“Liệu một xã hội khủng long có thể xây dựng khung pháp lý cho loài người, cấp phép cho sinh vật dạng người được tồn tại? Loài người sinh ra không nhờ giấy phép đó mà là do khủng long biến mất”, TGĐ VCCorp minh họa về rào cản của lối tư duy cũ.
Sáng 9/5, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam 2019, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp đã có những đánh giá và đề xuất để hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ có sản phẩm sáng tạo.
“Việt Nam chúng ta có thể làm được”
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Thế Tân phân chia những công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới ra 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất là Google, Facebook, Tencent, Baidu. Sáng tạo của các doanh nghiệp này là tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới, chưa từng tồn tại trước đó.
Nhóm thứ hai là Amazon, Alibaba, Uber, Grab. Đây là các doanh nghiệp sử dụng mô hình kinh doanh mới, phương pháp mới, sử dụng công nghệ của mình để giải các bài toán cũ. Đó là Uber, Grab tạo ra mô hình mới cho nhu cầu đi lại, đó là Amazon, Alibaba tạo ra cách thức mua sắm mới trên internet từ nhu cầu mua sắm vốn có.
Các công ty này chủ yếu tập trung ở Mỹ và Trung Quốc. Đây là các doanh nghiệp đứng đầu thế giới về số người sử dụng, doanh số, tầm ảnh hưởng, sáng tạo, giá trị thị trường và công nghệ.
“Vậy, Việt Nam chúng ta có thể làm được những sản phẩm như vậy không?”, TGĐ VCCorp đặt câu hỏi. Ông Tân cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được và đã có rất nhiều doanh nghiệp làm được.
Đó là Vingroup, làm được sản xuất tự động hóa 4.0 với việc cho ra đời nhà máy với tốc độ kỷ lục, điều mà không nhiều nước có thể làm được.
Đó là Viettel, tự làm ra thiết bị mạng 5G, trong khi thế giới mới chỉ có 4 siêu cường công nghệ làm được bao gồm Mỹ, châu Âu (Nokia, Ericsson), Hàn Quốc (Samsung) và Trung Quốc (Huawei). Việt Nam với đại diện Viettel đã ghi tên mình vào danh sách này với vị thế thứ 5.
Grab đã tạo ra một sản phẩm rất lớn với thế giới, nhưng Việt Nam cũng có Be, chỉ trong 1 năm ra sản phẩm với chất lượng gần tương đương Grab.
Về nội dung số, Việt Nam có VNG tạo ra Zalo, VCCorp tạo ra nền tảng quảng cáo và các sản phẩm này cạnh tranh bình đẳng với Facebook, Google ngay trên lãnh thổ Việt Nam, phục vụ người Việt Nam, thậm chí có một số thắng lợi.
Rào cản chính nằm ở tư duy cũ, khiến nhiều doanh nghiệp muốn làm mà không dám làm
Theo ông Tân, doanh nghiệp Việt có đủ điều kiện về tiền, về công nghệ, về nhân lực để làm được như doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, rào cản nằm ở tư duy cũ, điều này sẽ cản trợ sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ Việt.
“Liệu một xã hội khủng long có thể xây dựng khung pháp lý cho loài người, cấp phép cho sinh vật dạng người được tồn tại? Loài người sinh ra không nhờ giấy phép đó mà là do khủng long biến mất”, ông Tân đặt vấn đề.
Trên mặt bằng chính sách quốc gia, ông Tân nêu số liệu 3 câu chuyện khác nhau về thuế và ưu đãi ở Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Trong đó, ở Trung Quốc, thuế bảo hộ âm. Ở Mỹ, công ty Amazon có lợi nhuận 11 tỷ USD nhưng đóng thuế chỉ 0 đồng. Các công ty như Facebook, Google, Amazon đều “trốn” ở thiên đường thuế.
Trong khi đó, tại Việt Nam, bản thân công ty công nghệ như VCCorp tính ra tỷ lệ thuế phải đóng chiếm tới 15-20% trên doanh thu (chứ không phải trên lợi nhuận), bởi phần thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân rất cao.
Một cách trực quan nhất, có thể thấy rõ, tỷ lệ đóng thuế trên doanh thu quá cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận thu về của doanh nghiệp. Từ đó giảm khả năng bám trụ thị trường và tái đầu tư phát triển của doanh nghiệp Việt. Và cuối cùng là giảm khả năng cạnh tranh trên thương trường với doanh nghiệp ngoại. Trong khi đó, các công ty nước ngoài vốn có quy mô lớn lại được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế và chính sách.
Ông Tân cũng nêu một số bất cập của chính sách hiện nay, như việc yêu cầu Grab phải đeo “mào taxi” sẽ phá vỡ hoàn toàn mô hình kinh doanh sử dụng xe gia đình, khiến việc đầu tư của công ty này “đổ xuống biển”. Hay với mạng xã hội của doanh nghiệp Việt Nam, nếu một người sản xuất video đăng lên sẽ vi phạm quy định làm báo tư nhân, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài như YouTube không hề gặp rào cản nào.
Chính vì những rào cản này khiến nhiều công ty muốn làm nhưng không dám làm.
Hiến kế xây dựng chính sách ứng xử hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo Việt Nam
Trên cơ sở đó, ông Tân đề xuất với cơ quan quản lý 3 cơ chế ứng xử hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực mới, để vừa giúp các doanh nghiệp được làm, dám làm, vừa hỗ trợ Chính phủ trong việc quản lý, kiểm soát.
Thứ nhất, mỗi bộ ngành đều tách riêng kinh tế số ra quản lý, để tránh cái cũ kéo lùi cái mới.
Thứ hai, cơ chế sandbox dành cho cái mới như mở rộng về phạm vi, rộng về đối tượng tham gia, giới hạn quy mô ảnh hưởng. Chẳng hạn như việc quản lý ví điện tử nạp tiền mặt, chỉ cần eKYC, nhưng giao dịch không quá 1 – 2 triệu/ngày, giao dịch hóa đơn cơ bản thì được phép nhiều hơn.
Thứ ba, tạo ra đặc khu ảo cho những cái vấn đề, lĩnh vực hóc búa, cần kiếm soát, hoặc có rủi ro hơn. Sau đó chọn lọc công ty, chọn lọc vấn đề để kiểm soát như tiền ảo, nội dung số, phát hành chứng khoán ra quốc tế…
Đối với quan điểm quản lý, ông Tân đưa ra 5 đề xuất đến các cơ quan quản lý điều hành:
Thứ nhất, coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm. Đây là lĩnh vực có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ hai, xem xét lại quan điểm thu thuế, lựa chọn giữa thu thuế để phát triển các ngành quan trọng, hay thu thuế để thu thật nhiều tiền cho ngân sách.
Thứ ba, coi thuế thu nhập cá nhân là trọng tâm để thu hút nhân tài, giảm chi phí cho các công ty và tăng cường đầu tư vào con người.
Thứ tư, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt, phục vụ thị trường Việt Nam.
Thứ năm, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế (không phải outsourcing – thuê ngoài).
Trước sự có mặt, lắng nghe và ghi nhận thẳng thắn từ Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông và hơn 1000 doanh nghiệp, TGĐ VCCorp Nguyễn Thế Tân kỳ vọng Diễn đàn phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần này sẽ giúp thay đổi cơ chế để giúp các doanh nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển mạnh mẽ.