Mở một mạch 71 cửa hàng Kids Plaza bằng niềm đam mê mà không có khái niệm gì về chuỗi bán lẻ, dòng tiền, cũng như quản trị hiện đại, đến khi team sáng lập mở cửa hàng thứ 71 thì DN bắt đầu gặp vấn đề. Một loạt nhà cung cấp gọi điện đòi thanh toán, một số không thể cho nợ được nữa trong khi DN không còn đồng nào, họ thuê cả đầu gấu đến đòi nợ…
“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ hết, kể cả cái tốt lẫn cái không tốt, như câu châm ngôn của Nhật: “Những điều học được từ thành công thì rất ít, những điều học được từ thất bại mới là nhiều””, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn mở đầu cho tọa đàm “Bài học thương trường – Nỗi đau không dễ sẻ chia” do Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức mới đây.
Trên tinh thần sẻ chia ấy, ông Đỗ Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT CTCP Kids Plaza, đơn vị sở hữu hệ thống cửa hàng mẹ và bé Kids Plaza – cũng mở lòng về “nỗi đau” của mình.
Mở một mạch 71 cửa hàng mới phát hiện DN không còn tiền, một loạt nhà cung cấp đòi thanh toán, thậm chí thuê đầu gấu đến đòi nợ
Ông Tuấn kể, chuỗi siêu thị mẹ và bé Kids Plaza được gây dựng từ năm 2009, mở một mạch đến 71 cửa hàng bằng nỗ lực và niềm đam mê của team sáng lập, mà chưa có một khái niệm gì về chuỗi bán lẻ, dòng tiền cũng như quản trị hiện đại.
“Cũng rất may mắn là thời điểm chúng tôi mở chuỗi chưa có nhiều cạnh tranh. Đến khi mở cửa hàng thứ 71, bỗng nhiên một thời điểm rất nhiều nhà cung cấp gọi điện để thanh toán, mà công ty ở trong tình trạng không có tiền. Lúc ấy, lần đầu tiên tôi mới hiểu từ “khủng hoảng dòng tiền””, ông Tuấn chia sẻ.
Các nhà cung cấp đồn với nhau rằng: “Đừng bán hàng cho Kids Plaza nữa”! Cuộc đời tôi chưa bao giờ vấp phải trường hợp này
Trong công ty không có giám đốc tài chính, kế toán chỉ làm nhiệm vụ tính toán thống kê. Trong khi đó, một số nhà cung cấp không thể cho nợ được nữa mà doanh nghiệp cũng không có tiền để trả. Một số đã thuê “đầu gấu” đến đòi tiền.
“Cuộc đời tôi chưa bao giờ vấp phải trường hợp này. Trong vòng 3 – 4 tháng, tôi không thể ngồi được một chỗ, lúc nào cũng phải đi lại, đến các cửa hàng để xem khách hàng đang nói gì về mình. Các nhà cung cấp cũng vậy, họ đồn với nhau là “đừng bán hàng cho Kids Plaza nữa”, vị lãnh đạo cao nhất của chuỗi siêu thị mẹ và bé lớn nhất nhì Việt Nam kể lại.
Thời điểm cùng cực nhất cuộc đời, vị Chủ tịch sinh năm 1983 lên thư viện tìm kiếm tất cả đầu sách có từ “Thất bại” và mua một loạt.
Lúc ấy, ông Tuấn bình tĩnh ngồi lại khi đọc được câu chuyện của vị tỷ phú Donald Trump, nay là Tổng thống Mỹ. “Trong một lần ngân hàng có ý định siết nợ, vị tỷ phú này đã nói rằng: “Tôi còn sống. Các anh phải để cho tôi sống thì tôi mới trả tiền được””, ông Tuấn kể lại.
Qua cơn bĩ cực nhờ nhà cung cấp và nhân viên cho vay tiền!
Từ câu chuyện ấy, ông Tuấn và một người Cofounder đến từng nhà cung cấp để xin hẹn khất nợ lại. Các nhà cung cấp bắt đầu đồng ý cho lùi công nợ lại, có người cho nợ thêm 6 tháng, có người cho nợ nhiều hơn nữa, thậm chí có người cho vay tiền.
Trong thời điểm khó khăn nhất, một nhà đầu tư đã tìm đến và gửi email nói rằng: Với Kids Plaza, việc sống còn chỉ là vấn đề thời gian.
Do mở quá nhiều cửa hàng mà không quản trị tốt, các cửa hàng mới còn chưa kịp sinh lời đã mở thêm cửa hàng mới, dẫn đến việc thời điểm ấy các cửa hàng Kids Plaza còn rất ít hàng, trong khi công ty không còn tiền để mua hàng.
“Thời điểm ấy, chúng tôi họp các nhân viên lại, chia sẻ tình hình, mong các bạn tạm thời không nhận lương và cho công ty vay tiền. Rất may là các nhân viên đã đồng ý để công ty hoãn lại tiền lương. Chúng tôi khi ấy chỉ trả lương cho nhân viên bán hàng, các cấp quản lý và lãnh đạo Kids Plaza không nhận lương”.
“Đấy là bài học đầu tiên về khủng hoảng dòng tiền ở Kids Plaza”, ông Tuấn kể.
Doanh nghiệp Việt Nam muốn thành công phải có giám đốc tài chính giỏi!
Khủng hoảng dòng tiền cũng là câu chuyện mà cả Chủ tịch Tập đoàn Empire Nguyễn Đức Thành và Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn từng gặp phải.
Ông Thành từng giữ cương vị Chủ tịch HĐQT CTCP Nikko – một đơn vị sản xuất điện tử hàng đầu Việt Nam tầm 15 năm về trước. Tuy nhiên, theo lời ông Thành, do vị CEO trẻ tuổi ham chơi golf đã khiến doanh nghiệp đầy hứa hẹn với kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam lâm vào cảnh “dòng tiền chết”.
Doanh nghiệp không bán được hàng. Không có người kiểm soát chất lượng sản phẩm dẫn đến việc hàng giao đi đại lý trả về rất nhiều, vì chất lượng không đảm bảo.
Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống sales của công ty không có người kiểm soát. Họ đi thu tiền của đại lý xong có người không nộp về công ty, người cầm 3 tỷ đồng, người cầm 5 tỷ, người chục tỷ…
Nikko đã đổ vỡ ít năm sau đó.
Tập đoàn Phú Thái trước khi có được thành tựu như ngày hôm nay cũng từng trải qua căng thẳng về dòng tiền, đến mức người phụ trách tài chính sợ tới mức mấy tháng không ngủ được. Và người đứng đầu Phú Thái gửi lời nhắn nhủ tới các doanh nhân trẻ rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam muốn thành công phải có giám đốc tài chính giỏi!”