Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Bài học của Nhật Bản trong quá khứ có thể trở thành lời cảnh tỉnh đối với Trung Quốc ngày nay, khi chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng nóng bỏng.
Khi tâm điểm chú ý về cuộc cạnh tranh thế kỷ giữa Trung Quốc và Mỹ đang nằm ở lĩnh vực thương mại và công nghệ, nhất là sau khi tập đoàn Huawei của Trung Quốc bị dồn vào cảnh nước sôi lửa bỏng, có thể những con “cá kính tài chính” đã sẵn sàng cho hành động tiếp theo.
Tới tấp đưa “đơn thuốc” tiếp sức cho đồng nhân dân tệ
Trước cuối tháng 4/2019, thị trường lạc quan về khả năng Mỹ-Trung sẽ đạt được thỏa thuận thương mại, cho nên, các nhà đầu tư cơ bản đều kỳ vọng vào việc đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ tăng giá. Tuy nhiên, vào ngày 5/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên Twitter rằng từ ngày 10/5 mức thuế nhập khẩu 10% đang áp dụng với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ được tăng lên thành 25%.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung sau đó cũng rơi vào bế tắc, không biết khi nào sẽ nối lại, hai bên rất ít khả năng đạt được thỏa thuận thương mại song phương trong ngắn hạn. Tới nay, qua 10 phiên, đồng NDT giao dịch ở Trung Quốc Đại lục và nước ngoài lần lượt mất giá 2.7% và 3,2%. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã phải dồn dập “đưa đơn thuốc” để ổn định đồng NDT.
Phó Tổng Giám đốc PBoC kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Ngoại hối nhà nước Trung Quốc Phan Công Thắng mới đây đăng đàn trấn an dư luận, nhấn mạnh PBoC hoàn toàn có cơ sở và năng lực để bảo vệ sự vận hành ổn định của thị trường ngoại hối Trung Quốc.
Tiếp đó, vào ngày 23/5, tờ Thời báo Tài chính của Trung Quốc đã dẫn lời một Phó Tổng Giám đốc khác của PBoC kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển ổn định tài chính (NDRC) Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Lưu Quốc Cường, cho rằng gần đây do ảnh hưởng của va chạm thương mại Trung-Mỹ, đồng NDT đã mất giá nhất định. Phản ứng của tỷ giá đồng NDT trước kỳ vọng của thị trường là logic nội tại của kinh tế thị trường, cũng cho thấy tỷ giá đã phát huy vai trò “công cụ ổn định tự động” đối với kinh tế vĩ mô và cán cân thu – chi quốc tế.
Ông Lưu khẳng định tình hình thị trường vẫn ổn định, không có và cũng không cho phép “xẩy ra chuyện”. Các cơ quan truyền thông Trung Quốc cũng vào cuộc, ví như tờ Kinh tế Tham khảo thuộc Tân Hoa xã đã đăng bình luận trên trang nhất chỉ rõ không có cơ sở để tỷ giá đồng NDT giảm mạnh.
Về hành động thực tế, vào ngày 15/5, PBoC đã phát hành 20 tỷ NDT trái phiếu ngân hàng trung ương ở Hồng Kông. Sau đó, vào ngày 21/5, PBoC tuyên bố sẽ sớm nối lại hoạt động nghiệp vụ này.
Trước đây, việc PBoC phát hành trái phiếu bằng đồng NDT tại Hồng Kông, chủ yếu là nhằm đưa Hồng Kông trở thành trung tâm giao dịch NDT bên ngoài Trung Quốc Đại lục. Nhưng lần này, câu chuyện có thể còn mang một mục đích khác là để thắt chặt tính thanh khoản bằng đồng NDT, khiến lợi suất đồng NDT giao dịch bên ngoài Trung Quốc tăng lên, đương nhiên, giá thành bán khống đồng NDT cũng tăng theo, giúp ổn định tỷ giá và kỳ vọng về đồng NDT.
Một động thái không bình thường khác xác tín thêm cho nhận định nêu trên, đó là trong tuần qua, tỷ giá tham chiếu của đồng NDT mỗi ngày chỉ được điều chỉnh 2 điểm phần trăm và nằm dưới ngưỡng 6.9 NDT đổi 1 USD. Dường như PBoC muốn phát đi thông điệp về quyết tâm duy trì sự ổn định của đồng NDT, trong ngắn hạn, rủi ro đồng NDT phá mốc tâm lý quan trọng 7 NDT đổi 1 USD sẽ giảm xuống.
