Dưới nhiều hình thức khác nhau, thuốc lá điện tử, ma túy đang len lỏi vào nhà trường, trong khi một bộ phận không nhỏ học sinh chưa hiểu về tác hại của chúng. Chính vì thế, việc phòng chống tác hại của thuốc lá, ma túy trong học đường càng trở nên cấp bách, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh.
Một buổi sinh hoạt đầu giờ tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử của trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang).
Gần đây, tại một số tỉnh liên tiếp phát hiện, bắt giữ các đối tượng phân phối, bán thuốc lá điện tử chứa chất ma túy cho giới trẻ. Kết quả giám định trong thuốc lá điện tử có chứa chất ADB-Butinaca thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp nằm trong danh mục chất cấm. Theo Thượng tá Trần Mạnh Cường, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh, chất ADB- Butinaca khi sử dụng khiến con người có ảo giác mạnh, hoang tưởng, dễ dẫn đến những hành động không kiểm soát, dễ gây nguy hiểm cho người khác.
Tại tỉnh Tuyên Quang, đến nay, lực lượng chức năng chưa ghi nhận đối tượng nào liên quan đến đối tượng buôn bán, người sử dụng thuốc lá điện tử chứa ma túy. Tuy nhiên, để ngăn chặn kịp thời đơn vị đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành đợt tổng kiểm tra những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nước giải khát có nguy cơ cao buôn, bán chất cấm được giới trẻ ưa thích sử dụng. Qua đó nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, góp phần ngăn chặn các loại ma túy, đặc biệt các loại ma túy mới, chất kích thích bị cấm đang len lỏi, xâm nhập vào lứa tuổi học đường.
Chị Trương Thị Lan, tổ 16, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) lo lắng nói: “Tôi thật sự lo ngại khi nhà có con trai, cháu đang ở lứa tuổi 16 đến 18 tuổi. Hiện nay, trên thị trường mẫu mã của thuốc lá điện tử trông rất bắt mắt, các chế phẩm từ ma túy biến dạng dưới nhiều hình thức được đóng gói dưới dạng bánh ngọt hay viên ngậm bọc vỏ kẹo rất bắt mắt nên rất khó kiểm soát”.
Trong năm học 2022 – 2023, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp để phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy học đường. Kết quả, từ tháng 9-2022 đến tháng 3-2023, các trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được hơn 400 buổi ngoại khóa, mít tinh, nói chuyện tuyên truyền những kiến thức cơ bản về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho gần 220 nghìn lượt cán bộ, giáo viên, học sinh về phòng chống tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử.
Công an thành phố tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, ma túy đến học sinh trên địa bàn thành phố.
Cấp phát trên 5.000 tờ rơi, băng zôn, khẩu hiệu và hơn 500 cuốn sách, tạp chí, bản tin có nội dung tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, ma túy. 100% các trường tổ chức cho học sinh ký cam kết không tham gia vào tệ nạn xã hội. 100% nhà trường và các cơ sở giáo dục đã xây dựng hòm thư tố giác tội phạm.
Có mặt tại trường THPT Lâm Bình (Lâm Bình) trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa, chúng tôi thấy các em được trao đổi thông tin thời sự liên quan đến tác hại của thuốc lá, ma túy, tình hình học sinh sử dụng hiện nay. Em Nguyễn Đình Thái, học sinh lớp 12C1, trường THPT Lâm Bình cho biết: “Chúng em cảm thấy rất thích những buổi sinh hoạt như thế này. Thông qua buổi sinh hoạt chúng em được hiểu thêm về tác hại cũng như cách phòng chống để tự bảo vệ bản thân mình và nhắc nhở bạn bè, người thân tránh xa thuốc lá, ma túy”.
Bà Vũ Quỳnh Loan, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào cho biết: “Hàng năm, vào đầu năm học, nhà trường tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về việc phòng chống tác hại của thuốc lá, ma túy trong học đường đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên của nhà trường. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức các buổi tuyên truyền cho các em sinh viên, học sinh tại các buổi ngoại khóa, sinh hoạt đầu giờ về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy và cách phòng chống tệ nạn ma túy. Từ đó cung cấp thêm kiến thức để giúp các em biết tránh xa các tệ nạn; đồng thời khuyến khích các em phát hiện, tố giác các đối tượng mắc nghiện, tàng trữ các chất ma túy tại nhà trường và địa phương”.
Em Nguyễn Hoàng Việt, sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Tân Trào chia sẻ: “Thông qua buổi tuyên truyền giúp chúng em nâng cao ý thức phòng ngừa, tránh xa ma túy, góp phần giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội nói chung và trong học đường nói riêng, tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh”.
Tại các địa phương, công tác chỉ đạo, tuyên truyền cũng được đẩy mạnh và thực hiện nghiêm túc. Đồng chí Nguyễn Trọng Đoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, nhằm ngăn chặn kịp thời thuốc lá điện tử, ma túy vào học đường, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế tăng cường kiểm tra, phát hiện các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các quán, quầy tạp hóa, căng tin trong và ngoài cổng trường trên địa bàn quản lý theo phân cấp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế và các văn bản xử lý vi phạm hiện hành liên quan khác; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt hội phụ huynh học sinh chung tay trách nhiệm, phối hợp với nhà trường vận động, khuyên bảo các em học sinh không sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử dù chỉ một lần; theo dõi, phát hiện, phản ánh mua, bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các trường học đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Có thể thấy, khi các em học sinh, sinh viên chưa có những hiểu biết đầy đủ về tác hại của thuốc lá điện tử, ma túy sẽ dẫn tới thái độ thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng. Chính vì vậy, việc trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản này sẽ giúp các em học sinh, sinh viên chủ động tránh xa các tệ nạn. Qua đó, góp phần ngăn chặn tối đa được sự tấn công của các loại thuốc lá, ma túy vào học đường, giữ cho môi trường giáo dục được an toàn, lành mạnh.