Theo Bloomberg, Washington đang sử dụng một vũ khí mạnh hơn nhiều so với thuế quan để đối phó Trung Quốc, đó là tập trung vào kiểm soát xuất khẩu.
Thuế quan luôn là công cụ chính để Washington thúc đẩy các cuộc đàm phán trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc thời gian qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tự gọi mình là “người thuế quan”, ông cho rằng thuế là công cụ trực tiếp nhất để giảm thâm hụt thương mại, mang lại thu nhập cho Mỹ và uy hiếp Trung Quốc.
Theo Bloomberg, Trump mới đây tiết lộ một loại vũ khí còn mạnh hơn rất nhiều so với thuế quan, đó chính là không tập trung “hỏa lực” vào nhập khẩu, mà là kiểm soát xuất khẩu.
Bloomberg cho biết, Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái đã thông qua một đạo luật, yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ nỗ lực mở rộng và siết chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, tập trung vào các công nghệ tiên tiến như xuất khẩu trí tuệ nhân tạo (AI), robot, in 3D và các công nghệ khác được thúc đẩy bởi giới chức “diều hâu” trong nội các của ông Trump. Ngoài ra, các quy định mới có khả năng sẽ được mở rộng đối với việc tuyển dụng nhân tài, bởi vì tri thức cũng có thể được coi là mặt hàng xuất khẩu.
Chính quyền Trump trong vài tuần qua đã thúc đẩy các biện pháp cắt đứt tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ quan trọng bằng cách áp đặt giới hạn với các doanh nghiệp Mỹ cung ứng linh kiện cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Các báo cáo cũng nói rằng Nhà Trắng đang cân nhắc trừng phạt thêm ít nhất 5 công ty công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực giám sát bằng camera.
Từ năm ngoái, chính phủ Mỹ đã tiến hành thảo luận với các ngành công nghiệp khác nhau về giải pháp cập nhật và xác định danh sách kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại. Chương trình này có thể được hoàn thành trong vòng vài tuần tới.
Theo Bloomberg, các công ty công nghệ lo sợ rằng họ có thể bị cuốn vào cuộc chiến thương mại, bởi vì các mức thuế trước đây ít ảnh hưởng đến các công ty định hướng dịch vụ như Google và Microsoft.
Những doanh nghiệp Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo, như General Electric (GE) cho rằng AI là một khái niệm rất rộng, có thể bao gồm các thiết bị y tế, đồ chơi,… Hãng này cho rằng việc sử dụng khái niệm rộng trong hạn chế xuất khẩu có thể là rào cản đối với những sản phẩm như công nghệ chẩn đoán hình ảnh trong ngành y, hoặc ứng dụng công nghệ AI trong đồ chơi biết nói.
Theo Microsoft, một số phát triển công nghệ cần phải có sự hợp tác quốc tế, các biện pháp hạn chế có thể khiến các công ty Mỹ khó cạnh tranh, giảm khả năng và lợi ích đổi mới của Mỹ.
William Reinsch, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), người chịu trách nhiệm về hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton, cho biết việc cân bằng các hạn chế là một nhiệm vụ khó khăn.
“Nếu quá lỏng lẻo, các công nghệ chính cuối cùng sẽ rơi vào tay các đối thủ; nếu quá nghiêm ngặt, nó sẽ hạn chế khả năng các công ty công nghệ cao của Mỹ phát triển và đổi mới,” ông nói.
Ông cho biết thêm, Huawei là một ví dụ điển hình, mặc dù lệnh cấm kép gần đây mặc dù có thể đả kích hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng đánh vào giá cổ phiếu của Qualcomm và các nhà cung cấp chip khác.
Trong báo cáo mới được công bố, các nhà nghiên cứu tại Quỹ công nghệ thông tin và sngs tạo (Information Technology & Innovation Foundation) cảnh báo, các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ có thể khiến Mỹ thiệt hại 56 tỷ USD và đe dọa 74.000 việc làm trong 5 năm tới.