Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump
Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự, đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương, để chiếm thế thượng phong cả hai bên đều không nhân nhượng.
Đi cùng xung đột thương mại Trung – Mỹ không ngừng leo thang, hiện nay giới quan sát đang tưởng tượng về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Liệu có khả năng xảy ra viễn cảnh này? So sánh sức mạnh hai bên hiện nay ra sao?
Trên tờ Der Spiegel của Đức, cây viết kỳ cựu Bernhard Zand có bài viết “Chiến tranh Lạnh mới? Xem Trung Quốc như Liên Xô là đánh giá quá thấp Trung Quốc”, vẽ ra bức tranh toàn cảnh về diễn biến quá trình xung đột Trung – Mỹ, đồng thời cũng cảnh báo sức mạnh hiện nay của Trung Quốc trên nhiều mặt trận, không chỉ về quân sự.
Bước ngoặt từ chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Trump
Chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Trung Quốc lần đầu vào tháng 11/2017, Washington đã công bố chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông, thông báo rằng thách thức mà nước Mỹ gặp phải từ Nga và Trung Quốc đang ngày càng lớn, cho rằng hai đối thủ cạnh tranh lớn “đang nỗ lực thách thức hệ giá trị và sức ảnh hưởng của Mỹ”.
Chiến lược an ninh quốc gia cho rằng sau gần 20 năm chú trọng chống khủng bố, Mỹ đang chuyển trọng tâm sang chiến đấu với sức mạnh quân sự của Trung Quốc và Nga. Giới chức Bộ quốc phòng Mỹ cho biết, chiến lược này sẽ là kế hoạch của Mỹ trong vài năm tới. Trong báo cáo Lầu Năm Góc xếp Trung Quốc ở trên Nga, gọi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược”, đã thay đổi hoàn toàn ngôn ngữ ngoại giao thông thường mà chính quyền tiền nhiệm của ông Barack Obama hay dùng với Bắc Kinh.
Kể từ đó, Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu “tương tác ngôn ngữ” thường xuyên. Vào tháng 6/2018, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray chỉ ra, mặc dù Nga vẫn cần Mỹ phản ứng tích cực, nhưng Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng nhất, thách thức nhất và rộng rãi nhất đối với Mỹ.
Một quan chức cấp cao của Trung Quốc đáp trả rằng Mỹ đã kề con dao lên cổ mình và muốn tái diễn kịch bản khiến Liên Xô tan rã. Về vấn đề này, tờ Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc phản bác rằng “Trung Quốc là một siêu cường, bất kỳ quốc gia nào muốn đối đầu với Trung Quốc trong các lĩnh vực quân sự và kinh tế sẽ phải trả giá rất lớn”.
Đầu tháng 10/2018, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã có bài phát biểu gây tiếng vang tại Viện Hudson ở Washington, khi ông nói thẳng “Trung Quốc đang tích cực hơn bao giờ hết trong sử dụng sức mạnh, để gây ảnh hưởng và can thiệp vào chính sách và chính trị đối nội của Mỹ”.
Phong cách diễn thuyết bằng ngôn từ nghiêm trọng của ông Pence được cho là không khác gì tuyên bố bắt đầu một cuộc “chiến tranh lạnh” mới.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong diễn văn chỉ trích trực diện Trung Quốc
Mỹ tính sai khi đánh giá Trung Quốc giống Liên Xô?
Thoạt nhìn, so sánh sức mạnh Trung-Mỹ hiện tại không giống như mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô cũ trước đây. Mặc dù ngày nay cả Trung Quốc và Mỹ đều là cường quốc hạt nhân, nhưng Mỹ có hơn 6.450 đầu đạn hạt nhân, còn Trung Quốc chỉ có 280, Nga có 6.850.
