xuất nông nghiệp, ông có những cảm nhận gì từ những kết quả đã đạt được?
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh: Từ thực tiễn quá trình chuyển hướng phương thức sản xuất nông nghiệp tại HTX, tôi đúc rút ra được ba bài học quý giá.
Thứ nhất, nhà nông cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cần “nhạy bén” trước nhu cầu, xu thế của thị trường để xác định chủng loại, tiêu chuẩn sản phẩm cần sản xuất. Xã hội ngày càng tiến bộ, thị hiếu khách hàng tăng cao, những sản phẩm an toàn – chất lượng sẽ có sức cạnh tranh, chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy những hạn chế trong phương thức canh tác truyền thống sẽ dần trở nên bất cập, thiếu sức cạnh tranh. Thứ hai, liên kết chuỗi sản xuất nông sản là một trong những giải pháp giúp nhà nông tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động nông nghiệp. Hiện nay, thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, bấp bênh, giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, để đầu tư xây dựng khu vực canh tác với công nghệ hiện đại, chi phí gấp từ 4 – 5 lần so với xây dựng mô hình nông nghiệp truyền thống. Đầu tư một héc ta nhà màng có đầy đủ hệ thống tưới nước, bón phân tự động hóa cần ít nhất 10 tỉ đồng. Điều này gần như không thể thực hiện với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô manh mún… Thứ ba, ngoài tố chất “dám nghĩ, dám làm” thì việc trau dồi kiến thức – kinh nghiệm – trải nghiệm, đầu tư thận trọng là điều kiện cần có chắc để nhà nông chạm tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.
PV: Ứng dụng CNC là “chìa khóa” quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, tiết kiệm nhân lực, vật tư, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các mặt hàng nông sản. Đây vừa là thách thức vừa là động lực để những nhà nông thời đại mới nỗ lực, chủ động trau dồi kiến thức và kỹ năng ứng dựng CNC, vận dụng có chọn lọc vào hoạt động sản xuất nông sản tại địa phương. Xin cảm ơn những chia sẻ quý báu của ông!
Mai Bích (thực hiện)
Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/chuyen-doi-so/lam-nong-thoi-cong-nghe/191368.htm