Lo cho lâu dài, nhưng cần dập lửa trước mắt
Sau ba năm kể từ 2016, vào ngày 20/5 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở lại Giang Tây. Tại đây, ông kêu gọi người dân Trung Quốc bắt đầu cuộc “vạn lý trường chinh mới”.
Thông qua việc gợi nhớ những ngày tháng gian khổ khi Hồng quân công nông Trung Quốc bắt đầu hành trình trong nội chiến ở nước này vào thập niên 1930, ông Tập dường như muốn truyền cảm hứng cho người dân trong bối cảnh chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ.
Theo nghiên cứu cao cấp Trương Yến Sinh thuộc Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc nằm dưới sự quản lý của Ủy ban Cải cách Phát triển nhà nước (NDRC) Quốc vụ viện, tới năm 2035 quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ rất có thể trong tình trạng vừa đàm vừa đánh, vừa đánh vừa đàm.
Trong một bài viết được đăng tải trên tờ Zaobao (Singapore) ngày 24/5, ông Trương cho rằng trước năm 2020, Trung-Mỹ sẽ “múa gươm tuốt kiếm” trên phương diện ý đồ chiến lược, thăm dò nhau và rất dễ xảy ra hiểu nhầm. Từ năm 2021 đến năm 2025, hai nước sẽ va chạm trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, tài chính… Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Từ năm 2026 đến năm 2035, Trung-Mỹ sẽ từng bước chuyển từ đối kháng phi lý tính sang hợp tác lý tính. Vì vậy, người dân cần chuẩn bị tâm lý, không nên kỳ vọng vào khả năng chiến tranh thương mại Trung-Mỹ có thể giải quyết hoàn toàn trong thời gian ngắn.
Sau khi Mỹ tăng thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thực thi các biện pháp đẩy tập đoàn Huawei của Trung Quốc vào cảnh “nước sôi lửa bỏng”, ngọn lửa chiến tranh thương mại đã cháy sang lĩnh vực khoa học công nghệ, khiến cả thế giới tập trung chú ý vào khả năng căng thẳng Mỹ-Trung sẽ leo thang toàn diện.
Nhưng ở góc nhìn khác, nguyên Cục trưởng Cục Điều tra thống kê của PBoC Thịnh Tùng Thành nhận định chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ Trung-Mỹ đều là câu chuyện tính bằng thập niên, vấn đề hiện nay là cần rút bài học của Nhật Bản, ra sức tránh chiến tranh tài chính.
Tới năm 2035 quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ rất có thể trong tình trạng vừa đàm vừa đánh, vừa đánh vừa đàm
Theo ông Thịnh, trong quá trình va chạm thương mại, thuế quan dù ở mức 5% hay 25% thì về cơ bản có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, tác động của va chạm tài chính thì rất khó để đảo ngược, cũng rất khó kiểm soát mức độ ảnh hưởng.
Hiện nay, ở Trung Quốc tồn tại ý kiến cho rằng cần phá giá đồng NDT một cách thích hợp để giảm gánh nặng của doanh nghiệp do tác động tiêu cực bởi biện pháp trừng phạt thuế quan. Nhưng theo Thịnh Tùng Thành, cần phải tránh việc này bởi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện nay không còn phụ thuộc vào thặng dư thương mại nữa, đóng góp của xuất khẩu ròng đối với tăng trưởng kinh tế đã rất hạn chế, nhu cầu trong nước đã trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lý lẽ của chuyên gia này không phải không có cơ sở. Điều tra của Reuters đối với 12 nhà đầu tư cho thấy mức độ bán khống đồng NDT đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng, cho thấy sau khi Mỹ nâng mức thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 10/5, các nhà đầu tư cơ bản đã nghĩ tới tương lai ảm đạm của đồng NDT.
Nói cách khác, những con “cá kính tài chính” đã sớm ngửi thấy mùi mất giá của đồng NDT, bán đồng NDT đi khi giá cao, tìm nơi trú ẩn tránh rủi ro và mua lại đồng NDT trả lại kho lúc giá xuống thấp.
Cho nên, bất cứ một động thái chính sách nào hình thành kỳ vọng đồng NDT mất giá, Trung Quốc có thể phải đối mặt với “những thập kỷ mất mát” mà Nhật Bản trải qua khi xưa.