Bernhard Zand nêu, nếu căn cứ từ đây để kết luận thế giới ngày nay ổn định hơn thời Chiến tranh Lạnh thì thật sai lầm. Dù tác dụng răn đe của vũ khí hạt nhân có thể cho phép một số bộ máy chính trị nhỏ yếu giành được cân bằng nhất định giữa các cường quốc, nhưng điểm quan trọng trong cạnh tranh chính giữa các cường quốc thế giới đã chuyển từ mở rộng vũ khí hạt nhân sang phát triển kinh tế và công nghệ.
Ví dụ, gã khổng lồ quân sự Liên Xô trong bối cảnh thúc đẩy toàn cầu hóa, tổng sức mạnh quốc gia đã theo xu hướng sụt giảm nhanh. Với Trung Quốc ngày nay thì ngược lại. Nếu Trung Quốc và Mỹ tiếp tục theo tốc độ phát triển hiện nay, thì đến năm 2030, tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt Mỹ, có thể cạnh tranh cân bằng với Mỹ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, truyền thông, kinh tế kỹ thuật số và chất bán dẫn.
Nếu Washington sẵn sàng đẩy cuộc chiến thương mại đến mức cực đoan, có thể làm lung lay nền móng thương mại xuất nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng cũng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho thị trường Mỹ.
Rõ ràng, sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong thế kỷ 21 không chỉ là mánh khóe cấp thấp của cuộc chạy đua vũ trang, mà đó là đối đầu toàn diện của nền kinh tế chính trị, bao gồm cả ý thức hệ, bàn cờ trước Trung Quốc và Mỹ là ba chiều chứ không phải hai chiều.
Tham vọng và lo lắng của giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc và Mỹ là gì? Đường ranh đỏ va chạm kinh tế, quân sự và địa chính trị giữa hai nước là gì?
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
Nhìn lại một thập kỷ trước, đó là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vào tháng 6 năm đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson và Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn – người lãnh đạo lĩnh vực tài chính của mỗi bên và rất hiểu nhau – đã gặp nhau tại Washington. Hai ông đánh giá các xu hướng và tình thế của cuộc khủng hoảng tài chính khi đó, tiến tới đưa ra hiệp thương sơ bộ về cách tăng cường kiểm soát các rủi ro tài chính tiềm ẩn.
Khi đó, tổng sản lượng kinh tế của Mỹ gấp hơn ba lần Trung Quốc. Nhưng sau cơn sóng gió thị trường tài chính, của Mỹ, niềm tin đầu tư vào bất động sản sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thâm hụt tài chính quốc gia tăng vọt, tài sản ngân hàng và các quỹ phòng hộ giảm mạnh, sau vài tháng, tập đoàn Lehman Brothers tuyên bố phá sản.
Ông Vương Kỳ Sơn chia sẻ với ông Paulson: “Các vị từng là thầy của chúng tôi, nhưng hãy xem hệ thống kinh tế của các vị hiện nay, rất thê thảm, chúng tôi cảm thấy không còn gì để học hỏi từ các vị.”
Sau đó ông Paulson xuất bản một cuốn sách, chỉ ra cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 là “khoảnh khắc nhục nhã”, và cuộc gặp gỡ với Vương Kỳ Sơn “là một trong những trải nghiệm khó khăn nhất trong cuộc đời”.
Có nghĩa là, kể từ năm đó, vận thế của Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu có bước ngoặt, niềm tin của người Trung Quốc ngày càng mạnh, còn người Mỹ bắt đầu nghi ngờ phải chăng hệ điều hành của họ đang có vấn đề.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ ngay nay vẫn mạnh mẽ, nhưng xem chừng cán cân đang dần ngả về Trung Quốc. Một số dự đoán của Paulson từ năm 2008 đã bắt đầu thể hiện rõ: Năm 2018, tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc so với năm 2008 đã tăng gấp ba lần; dự trữ ngoại hối đã tăng 60%, xuất siêu với Mỹ đã tăng từ 270 tỷ USD lên 400 tỷ USD.
