Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, ở những nơi xa xôi nhất, quy mô còn nhỏ và họ ít cái để mất nên sẵn sàng cho doanh nghiệp thử nghiệm.
Làm sao để Sandbox đúng tinh thần Sandbox?
Trong phiên thảo luận diễn ra buổi chiều ngày 9/5 tại Diễn đàn quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019, các doanh nghiệp tư nhân đã chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong phát triển công nghệ số và đưa ra các kiến nghị chính sách cho Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về việc yêu cầu có ngay chính sách rõ ràng cho sandbox, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: “Anh em doanh nghiệp đang có yêu cầu là phải ra ngay chính sách. Như thế thì lại chưa đúng với những nội dung mà ta đã trao đổi từ sáng đến giờ. Cái gì mà mới thì ta phải thử trước, cho nó lộ ra các vấn đề, sau đó mình có chính sách điều tiết nó sau.
Giống như anh Tân (ông Nguyễn Thế Tân – Tổng giám đốc VCCorp) nói: “Mình là người thì mình không thể thiết kế một cơ chế chính sách cho khủng long sống được”!
Về sandbox, anh em doanh nghiệp mong muốn có ngay cơ chế chính sách cho sandbox. Nhưng thật ra, anh em nên thử đã.
Nhận thức về chuyện “cái gì mới thì cho thử” trong Chính phủ là rất nhất quán. Bây giờ nếu mình muốn thử làm một dự án gì đó, hãy tiếp cận với bộ chủ quản và mạnh dạn đề xuất. Nếu bộ thấy rằng dự án này là tốt cho đất nước, trình lên Thủ tướng thì chắc chắn sẽ đồng ý.
Bản thân dự án mobile money có nghĩa là ông đang làm thông tin thì giờ làm ngân hàng. Tức là người dân có thể nạp tiền cho nhà mạng rồi dùng điện thoại di động chuyển tiền và chi tiêu. Bộ Thông tin truyền thông và ngân hàng đã trình Thủ tướng Chính phủ và đã làm được.
Cũng như thế, các dự án kinh tế số mới, anh em doanh nghiệp hãy thử 1 năm, 2 năm, 5 năm cho tới khi vận hành “quen tay”, lúc ấy nó đã lộ ra các vấn đề ra rồi thì mình xây dựng cơ chế chính sách cho vấn đề sandbox để điều tiết nó. Còn nếu chưa hiểu ra vấn đề mà đã ra cơ chế thì không khả thi”.
Ý thứ hai, ông Hùng nói, cho dù Nhà nước là một hộ chi tiêu lớn, nhưng thật ra khu vực năng động lại là khu vực doanh nghiệp, người dân. Cách mà doanh nghiệp nên làm là tấn công khu vực doanh nghiệp trước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trước và khu vực người dân trước. Khi sản phẩm công nghệ đã có thành công rất rõ ràng thì áp dụng vào khu vực Nhà nước sẽ dễ dàng hơn rất nhiều thay vì tập trung vào khu vực Nhà nước trước.
“Khu vực Nhà nước có những cơ chế rất nghiêm ngặt và rõ ràng nên nếu chưa có quy định mà đầu tư thì rất khó khăn. Muốn đi cùng với Nhà nước thì doanh nghiệp bỏ công sức của mình ra và nên đầu tư vốn của mình ra. Như thế thì có thiệt không?
Không thiệt! Là vì Nhà nước tuy không cho tiền nhưng đã nhận làm “chuột bạch” cho doanh nghiệp thử. Thứ hai nữa là khi Nhà nước tham gia thử nghiệm cùng doanh nghiệp, Nhà nước sẽ chia sẻ tri thức với doanh nghiệp. Cách mà Nhà nước quản trị chính là tri thức. Sau đó hai bên cùng tạo ra một sản phẩm. Doanh nghiệp đầu tư vốn, Nhà nước tuy không đầu tư nhưng cung cấp tri thức và sẵn sàng cho doanh nghiệp thử nghiệm. Ta tạo ra sản phẩm và chứng minh được sản phẩm là tốt”.
Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng, có những sản phẩm công nghệ số mà Chính phủ chưa đủ tiền mua thì Viettel tặng. Tại sao Viettel lại tặng? Vì những sản phẩm xuất sắc thì Viettel mang ra thị trường trường nước ngoài bán để thu hồi lợi nhuận, và vì Viettel nhận thức được Viettel có sản phẩm này là do Nhà nước. Có nhiều công nghệ mới, Viettel mang về Phú Thọ thử nghiệm. Bộ trưởng nói: “Rất có thể những công nghệ mới nhất mà anh em doanh nghiệp công nghệ muốn làm nên lên Điện Biên”!
Câu chuyện ở Davos
Chiều ngày 9/5/2019, tại Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã kể một câu chuyện ông được nghe tại diễn đàn Davos 2018.
“Tôi vẫn nhớ câu chuyện khi tôi đi Davos năm ngoái. Họ có kể một câu chuyện như sau:
Ở một thành phố rất nghèo của Thụy Sỹ, bao nhiêu năm họ nghèo mà không tìm ra được cách phát triển. Một ngày đẹp trời, Hội đồng Thành phố của họ họp lại, họ nói: “Hình như thế giới có cái gì đó gọi là blockchain? Hay là ta thử xem, cứ cái gì là blockchain thì ta cho thử. Dù sao thì ta cũng không mất gì, dù sao thì ta cũng đang nghèo nhất Thụy Sỹ”.
Vậy là thành phố này đã đồng ý cho thử nghiệm blockchain khi chưa có một nơi nào đồng ý. Và từ đó, hàng loạt các doanh nghiệp về blockchain trong các lĩnh vực như ngân hàng, truy vấn thực phẩm, bảo mật số điện thoại bằng blockchain,… Và sau hơn 3 năm, thành phố này trở thành thành phố số một về công nghệ số ở blockchain, không phải chỉ ở Thụy Sỹ mà là toàn thế giới.
Vậy có lẽ thử nghiệm công nghệ số, ta nên đến những nơi nghèo nhất để làm thử”.
Về ý kiến của ông Nguyễn Thế Tân về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao, Bộ trưởng đánh giá: “Ý kiến của anh Tân rất hay. Ta cứ nói ưu tiên ngành A, ưu tiên ngành B nhưng lại chưa tập trung vào ngành có giá trị gia tăng nhất. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp thu để nghiên cứu thêm. Vì cho dù ưu tên ngành A hay B thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo ra giá trị gia tăng”.