Khi Trung Quốc và Mỹ bắt đầu hình thành liên minh mới, các quốc gia và các doanh nghiệp sẽ buộc phải lựa chọn.
Sự rạn nứt lâu dài
Từ lâu nay, tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói mục tiêu của chính sách thương mại mà ông theo đuổi chỉ đơn thuần là nhằm đạt được những thỏa thuận tốt hơn cho người dân Mỹ. Nhưng khi chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng, dường như chính sách của ông Trump sẽ còn dẫn tới một hậu quả khó lường là sự rạn nứt “vĩnh viễn” với Trung Quốc và sự sắp xếp lại trật tự thế giới mới.
Đầu tiên, phải kể tới những bằng chứng rõ nét nhất cho sự rạn nứt với Trung Quốc. Đàm phán thương mại bế tắc đã khiến các nhà đàm phán Trung Quốc phải đột ngột thay đổi các điều khoản thỏa thuận. Sự thay đổi có thể đã làm chính quyền ông Trump bất ngờ, nhưng tổng thống Mỹ đã ngay lập tức đáp trả.
Ông Trump “tung đòn” thuế quan cao, sau đó áp lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ hợp tác kinh doanh với công ty điện tử viễn thông Huawei – một trong những “gã khổng lồ” công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.
Những động thái này đã dồn Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào thế bí và biến cuộc chiến tranh thương mại trở thành một vấn đề về lòng tự tôn dân tộc. Tới nước này, rất khó để Mỹ – Trung có thể sớm đạt được một giải pháp nhanh chóng. Ngoài ra, người dân Trung Quốc cũng sẽ không chịu thêm bất kì nhượng bộ nào trước Mỹ.
Ảnh minh họa: FREDERIC J. BROWN/AFP
Cách ông Trump giải quyết vấn đề thương chiến khác biệt hoàn toàn so với chiến lược đàm phán của ông đối với các vấn đề khác. Mặc dù ông Trump phản đối Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trong suốt thời kì tranh cử, ông vẫn ca ngợi sự cải cách của hiệp định này là một sự thành công lớn mặc dù sự khác biệt chỉ là về hình thức bên ngoài. Ông Trump còn sẵn sàng trì hoãn thuế quan đối với Canada và Mexico để Quốc hội Mỹ thông qua dễ dàng hơn.
Tương tự, ông Trump tự hào về cuộc đàm phán “thành công” với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mặc dù hai bên vẫn chưa đạt được những thành tựu thương thuyết nhất định. Trong khi đó, thái độ cứng rắn của ông Trump với hoạt động thương mại của Châu Âu và Nhật Bản, và sự phản đối đối với khoản đóng góp quốc phòng quá ít của các đồng minh NATO, hầu như chỉ là những lời tuyên bố không đem lại mấy hiệu quả thiết thực.
Trật tự thế giới mới?
Tuy nhiên, với vấn đề Trung Quốc, ông Trump lại đặc biệt “mạnh tay”. Ông khuyến khích các chuỗi cung ứng Mỹ rời khỏi Trung Quốc và thiết lập các chương trình hỗ trợ để giúp giảm thiệt hại mà người nông dân Mỹ phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh thương mại dài hơi.
Đây cũng là điểm mấu chốt của vấn đề. Một cuộc chiến thương mại lâu dài sẽ gần như thay đổi toàn diện hệ thống kinh tế trên thế giới. Các chuỗi cung ứng đi qua Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và các nhà sản xuất thế giới sẽ phải quyết định liệu sẽ theo phía Mỹ hay về phe Trung Quốc.
Chuyện này đã và đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Việc Trung Quốc quản lí chặt chẽ internet đã khiến thế giới bị “chia đôi”: một bên sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi những công ty lớn của Mỹ như Google và Facebook, và một bên sử dụng sản phẩm của công ty Trung Quốc như Baidu và WeChat.
Lời đe dọa của Trung Quốc trong việc cắt nguồn cung cấp đất hiếm cho Mỹ cũng sẽ khiến thị trường hàng hóa đứng trước rủi ro bị chia đôi trong tương lai.
Xu hướng ở đây khá rõ ràng: khi Trung Quốc ngày càng phát triển về kinh tế và địa chính trị, các quốc gia thuộc tầm ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ phải chịu ngày càng nhiều áp lực để sáp nhập nền kinh tế với các chuỗi cung ứng của Trung Quốc hơn là với Mỹ.
Cùng lúc đó, theo một tác giả của Bloomberg, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng tạo ra tâm lí “bài trừ” ở Anh và Australia.
Những quốc gia này sẽ chịu áp lực lớn trong việc tự cách li khỏi Trung Quốc.
Tại Mỹ, ông Trump đã khẳng định rằng ông coi thương chiến với Trung Quốc là một thuận lợi về mặt chính trị đối với ông. Có thể ông Trump đã đúng, và có thể tâm lí “bài trừ” Trung Quốc sẽ còn kéo dài rất lâu sau thời kì cầm quyền của ông Trump.
Với tất cả những yếu tố nói trên, thương chiến Mỹ – Trung dường như là điểm khởi đầu cho sự khởi đầu mới của trật tự thế giới. Khi Mỹ và Trung Quốc dần hình thành nên hai liên minh kinh tế và địa chính trị đối đầu nhau, phần còn lại của thế giới sẽ buộc phải lựa chọn.
Có thể Liên minh Châu Âu sẽ hình thành nên một phe thứ ba, khi quyền thành viên của Đức và Pháp trong EU giúp những quốc gia này không phải chịu lệ thuộc vào ảnh hưởng của Mỹ lẫn Trung Quốc.
Nếu không có thương chiến, một viễn cảnh khác có thể đã xảy ra: Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt tay để có cuộc cạnh tranh dựa trên tinh thần đối tác cùng phát triển, với EU đóng vai trò hỗ trợ. Tuy nhiên, những sự kiện trong vài tuần qua đã khiến viễn cảnh ấy hầu như không bao giờ xảy ra được.