Chính phủ Mỹ lên án đằng sau sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc là nhiều chiêu trò không công bằng, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 đã không tuân thủ đầy đủ các quy tắc ứng xử của thị trường và bảo đảm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời âm thầm trợ cấp doanh nghiệp nhà nước gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Vương Kỳ Sơn (trái) và ông Henry Paulson
Bùng nổ cuộc chiến thương mại
Trong tình hình bức bối, vào mùa hè năm ngoái Trump đã phát động chiến tranh thương mại chống lại Trung Quốc, tăng thêm một loạt thuế quan trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia tại Nhà Trắng, đã xuất bản cuốn sách “Chết bởi Trung Quốc” (Death by china), đề cập vấn đề “phải thay đổi hoàn toàn chuỗi thương mại thế giới hiện nay do Trung Quốc thống trị”. Ông cho rằng nhiều quy định của WTO đã lạc hậu và không còn có lợi cho Mỹ, đồng thời giết chết thị trường việc làm tại Mỹ.
Cố vấn kinh tế tổng thống Mỹ Larry Kudlow chỉ trích Trung Quốc về thành tích tồi tệ trong quá trình thực thi thỏa thuận. Sau loạt đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ vào cuối tháng 11/2018, giọng điệu của ông đã ôn hòa hơn, cho rằng có thể đi đến điểm dừng tạm thời trong cuộc chiến giằng co giữa Trung Quốc và Mỹ: “Lần đầu tôi nhận được lời hứa từ Trung Quốc sẽ trở thành một thỏa thuận thực sự.”
Hai bên đã không ngừng đối thoại trong lĩnh vực thương mại, nhưng Trung Quốc vẫn không từ bỏ việc đưa thêm bài lên bàn đàm phán khác. Bắc Kinh đã “trống giong cờ mở” trong tiếp xúc với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bày tỏ rằng cả hai bên cần tiếp tục xây dựng cơ chế hóa của hội nghị an ninh Trung – Mỹ, động thái này rõ ràng cũng là để thể hiện cho Lầu Năm Góc thấy.
Bên lề hội nghị G20 năm 2018, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Trump đã đạt được đồng thuận rằng, nếu trong vòng 90 ngày mà đôi bên không đạt được thỏa thuận thì Mỹ dựa theo kế hoạch cũ tăng thuế suất lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Căng thẳng vừa dịu đã leo thang trở lại khi CFO hãng Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, với cáo buộc lách các trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Đáp lại, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đẩy mạnh tăng vốn trên thị trường, lần thứ tư liên tiếp hạ tỷ lệ dự trữ tiền gửi của các tổ chức tài chính, và tích cực thúc đẩy RCEP (Thỏa thuận Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực). Quyết định này đã bao trùm 45% dân số thế giới và 1/3 tổng quy mô thương mại của thế giới.
Một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc cũng cho biết, Trung Quốc vẫn có một sát thủ để đối phó với sự leo thang của các cuộc chiến thương mại: giảm lượng giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhà kinh tế Mei Xinyu, người có mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Đây có thể là một lựa chọn.”
Mei cũng chỉ ra: “Khi môi trường kinh tế tốt, trong điều kiện bình thường thì tốc độ phát triển của Trung Quốc có thể duy trì tốc độ để bắt kịp Mỹ, nhưng nếu tình hình kinh tế toàn cầu không tốt, khi đó bên nào suy thoái nhanh hơn sẽ trở nên dễ dàng kích hoạt cuộc chiến tài chính hơn”.
Một phương diện khác, Henry Paulson lo lắng rằng “bức màn sắt” trong lĩnh vực kinh tế và thương mại sẽ sớm sụp đổ và tác động một số quốc gia bên lề cuộc chiến thương mại.
Đầu tháng 11/2018, Paulson tái ngộ ông Vương Kỳ Sơn – lúc này là Phó chủ tịch Trung Quốc – ở Singapore. Ông Vương ngầm cảnh báo Mỹ không cố gắng leo thang chiến tranh thương mại giữa hai bên. Paulson cho rằng nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận trong một số lĩnh vực rõ ràng, thì hệ quả nguy cơ không chỉ nằm ở kinh tế thế giới, mà cả tình hình trật tự và hòa bình thế giới hiện hữu.
(còn tiếp)