Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hoá rồng” vào năm 2045.
Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại chia sẻ của mình: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân tôi trên cương vị Thủ tướng đã liên tục động viên doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển”.
“Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu với chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có, mà xông vào tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý”.
Thủ tướng nhìn nhận công nghệ là nhân tố chính cho tăng trưởng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển.
“Muốn tăng thu nhập trung bình phải phát triển doanh nghiệp công nghệ để đến 2045, nước ta phải trở thành nước công nghiệp thịnh vượng, hơn 5% dân số ở tầng lớp trung lưu. Làm thế nào để có bước tiến dài mạnh mẽ như vậy, phải chăng đó là một cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư?”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhận định doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hoá rồng” năm 2045. Với xu thế sôi động không thể đảo ngược của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước.
Hiện nay thương mại trên nền tảng số có giá trị 3,5 tỷ USD. Thông qua thúc đẩy kinh tế số. Con số này cần được đẩy cao hơn nữa. Ngành ICT (lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông) hiện nay có khoảng 50.000 doanh nghiệp với doanh thu 100 tỷ USD. Mục tiêu sắp tới 100.000 doanh nghiệp, thay vì lắp ráp gia công thì cần có những sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam, từ đó tiến ra nước ngoài.
“Việt Nam cần vượt qua rào cản và thách thức bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt. Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt lần đầu tiên được tổ chức là bước đi quan trọng. Doanh nghiệp công nghệ có nhiệm vụ nâng cao chất, tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên tầm cao hơn trong chuỗi giá trị, doanh nghiệp gắn trọng trách dẫn dắt việc chuyển đổi số quốc gia xây dựng nền kinh tế xã hội số, song song với tiến trình làm chủ thiết kế, tích hợp và công nghệ lõi. Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thực hành khẩu hiệu “sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất””, Thủ tướng phát biểu.
“Thời gian không chờ đợi, cơ hội không tự đến, nên cần hành động nhanh hơn trong thời đại kỹ thuật số. Việc bứt phá từ tư duy đến hành động, những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần nhường chỗ cho những phương thức kinh doanh dựa trên công nghệ và sáng tạo”.
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam có những lợi thế như lượng người sử dụng Internet cao, xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều doanh nghiệp phát triển công nghệ thông tin lớn… Đã 30 năm lắp ráp, gia công, nay đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện cơ bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm và công nghệ Việt.
“Người Việt Nam có đủ tố chất tốt để sáng tạo công nghệ. Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố dứt khoát chiến lược để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất. Đó chính là tuyên bố của chúng ta công bố hôm nay”, Thủ tướng nói.